Thiên nga đen và những lần "tấn công" nền kinh tế thế giới

Đối ngoại - Ngày đăng : 08:10, 23/05/2020

(BKTO)- Khái niệm “black swans” (thiên nga đen) đã ăn sâu vào ý thức của giới đầu tư và thống trị thị trường tài chính gần một thập kỷ qua khi quyển sách “The Black Swan” của Nassim Taleb xuất bản năm 2007. Đại dịch Covid-19 và những tác động khủng khiếp của nó cũng được các nhà đầu tư nhận định là thiên nga đen mới của nền kinh tế.


                
   

“Thiên nga đen” - tức hiện tượng kinh tế vô cùng hiếm xảy ra và không thể dự đoán trước - Nguồn: sưu tầm

   

Chưa từng có tiền lệ và không đoán trước được

Về mặt khái niệm "Thiên nga đen” là hiện tượng kinh tế cực kì hiếm khi xảy ra và không thể dự đoán trước, mang lại những hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế. Thuật ngữ này do Giáo sư kinh tế Nassim Nicholas Taleb - một cựu thương nhân Phố Wall đề xuất, được dùng để nhấn mạnh những sự kiện vượt quá dự đoán bình thường, hiếm có, thậm chí cũng chưa chắc có khả năng xảy ra nhưng ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới tài chính và hệ thống kinh tế toàn cầu.

Theo Taleb: Tất cả những phương pháp được sử dụng trên thị trường hiện nay đều dùng dữ liệu của quá khứ để dự báo về tương lai. Nhưng kể từ khi ta biết rằng quá khứ không thể tiên đoán được tương lai, đặc biệt là những sự kiện diễn ra trên thị trường tài chính. Việc phụ thuộc vào dữ liệu quá khứ sẽ làm chúng ta luôn chậm chân với những cơ hội chưa bao giờ từng xuất hiện trước đây trên thị trường.

Không ai dự đoán được cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, thảm hoạ sóng thần năm 2004 ở Đông Nam Á, cuộc khủng hoảng tài chính 2008, hoặc thảm hoạ hạt nhân Fukushima… Thậm chí sự sụp đổ năm 2015 của giá dầu cũng là một trong những sự kiện chưa từng có tiền lệ và không đoán trước được.

Các nhà đầu tư, giới phân tích thường tập trung vào những gì xảy ra trong quá khứ nhưng không tính đến bất kỳ sự kiện thiên nga đen nào có thể xảy ra, vì chúng chưa có tiền lệ trước đây.Điều này dẫn đến hậu quả thường được ghi nhận là rất nặng nề khi thiên nga đen xảy ra. Vì thông thường nó không được dự báo trước. Trong lịch sử cũng ghi nhận những lần thiên nga đen xảy ra với nền kinh tế và thị trường chứng khoán.

Bong bóng Y2K

Bong bóng dot-com (bong bóng Y2K) năm 2001 là thiên nga đen xảy ra vào đầu thế kỉ XXI khiến nền kinh tế Mỹ và thế giới ảnh hưởng nặng nề. Giai đoạn này, hệ thống Internet bắt đầu phát triển, các cổ phiếu thuộc các công ty lĩnh vực công nghệ được đầu cơ mạnh.

Một loạt công ty trong lĩnh vực này IPO và có cổ phiếu tăng chóng mặt. Các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng rót vốn vào một loạt các công ty công nghệ với mức định giá cao. Giá cổ phiếu ban đầu tăng mạnh khiến các chỉ số thị trường chứng khoán lên cao trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, việc tăng quá mức và bong bóng diễn ra khiến thị trường sụp đổ, thị trường chứng khoán lao dốc kéo theo suy thoái kinh tế đầu những năm 2000.

Năm 2008, khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra bắt nguồn từ sự sụp đổ của thị trường bất động sản tại Mỹ. Việc vỡ bong bóng nhà ở dẫn tới các khoản vay cho việc mua nhà với các tổ chức tài chính không có khả năng chi trả. Hậu quả là một loạt tổ chức tài chính lớn gặp khó khăn thậm chí phá sản (Lehman Brothers).

Thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ khéo theo hệ lụy đến với các thị trường khác trên thế giới. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones từng đóng cửa mức thấp nhất kể từ tháng 4/1997 vào ngày 9/3/2009. Chỉ số này đã giảm 20% trong vòng 6 tuần lễ.

Thị trường chứng khoán châu Âu cũng xảy ra tình trạng tương tự, tại châu Á, thị trường Nhật Bản mặc dù trong giai đoạn ổn định cũng ghi nhận chỉ số Nikkei xuống mức thấp nhất lịch sử vào tháng 10/2008. Riêng tại Việt Nam, chỉ số VN-Index đã giảm tới 70% trong quý 1/2008, thuộc diện giảm mạnh nhất trên thế giới.

Lạm phát ở Zimbabwe

Năm 2008 cũng chứng kiến hiện tượng thiên nga đen xảy ra tại Zimbabwe khi đạt mức lạm phát cao kỉ lục từ trước tới nay với 79,6 tỷ phẩn trăm gây ảnh hưởng trầm trọng đến kinh tế quốc gia châu Phi này.

Zimbabwe bắt đầu bước vào kỷ nguyên siêu lạm phát vào tháng 3 năm 2007. Lạm phát chỉ chấm dứt khi quốc gia châu Phi từ bỏ đồng nội tệ của mình vào năm 2009. Cuộc khủng hoảng lạm phát của Zimbabwe cho đến nay là cuộc lạm phát tồi tệ thứ hai trong lịch sử, sau cuộc khủng hoảng siêu lạm phát ở Hungary năm 1946, với giá cả tăng gấp đôi sau mỗi 15,6 giờ. Biểu hiện rõ nhất là việc Ngân hàng Trung ương liên tục phát hành giấy bạc mệnh giá rất cao, tháng 1 năm 2008 phát hành giấy bạc mệnh giá 20 triệu đô la, đến 21 tháng 7 năm 2008 phát hành giấy bạc mệnh giá 100 tỷ đô la.

Covid-19

“Tấn công” Trung Quốc vào đúng dịp “Xuân vận” (người dân đổ về quê ăn Tết Nguyên đán), virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đã “càn quét” khắp các châu lục trên thế giới với tốc độ lây nhiễm chóng mặt không phân biệt biên giới, quốc gia, giàu nghèo...

Hàng loạt quốc gia đã áp đặt các biện pháp hạn chế và phong tỏa nhằm ngăn chặn đà lây lan dịch bệnh, hàng loạt lĩnh vực như xuất-nhập khẩu, du lịch, hàng không... đều bị đình trệ. Tất cả đã khiến nền kinh tế các nước phải hứng chịu những tổn thất nặng nề.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva phải thừa nhận nguy cơ thế giới sẽ phải hứng chịu hậu quả kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau “Đại khủng hoảng” những năm 1930 và dự đoán kinh tế thế giới trong năm 2020 sẽ “tăng trưởng âm ở mức sâu".
NAM SƠN (Tổng hợp)