Điều hành ngân sách phù hợp với tăng trưởng kinh tế
Đối nội - Ngày đăng : 08:00, 25/05/2020
(BKTO) - Tác động của đại dịch Covid-19 đặt ra thách thức lớn trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2020 cũng như tạo sức ép trong thu, chi NSNN. Trong bối cảnh đó, Chính phủ xác định, công tác quản lý, điều hành NSNN cần tập trung vào tăng thu, tiết kiệm chi, tăng cường kỷ luật tài chính; đặc biệt khi nguồn thu giảm thì nguồn chi cũng phải giảm tương ứng.
Ảnh minh họa
Áp lực hụt thu lớn, nhu cầu chi tăng cao
Báo cáo tại Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2020, tổng thu NSNN đạt 491.380 tỷ đồng, bằng 32,5% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 đạt 37% dự toán, tăng 14,9%), trong đó: thu nội địa đạt 32,3% dự toán, giảm 3,7%; thu về dầu thô đạt 52,1% dự toán, tăng 0,9% so với cùng kỳ (giá dầu thanh toán bình quân 4 thá́ng đạt khoảng 58 USD/thùng, thấp hơn 2 USD/thùng so với giá tính dự toán); thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 30,8% dự toán, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, tổng chi NSNN đạt 472.100 tỷ đồng, bằng 27% dự toán, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Trước tác động của đại dịch Covid-19, nhiều DN đã phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh do gặp khó khăn về thị trường, gián đoạn nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào, cầu hàng hóa, dịch vụ sụt giảm mạnh... tạo sức ép ngày càng lớn đến thu NSNN. Chính phủ dự báo, trong các tháng tới, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đáng chú ý là rủi ro diễn biến dịch bệnh Covid-19, tác động của suy giảm tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu, giá dầu thô sụt giảm. Trong bối cảnh đó, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thách thức rất lớn. Tình hình trên sẽ tác động mạnh đến cân đối thu, chi NSNN các quý tiếp theo và cả năm 2020.
Do đó, trong thời gian còn lại của năm 2020, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2020 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời thực hiện tốt công tác hỗ trợ người dân, DN, tăng cường công tác quản lý thu NSNN; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại; xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; phấn đấu, quyết tâm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm 2020. Đồng thời, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, điều hành sử dụng dự phòng NSNN triệt để tiết kiệm, trước mắt sử dụng khoảng 50% dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương (NSĐP), tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả dịch Covid-19, các nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Bảo đảm nguyên tắc giảm thu thì phải giảm chi
Đặc biệt, một nguyên tắc được Chính phủ xác định rõ trong điều hành NSNN thời gian tới là các địa phương phải thực hiện đúng nguyên tắc “trường hợp giảm thu phải giảm chi tương ứng”; dành nguồn tăng thu ngân sách năm 2019 chuyển sang năm 2020 để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ đảm bảo cân đối NSĐP trong trường hợp bị hụt thu.
Đồng tình với các giải pháp của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2020 là không khả thi và dự kiến hụt thu NSNN năm 2020 khá lớn (khoảng 130.000 - 150.000 tỷ đồng) trong khi nhu cầu chi tăng cao để ứng phó dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ các DN gặp khó khăn, cân đối NSNN bị ảnh hưởng rất lớn. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ, các Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương cần bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội để chủ động có phương án điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế sát thực tế hơn, tạo cơ sở để tính toán, dự báo các chỉ tiêu kinh tế, tài chính, ngân sách tương ứng với tăng trưởng kinh tế; thực hiện tiết giảm mạnh hơn chi thường xuyên trong các hoạt động hành chính của các cơ quan nhà nước.
Cho ý kiến về vấn đề này, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần rà soát kỹ lưỡng, toàn diện các chính sách về tiền tệ, tín dụng, chính sách thuế, chính sách chi tiêu mà Chính phủ dự kiến sẽ đề xuất, như: chính sách giãn thuế, phí; vấn đề giảm, miễn thuế đối với DN nhỏ và vừa; vấn đề tăng mức giảm trừ gia cảnh… Theo đó, phải cân nhắc, tính toán thu, chi để đảm bảo hiệu quả nhất, hạn chế đến mức thấp nhất việc gia tăng nợ xấu; tránh hụt thu quá mức, trong khi chi tăng cao sẽ ảnh hưởng đến bội chi và nợ công.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hiện nay, nguy cơ tiềm ẩn đối với lĩnh vực ngân hàng rất cao. Khi dịch bệnh xảy ra, tất cả đình trệ thì nợ tốt trở thành nợ xấu. Vì vậy, trong điều hành dự toán thu, chi phải hết sức lưu ý. “Nới lỏng chính sách tiền tệ cũng phải tính tới việc hấp thụ của nền kinh tế có được hay không, nếu không sẽ gánh hậu quả về sau, như trước đây chúng ta từng xử lý” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Nhấn mạnh việc thực hiện nguyên tắc giảm thu thì phải giảm chi tương ứng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Chính phủ phải có thông điệp với các địa phương, đã giảm thu thì đồng thời phải giảm chi tương ứng. Nếu những khoản không thể giảm chi được thì phải dùng dự phòng ngân sách, dùng quỹ dự phòng tài chính để chi, dùng tăng thu, tiết kiệm chi để chi. Sau khi hết các nguồn thì mới tính đến vấn đề điều chỉnh bội chi và nợ công. “Vấn đề này phải chỉ đạo một cách chặt chẽ, tránh để chi tràn lan mà không kiểm soát được” - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Đ.KHOA