Hậu Covid-19, làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển?
Đối nội - Ngày đăng : 08:05, 25/05/2020
(BKTO) - Giải đáp câu hỏi được đặt ra liên tục gần đây: “Làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển sau đại dịch Covid-19”, tại buổi sinh hoạt chuyên đề của Câu lạc bộ Café Số vừa qua, PGS,TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - đã gợi mở nhiều điều quan trọng đối với Chính phủ, DN và cả nền kinh tế. Phóng viên Báo Kiểm toán đã ghi lại nội dung của buổi trao đổi này.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên
Phân bổ nguồn lực hợp lý, không hỗ trợ đại trà
Khi xảy ra đại dịch Covid-19, nền kinh tế của hầu hết các nước đều bị ảnh hưởng. Chính phủ Việt Nam đã phản ứng với đại dịch này rất nhanh và quyết liệt với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Đến nay, về cơ bản, dịch Covid-19 đã được kiểm soát.
Để hỗ trợ người dân và DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Chính phủ đang thực hiện 3 chương trình, đó là: gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng; gói 180.000 tỷ đồng về gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất và gói 300.000 tỷ đồng vốn tín dụng để hệ thống ngân hàng khoanh, giãn, hoãn nợ và cho DN vay mới.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta nên cứu trợ nhóm DN lớn hay cứu toàn bộ DN nhỏ và vừa. Việt Nam nên thực hiện nguyên tắc tập trung hỗ trợ DN có khả năng tạo ra hiệu quả và mang tính trụ cột của nền kinh tế, đồng thời dành một phần nguồn lực để khuyến khích DN khởi nghiệp nhằm tạo ra một bộ phận DN mới. Những DN được hỗ trợ phải được định lượng rõ ràng, bởi lẽ, nguồn lực hữu hạn nên điều quan trọng bậc nhất là phải phân bổ hợp lý và hiệu quả chứ không thể cứu trợ DN một cách đại trà. Nếu tập trung cứu những DN kiểu cũ thì sau Covid-19, đất nước vẫn “cũ”. Hơn nữa, cứu DN ốm yếu không có nghĩa là cứ đổ nhiều sâm, nhiều sữa là họ sẽ khỏe và đứng vững. Các DN nhỏ có số lượng lớn, tỷ lệ dừng hoạt động cao nhưng nhóm này lại linh hoạt nên dễ cấu trúc lại và chuyển sang trạng thái mới.
Chuẩn bị kỹ để không bỏ lỡcơ hội
Điều quan trọng nữa là sau khi chống Covid-19, Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội để phát triển kinh tế theo hướng nào, tranh thủ cơ hội gì để thay đổi cấu trúc kinh tế? Mặc dù dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam nhưng nên coi đại dịch này như một cơ hội lịch sử bởi 4 lý do: thoát khỏi tư duy cũ; tiến lên để theo kịp các nước tiên tiến, đi cùng thời đại; thoát khỏi sự phụ thuộc, thậm chí là lệ thuộc (ở cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm) và cuối cùng là cơ hội để nước ta vươn lên đẳng cấp mới không chỉ ở góc độ ứng dụng được nhiều công nghệ mới mà còn ở cấu trúc thể chế hiện đại.
Thế giới đang trong quá trình thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị. Nếu dịch Covid-19 chỉ là yếu tố kích phát thì khi dịch bệnh này qua đi, việc thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu còn diễn ra khốc liệt hơn. Với Việt Nam, việc nhận diện rõ sự thay đổi này sẽ là “cơ”, còn ngược lại là “nguy”.
Nếu sử dụng tư duy cũ theo kiểu nhặt nhạnh, không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Việt Nam có thể bỏ lỡ những cơ hội lớn. Vấn đề thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một ví dụ. Ba năm liên tiếp gần đây, Việt Nam tăng trưởng tốt, trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn ngoại trong khi cuộc chiến thương mại đang leo thang. Tuy nhiên, chuyển động gần đây lại bộc lộ nhiều “nguy” hơn “cơ”. Cụ thể, năm 2019, số lượng dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng nhanh nhưng tổng số vốn đăng ký đầu tư mới lại giảm. Điều này cho thấy dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tránh ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, đa phần các dự án này có quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ thấp và tạo áp lực cạnh tranh đối với DN nhỏ và vừa của Việt Nam.
Một vấn đề khác là Việt Nam có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ rất lớn nhưng cũng thâm hụt thương mại từ Trung Quốc khá cao. Liệu Việt Nam có trở thành điểm trung chuyển cho những dòng chảy thương mại nhằm né thuế hay không? Do đó, cần những chính sách đón đầu nhưng phải chọn lọc kỹ lưỡng.
Sau dịch Covid-19, DN Việt Nam cần tìm “cơ” trong “nguy”. Việc mua bán, sáp nhập cũng nên được nhìn nhận là chuyện bình thường trong quá trình phát triển, sự mất đi lúc này sẽ mở ra cánh cửa khác trong thời gian tới.
Đặc biệt, Việt Nam cần tập trung giải ngân hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công, bơm tiền ngân sách ra để tạo việc làm cho khối tư nhân, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đồng thời bắt buộc cắt giảm chi ngân sách. Điều đáng lo ngại là việc giải ngân vốn đầu tư công ngày càng chậm, chính vì vậy, cần phải quyết liệt tháo gỡ kịp thời mới đạt được mục tiêu.
Việt Nam muốn tiến lên nền kinh tế số công nghệ cao thì phải thay đổi hệ thống nguồn lực trí tuệ, đồng thời, phải thiết lập được hệ thống thể chế tương thích với cấu trúc nguồn lực đó.
PGS,TS. TRẦN ĐÌNH THIÊN
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
THÙY ANH (ghi)