An ninh nguồn nước - vấn đề sống còn của Đồng bằng sông Cửu Long

Kinh tế - Ngày đăng : 08:35, 25/05/2020

(BKTO) - Những năm gần đây, sự thay đổi mạnh mẽ chế độ mưa hằng năm, gia tăng triều cường vùng cửa sông, ven biển và cả nhiệt độ đã khiến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thiếu hụt nguồn nước mặt, sụt giảm lượng nước ngầm và tăng diện tích mặn hóa. Quan ngại hơn, sự phát triển ồ ạt và thiếu bền vững của hàng loạt đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong đã khiến vấn đề an ninh nguồn nước ở ĐBSCL càng trở nên bức bách.



Đảm bảo an ninh nguồn nước đang là vấn đề cấp bách của ĐBSCL. Ảnh: TTXVN

Nguồn nước suy giảm cả về lượng và chất

ĐBSCL từng được đánh giá là khu vực giàu có về tài nguyên nước. Tuy nhiên, từ vùng nông nghiệp trù phú bậc nhất cả nước, ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ mất an ninh lương thực và khó đạt được các mục tiêu phát triển bền vững do nguồn nước bị suy giảm cả về lượng và chất.

Theo các nhà khoa học thủy lợi, sự phát triển đột biến về số lượng, dung tích các hồ chứa nước (thủy điện) và gia tăng sản xuất nông nghiệp ở thượng lưu sông Mekong đã điều tiết rất mạnh dòng chảy về ĐBSCL trong cả mùa lũ và mùa cạn. Lưu lượng dòng chảy trung bình giảm, tần suất xuất hiện lũ lớn giảm mạnh, thậm chí mất lũ làm xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn và kéo dài. Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - GS,TS. Nguyễn Vũ Việt - nhấn mạnh, hiện nay, mùa mặn ở ĐBSCL sớm hơn trong quá khứ, tần suất các đợt mặn nghiêm trọng có xu hướng tăng lên, diện tích hạn mặn tiềm năng mùa khô có thể lên đến 65 - 70%.

Không chỉ gặp thách thức về lưu lượng nước, ĐBSCL còn phải đối mặt với tình trạng chất lượng nước ngày càng suy thoái. Theo Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, nguồn nước mặt tại nhiều tỉnh ĐBSCL hiện ô nhiễm nghiêm trọng do sự phát triển nhanh của các dự án công nghiệp và quá trình đô thị hóa. Lượng nước thải từ hàng trăm, hàng nghìn cơ sở, khu công nghiệp… chưa qua xử lý được xả trực tiếp vào hệ thống kênh rạch khiến nguồn nước mặt cũng như nước ngầm bị ô nhiễm trên quy mô lớn.

Thêm vào đó, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, hầu hết nông dân trồng lúa đều sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn mức khuyến nghị. Thậm chí, nông dân 2 tỉnh sản xuất gạo lớn nhất vùng là An Giang và Kiên Giang còn sử dụng phân bón nhiều hơn 20 - 30% so với mức khuyến cáo. Lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật dư thừa là một trong những nguyên nhân gây suy giảm chất lượng nước mặt trong vùng. Bên cạnh đó, với diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nước mặn bằng gần 60% cả nước, hằng năm, lượng chất thải, quá trình vệ sinh, nạo vét ao nuôi… cũng đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường cục bộ trên các sông vùng ĐBSCL.

Đáng lưu ý, theo Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam, mực nước ngầm vùng ĐBSCL đã bị sụt giảm khoảng 15m. Nếu trước đây, giếng khoan cần sâu khoảng 100m là có thể khai thác được nguồn nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thì nay phải khoan sâu gấp đôi. Nghiêm trọng hơn, tỷ lệ lớn nguồn nước ngầm vùng này bị nhiễm mặn và hóa chất, không sử dụng được. Số liệu của Ủy hội sông Mekong còn chỉ ra rằng, phần lớn nguồn nước ĐBSCL nhận được là nguồn từ dòng chảy ngoại lai. Với vị trí nằm ở hạ nguồn sông Mekong, không có dòng chảy chính, ĐBSCL là vùng phải chịu nhiều thiệt hại nhất khi thượng nguồn không có sự chia sẻ nước công bằng giữa các quốc gia.

Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long phải gắn với đảm bảo an ninh nguồn nước

Để ứng phó với những thách thức trên, GS,TS. Nguyễn Vũ Việt kiến nghị, ĐBSCL cần tăng cường khả năng phát triển, bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn nước ngọt, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế trong quản trị nguồn nước sông Mekong. Thời gian tới, một số giải pháp ngắn hạn cấp thiết cần được thực hiện: nâng cấp đê vùng lũ phục vụ sản xuất quanh năm cho 3 tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An; bổ sung các trạm bơm hỗ trợ cấp nước ngọt cho vùng ngọt hóa ven biển (Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng…); chuyển nước ngọt kết hợp chống ngập triều cường cho vùng trọng điểm tôm phía Nam Quộc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu; bảo vệ bờ biển tại những vùng đang bị xói lở để ngăn chặn tình trạng mất đất đang diễn ra nhanh…

Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII Trần Văn cũng cho rằng, để đảm bảo an ninh nguồn nước, cần tăng cường khả năng phát triển, bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn nước ngọt bằng cách tạo nguồn, kiểm soát mặn và xả thải, tích trữ nước mặt qua các hệ thống thủy lợi, các công trình lớn cửa sông; quy hoạch sản xuất theo hướng giảm sử dụng nước ngọt; đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua tham gia đầu tư hạ tầng thượng lưu sông Mekong thực chất, nhất là với Lào và Campuchia.

Nhận thấy rõ tầm quan trọng của an ninh nguồn nước, vừa qua, tại buổi làm việc với đại diện lãnh đạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, sẽ có báo cáo gửi Chủ tịch Quốc hội và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhằm sớm đưa ra giải pháp, quyết sách đúng đắn trong quản trị nguồn nước, phát triển thủy lợi ở ĐBSCL.

Mới đây, tại Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã nhấn mạnh, quy hoạch vùng ĐBSCL sẽ phải gắn với đảm bảo an ninh nguồn nước. Khẳng định đây là một vấn đề lớn của quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, cần thiết phải có báo cáo chuyên đề về vấn đề này để báo cáo Quốc hội, Thường vụ Quốc hội.

Có thể khẳng định, an ninh nguồn nước là vấn đề mang ý nghĩa sống còn đối với ĐBSCL. Bởi vậy, theo giới chuyên gia, trước mắt, Việt Nam cần kêu gọi các quốc gia thượng nguồn chia sẻ công bằng nước sông Mekong, xử lý những bất cập trong bảo vệ môi trường để khắc phục tình trạng suy thoái chất lượng nước. Về lâu dài, cần có chiến lược bền vững, xây dựng các điểm chứa nước để đảm bảo đủ lượng nước cho sinh hoạt và phát triển kinh tế cho vùng đất vốn được mệnh danh là cái nôi của “văn minh sông nước - miệt vườn”.

HỒNG NHUNG