Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp - Động lực mới cho nền kinh tế thời hậu Covid-19

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:50, 25/05/2020



Ở nhiều nước trên thế giới, trong bối cảnh bất thường, chính phủ thường tích cực sử dụng ưu đãi thuế thu nhập DN như công cụ hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vượt qua khó khăn, phát triển theo mục tiêu quốc gia; theo đó: Hàn Quốc áp dụng với mức thuế suất 10% đối với 200 triệu Won chịu thuế đầu tiên, 20% với phần thu nhập chịu thuế từ 200 triệu Won đến 20 tỷ Won… Trung Quốc từ năm 2015 đến nay, DN có thu nhập chịu thuế thấp được áp dụng thuế suất 10% thay vì thuế suất thuế thu nhập DN phổ thông là 25%, DN nhỏ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi là 20%. Thái Lan từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2016 thực hiện miễn thuế hoàn toàn cho DN nhỏ; từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/12/2017 thực hiện miễn thuế cho DN có thu nhập chịu thuế từ 300.000 Bath trở xuống và áp dung thuế suất 10% cho DN có thu nhập chịu thuế suất lớn hơn 300.000 Bath.

Ở Việt Nam, bối cảnh dịch Covid-19 gây nhiều hệ lụy nặng nề cho các DNNVV khiến nhu cầu ưu đãi thuế thu nhập cho các DNNVV đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ DN và người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch, như: chỉ đạo xây dựng, triển khai các gói hỗ trợ về tiền tệ (khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (trên 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng) và miễn giảm khoảng 20.000 tỷ đồng các loại thuế, phí, lệ phí cho DN, người dân. Trọng tâm và lộ trình các gói hỗ trợ được thực hiện theo thứ tự ưu tiên: hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ tài khóa và hỗ trợ tín dụng; tập trung thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN…

Đặc biệt, Bộ Tài chính vừa đề xuất Chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách thuế thu nhập DN nhằm hỗ trợ, phát triển DN nhỏ và siêu nhỏ tại kỳ họp Quốc hội tháng 5/2020. Theo đó, áp dụng thời gian thực hiện chính sách miễn giảm thuế thu nhập cho DNNVV ngay từ ngày 01/7/2020, thay vì ngày 01/01/2021 như đề xuất trước đó. Dự kiến thuế suất với DN nhỏ và siêu nhỏ từ 15 - 17%, tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của DN; cụ thể: thuế thu nhập DN sẽ giảm còn 15% áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người. Còn thuế suất 17% áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người… Riêng những DN được thành lập mới từ hộ kinh doanh sẽ được miễn 2 năm thuế thu nhập DN kể từ khi có lãi.

Nếu Dự thảo Nghị quyết trên được thông qua, sẽ có khoảng 700.000 DN, chiếm khoảng 93% tổng số DN trong cả nước, được hưởng lợi. Đồng thời, thu nhập NSNN sẽ giảm khoảng 15.500 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, giải pháp miễn thuế trong vòng 2 năm đối với DN nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.900 tỷ đồng mỗi năm, giải pháp giảm thuế suất cho DN nhỏ và siêu nhỏ khoảng 12.600 tỷ đồng mỗi năm.

Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến góp ý các Bộ, ngành về việc giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký DN; giảm 67% mức phí công bố thông tin DN… Tổng số phí, lệ phí cắt giảm trong thời gian còn lại của năm 2020 khoảng 500 tỷ đồng.

Những điều chỉnh ưu đãi tài chính trên là phù hợp tinh thần “DNNVV được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập DN thấp hơn mức phổ thông” được khẳng định trong Luật Hỗ trợ DNNVV đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Việc triển khai sớm quy định này trong thực tế hậu dịch Covid-19 là cần thiết nhằm hỗ trợ DNNVV có thêm nguồn lực tài chính bổ sung vào nguồn vốn tiếp tục thúc đẩy DNNVV phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh; phù hợp với xu hướng phát triển và các cam kết, thông lệ quốc tế; qua đó, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của DN và tăng việc làm cho người lao động…

Đại dịch Covid-19 là thảm họa và thách thức chưa từng có cho nhân loại, đòi hỏi toàn thế giới, cũng như mỗi quốc gia có những hành động phản ứng chính sách mới, cần thiết, quyết liệt và hiệu quả, nhằm cả 2 mục tiêu: Kiểm soát dịch bệnh và duy trì động lực phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Miễn giảm thuế thu nhập DN là một trong những công cụ trọng tâm hỗ trợ mạnh mẽ đa mục tiêu và được cộng đồng DN chờ đợi nhiều nhất; bởi vậy cần sớm được thông qua, triển khai hiệu quả trên thực tế, để tạo cơ hội bứt phá mới cho kinh tế Việt Nam thời hậu Covid-19…

TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế