Đón dòng đầu tư vàng từ FDI: Việt Nam không thể ngồi yên
Đầu tư - Ngày đăng : 10:34, 28/05/2020
(BKTO) - Việt Nam đang có cơ hội vàng để đón sóng đầu tư nước ngoài hậu Covid-19. Nhưng nếu chúng ta chỉ nói chung chung về cơ hội mà không nắm rõ chiến lược mới của Mỹ, Trung Quốc, của các tập đoàn kinh tế lớn như thế nào và Việt Nam đang nằm ở đâu trong chiến lược của họ thì cơ hội lớn sẽ tuột khỏi tầm tay.
Cần sớm có quyết sách tận dụng cơ hội đón sóng FDI - Ảnh: H.Anh |
Sớm có quyết sách quan trọng
Trong bối cảnh đầu tư FDI trên thế giới dự kiến giảm khoảng 30-40% trong năm 2020, Việt Nam lại có nhiều cơ hội để đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của các công ty đa quốc gia. Bộ KH&ĐT dự báo FDI vào Việt Nam sẽ tăng trở lại vào cuối năm 2020, tạo đà cho năm 2021.
Các chuyên gia cho rằng, cơ hội rất rõ ràng, vấn đề là Việt Nam cần làm gì để thực sự hút vốn FDI từ các tập đoàn đang tính toán rút khỏi Trung Quốc trong bối cảnh nhiều quốc gia xung quanh đang nỗ lực cạnh tranh và có nhiều giải pháp đột phá để thu hút dòng vốn này.
Khẳng định đây là cơ hội “ngàn năm có một”, GS. Nguyễn Mại -Chủ tịch Hiệp hội DN FDI cho biết, chúng ta đang nhìn thấy sự thay đổi rất nhanh chóng của thế giới với những căng thẳng giữa các nước lớn, đại dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia xem xét lại chuỗi cung ứng, vì thế, cái Việt Nam cần quan tâm nhất sau đại dịch là nghiên cứu sự thay đổi của thế giới sau đại dịch và sự thay đổi này sẽ tác động tới Việt Nam như thế nào để sớm có quyết sách quan trọng nhằm tận dụng cơ hội.
BOX: GS. Nguyễn Mại: Các hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho biết sẵn sàng đầu tư hoặc mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Đây là thế mạnh mới của Việt Nam và điều này cần được tuyên truyền đầy đủ, đồng thời, phải sớm có giải pháp để tận dụng tốt cơ hội này, nếu không tận dụng tốt sẽ làm mất cơ hội lớn trong hơn 30 năm thu hút FDI của Việt Nam. Cần tận dụng thời gian để nắm lấy cơ hội khi thế giới còn khủng hoảng nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đuổi kịp trình độ phát triển của thế gới, để thực hiện điều mà người dân Việt Nam mong muốn, đó là biến khát vọng thịnh vượng thành hiện thực càng nhanh càng tốt”.
“Trong đại dịch, nhiều DN, kể cả DN lớn của Mỹ, Thái Lan, Liên minh châu Âu... phá sản. Câu chuyện này không phải không có tác động tới Việt Nam, vì họ sẽ thay đổi chiến lược trong thời gian tới... Do đó, cần nghiên cứu các thay đổi trong chiến lược của các quốc gia này. Nếu ta chỉ nói chung chung về cơ hội mà không biết chiến lược mới của Mỹ, Trung, các tập đoàn lớn như thế nào, và trong chiến lược đó Việt Nam còn nằm trong thị trường mà họ hướng đến hay không thì không ổn. Thế giới đang thay đổi lớn, Việt Nam vẫn ngồi yên thì không được”, GS. Nguyễn Mại khẳng định.
Chuyên gia Nguyễn Mại nhấn mạnh, Việt Nam nên làm nhanh hơn. “Thủ tướng Ấn Độ vừa tuyên bố sẽ tiếp nhận khoảng 1.000 tập đoàn kinh tế lớn chuyển từ Trung Quốc sang Ấn Độ, đảm bảo dành đủ diện tích đất và ưu đãi lớn nhất cho họ. Mới đây, Tổng thống Indonesia ra lệnh thành lập khu công nghiệp (KCN) 400 ha đầu tiên để tiếp nhận các DN FDI chuyển từ Trung Quốc sang. Nói KCN đầu tiên có nghĩa là nếu có nhu cầu, Indonesia sẵn sàng lập thêm nhiều KCN mới để đón nhận làn sóng. Như vậy, lãnh đạo các quốc gia khác đã ra quyết định rất nhanh chóng. Việt Nam mới bắt đầu giao Bộ KH&ĐT chủ trì làm chiến lược đón FDI mới. Tôi cho rằng cần làm nhanh để đón làn sóng này”, GS. Nguyễn Mại nói.
Sớm tuyên bố sẵn sàng đón nhận các dự án FDI
Để tận cơ hội vàng từ cơn sóng FDI, ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cho rằng, tổng vốn FDI đang suy giảm từ 1.300 tỷ USD xuống còn gần 1.000 USD, sự cạnh tranh đến từ các nước trong khu vực ngày càng tăng, do đó, Việt Nam có rất nhiều việc phải làm, từ xây dựng các chính sách, sự hỗ trợ để lôi kéo nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Thắng, Nghị quyết 50 về định hướng thu hút FDI thế hệ mới xác định chủ trương, tạo tiền đề cơ bản và cũng là căn cơ để tạo điều kiện nâng cao hiệu quả trong thu hút dòng vốn FDI. “Việc thay đổi, điều chỉnh cơ cấu đầu tư, hệ thống luật pháp chính sách theo đúng định hướng thu hút đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc... là những việc cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế ngày càng phức tạp hơn. Cần vạch ra các kế hoạch cụ thể, từ chủ trương đến thực tế, tổ chức thực hiện hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách”, ông Thắng nói.
Đáng chú ý, ông Phan Hữu Thắng đề xuất cần nghiên cứu, có giải pháp để thúc đấy giải ngân số vốn FDI còn lại chưa giải ngân hết. Theo đó, hiện vốn FDI đăng ký đầu tư là 363 tỷ USD, nhưng số vốn đã thực hiện được khoảng 209 tỷ USD, còn 154 tỷ USD đã đăng ký nhưng chưa giải ngân được. “Trong khi xúc tiến đầu tư mới đang gặp khó khăn thì chúng ta cần xúc tiến đầu tư tại chỗ, nghĩa là tổ chức khảo sát tình hình các nhà đầu tư đã được cấp giấy phép hiện tại ra sao, gặp vướng mắc gì và vì sao chưa giải ngân được. Chúng ta nên tạo điều kiện, tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng sản xuất kinh doanh, hay chính sách khác cho những nhà đầu tư FDI đã được cấp giấy phép, đang thực hiện dở dang để họ tiếp tục hoạt động và tiếp tục mở rộng đầu tư. Năm nay chỉ cần giải ngân thêm 1-2% số vốn FDI chưa giải ngân hết, tương đương 2-3 tỷ USD sẽ giúp tăng trưởng của Việt Nam tăng thêm 1%”, ông Phan Hữu Thắng khuyến nghị.
Về những đề xuất cụ thể để giúp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác trong thu hút FDI hậu Covid-19, GS. Nguyễn Mại cho biết, Việt Nam cần tuyên bố với các tập đoàn kinh tế đa quốc gia rằng, Việt Nam sẵn sàng đón nhận các dự án của các tập đoàn này. “Việt Nam hiện có hơn 300 KCN, hơn 10 khu kinh tế (KKT) ven biển, hiện vẫn còn nhiều diện tích đất tại các KCN, KKT này đang để trống, trong khi đó, nhiều KCN, KKT có hạ tầng tương đối tốt. Việt Nam không chỉ có hàng nghìn mà là hạng vạn ha đất như vậy”, GS Nguyễn Mại nói. Theo ông, Việt Nam cần sớm thống kê lại quỹ đất chưa sử dụng, chỉ đạo các địa phương, ban quản lý các KCN dành đất đủ cho các dự án lớn (mỗi dự án tầm 200ha) và đảm bảo đất sạch, ổn định giá cho thuê đất. Việt Nam có lợi thế hơn Trung Quốc là hiện đất sạch tại Hà Nội, Hải Phòng giá cho thuê đất bằng 40% tại Bắc Kinh, Thượng Hải.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), Việt Nam nhìn thấy cơ hội vàng, nhưng có vàng không còn tùy thuộc vào người có biết đãi vàng không. “Chúng ta cần biết sốt ruột để tận dụng cơ hội. Để thu hút đầu tư, theo tôi Nghị quyết 50 là chưa đủ. Cần có chiến lược bài bản để thu hút dòng vốn đầu tư. Ví dụ, Ấn Độ dành đất đai, chuẩn bị cơ sở hạ tầng để thu hút, nhận diện nhà đầu tư để tiếp cận, công bố kế hoạch giảm thuế, điều chỉnh môi trường lao động... Nếu đã có Nghị quyết mà vẫn từ từ, hành động thủng thẳng thì Việt Nam sẽ bỏ qua cơ hội hàng trăm năm”, bà Nguyễn Thị Thu Trang nói.
Một tín hiệu vui là mới đây, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình, triển vọng và các giải pháp thu hút FDI ứng phó với các thách thức toàn cầu do Covid-19 gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt để đón sóng chuyển dịch đầu tư. Kỳ vọng tổ công tác đặc biệt này sẽ tham mưu cho Chính phủ sớm có các quyết sách đột phá để “đón lõng” dòng vốn quan trọng này, nhờ đó, kinh tế Việt Nam sẽ có thêm cơ hội sớm phục hồi sau đại dịch.
Theo haiquanonline.com.vn