Cần giải pháp đồng bộ nâng cao hiệu quả quản lý thu ngân sách nhà nước

Đối nội - Ngày đăng : 19:14, 28/05/2020

(BKTO)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 28/5, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018. Tại phiên họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo Quốc hội Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2018.


                
   

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo trước Quốc hội- quochoi.vn

   

Nguồn thu chưa thực sự bền vững, nợ đọng thuế lớn

Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội đạt kết quả toàn diện, hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong đó, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 7,08% (kế hoạch giao tăng 6,5% - 6,7%) là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011, nhờ đó tác động tích cực đến thu, chi NSNN.

Theo đó, dự toán thu NSNN 1.319.200.000 triệu đồng, quyết toán 1.431.662.057 triệu đồng, tăng 8,5% (112.462.057 triệu đồng) so với dự toán. Trong đó, ngân sách địa phương (NSĐP) tăng thu 78.099.136 triệu đồng, ngân sách trung ương (NSTW) tăng thu (gồm cả tăng thu từ nguồn viện trợ) 34.362,9 tỷ đồng.
         
Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2018 như sau:
   - Tổng số thu cân đối NSNN là 1.880.029.177 triệu đồng (bao gồm cả nguồn năm 2017 chuyển sang năm 2018, thu kết dư NSĐP năm 2017 và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN);
   - Tổng số chi cân đối NSNN là 1.869.791.887 triệu đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2018 sang năm 2019);
   - Bội chi NSNN 153.110.403 triệu đồng, bằng 2,8% GDP (không bao gồm kết dư NSĐP 157.886.227 triệu đồng).

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá, thu NSNN vượt dự toán 8,5%, nhiều khoản thu đạt hoặc vượt dự toán thể hiện những diễn biến khả quan của tình hình kinh tế, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc tổ chức triển khai các giải pháp quản lý thu, đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN.

Tuy nhiên nhiều khoản thu quan trọng không đạt dự toán được giao, nguồn thu chưa thực sự bền vững, cơ cấu thu chuyển dịch chậm, khó đạt mục tiêu của Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, mục tiêu đặt ra là cơ cấu thu nội địa so với tổng thu NSNN khoảng 84-85%; tỷ lệ thu từ thuế, phí, lệ phí khoảng 21% GDP. Nhưng thực tế năm 2018, cơ cấu thu nội địa chỉ chiếm 80,7% tổng thu NSNN; tỷ lệ thu từ thuế, phí, lệ phí chỉ đạt 19,1% GDP. Đồng thời, thu nội địa không bao gồm các khoản thu về nhà, đất giảm 1,7% so với dự toán; thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh ở cả 3 khu vực đều tiếp tục không đạt dự toán.

Năm 2018 tăng thu chủ yếu là do thu từ nhà, đất, dầu thô, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế.
                
   

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tại phiên họp- Ảnh:quochoi.vn

   

Cũng theo cơ quan thẩm tra, việc vượt dự toán thu lớn cho thấy sự cố gắng của Chính phủ song cũng cho thấy chất lượng dự báo, xây dựng dự toán chưa cao. Các khoản thu về nhà, đất, tài nguyên, thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại từ các DNNN chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu NSNN, cho thấy cơ cấu nguồn thu chưa bền vững, các giải pháp Chính phủ đưa ra vẫn chưa thực sự tạo chuyển biến tích cực.

Đáng chú ý, năm 2018, tình trạng kê khai thiếu thuế phải nộp; trốn, lậu thuế; nợ đọng thuế lớn vẫn chưa được khắc phục.

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, qua kiểm toán, KTNN xác định số phải nộp tăng thêm 8.151 tỷ đồng. Ngoài ra, tỷ lệ để lại đối với một số phí, lệ phí không phù hợp so với nhu cầu sử dụng dẫn đến cuối năm 2018 kinh phí tồn không có nhiệm vụ chi còn lớn làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực.
         
Tổng hợp kết quả chính từ 268 Báo cáo kiểm toán của 214 cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2019 đối với niên độ ngân sách năm 2018, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 81.095 tỷ đồng, trong đó tăng thu 8.151 tỷ đồng, giảm chi NSNN 18.884 tỷ đồng; chuyển 04 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, 02 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 198 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.

Cũng theo báo cáo của KTNN, công tác quản lý nợ thuế quá hạn do ngành hải quan quản lý tiếp tục có xu hướng giảm (giảm 1,7% so với năm 2017), song nợ nợ thuế do ngành thuế quản lý đến 31/12/2018 là 86.680 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ của năm 2017 và bằng 8% số thực thu NSNN năm 2018, không đạt mức phấn đấu dưới 5% theo Nghị quyết của Chính phủ, trong đó 49/63 địa phương không đạt mức phấn đấu.

Việc quản lý thu ngân sách tại một số cơ quan thuế, hải quan còn thiếu chặt chẽ, miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi thuế không đảm bảo điều kiện quy định; kết quả thanh tra, kiểm tra thuế còn một số hạn chế; việc quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và khai thác khoáng sản còn chưa kịp thời, đầy đủ theo quy định.

Từ thực tế trên, cơ quan thẩm tra đề nghị, Chính phủ cần làm rõ thực trạng nêu trên và có thêm các giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu, nhất là tại địa bàn trọng điểm, khu vực kinh tế phi chính thức, các khoản theo hình thức thu khoán... và cần quyết liệt hơn trong công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế.

Một số khoản chi chưa đảm bảo điều kiện quyết toán

Cũng theo báo cáo của cơ quan thẩm tra, trong quyết toán chi NSNN năm 2018 còn một số khoản chưa bảo đảm cơ sở và điều kiện để thể hiện ngay vào quyết toán.

Cụ thể, khoản tăng thu vốn viện trợ không hoàn lại 5.370,5 tỷ đồng đã bổ sung dự toán nhưng chưa có quyết định phân bổ chi tiết của cấp có thẩm quyền; một số khoản chi thường xuyên chuyển sang chi đầu tư của Bộ Tài chính 1.991 tỷ đồng nhưng chưa điều chỉnh dự toán chi thường xuyên sang chi đầu tư. Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, đến nay, Chính phủ mới báo cáo Quốc hội cho phép phân bổ, điều chỉnh các khoản chi này là chưa kịp thời theo quy định của Luật NSNN. Do đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm và thống nhất với Chính phủ đề nghị Quốc hội quyết định phân bổ khoản tăng thu vốn viện trợ không hoàn lại và cho phép quyết toán chi NSNN vào năm 2018; xem xét, quyết định đối với khoản chi thường xuyên chuyển sang chi đầu tư của Bộ Tài chính trong quyết toán NSNN năm 2018.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra- Ảnh: quochoi.vn

   

Ngoài ra, về phân bổ và thực hiện một số khoản chi đầu tư của các Chương trình mục tiêu nằm ngoài đối tượng, phạm vi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (số đã giao kế hoạch 790 tỷ đồng), Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, việc phân bổ vốn đầu tư như vậy là chưa bám sát tiêu chí và chưa bảo đảm quy định về quản lý vốn đầu tư công. Tuy nhiên, đây là khoản đã chi đầu tư ở một số địa phương có nhiều khó khăn, có tính chất đặc thù và phải nhận cân đối của NSTW nên đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiêm túc rút kinh nghiệm đồng thời báo cáo, giải trình rõ với Quốc hội để xem xét, quyết định đối với khoản chi này trong quyết toán NSNN năm 2018.

"Sau khi Quốc hội quyết định các nội dung trên, Ủy ban Tài chính – Ngân sách thống nhất với KTNN và Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018" – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ.

Đặc biệt, cơ quan thẩm tra lưu ý, hồ sơ quyết toán NSNN năm 2018 chưa có báo cáo về danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng NSNN niên độ 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2017. Tồn tại này đã xảy ra nhiều năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhắc nhở, phê bình song Chính phủ chưa chỉ đạo kiên quyết để khắc phục. Vì vậy, đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo về danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng NSNN niên độ 2017; đồng thời không để tình trạng thiếu báo cáo theo yêu cầu của Quốc hội xảy ra ở các năm sau.

Đ. KHOA