Những kết quả nổi bật của KTNN trong 6 tháng đầu năm 2015

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:15, 16/07/2015

(BKTO) - KTNN vừa tổ chức Hội nghị đánh giá công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2015. Tham dự và chủ trì Hội nghị có Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn, các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN. Đánh giá về kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2015, các đại biểu tham dự Hội nghị đều cho rằng, toàn ngành đã đạt được những thành tích nổi bật trên nhiều mặt công tác.



Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn phát biểu kết luận Hội nghị.Ảnh: THANH TÙNG

Chất lượng kiểm toánđược nâng cao

Theo báo cáo của KTNN, trong 6 tháng đầu năm 2015, các đơn vị trực thuộc đã luôn bám sát Kế hoạch công tác năm 2015 của ngành, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ được phân công với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Do vậy, kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, đặc biệt chất lượng kiểm toán ngày càng được nâng cao. Toàn ngành đã phát hành 100% các Báo cáo kiểm toán (BCKT) thuộc Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2014, BCKT quyết toán NSNN năm 2013, Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2014 với nhiều kết quả nổi bật để cung cấp thông tin phục vụ kịp thời các phiên họp của Chính phủ, Quốc hội, các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan chức năng có liên quan. Qua đó, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính trên 23 nghìn tỷ đồng; kiến nghị rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 110 văn bản không phù hợp với quy định chung của Nhà nước.

Cùng với đó, công tác triển khai các cuộc kiểm toán thuộc KHKT năm 2015 cũng được các đơn vị triển khai quyết liệt. Theo báo cáo sơ kết, tính đến ngày 30/6 toàn ngành đã xét duyệt KHKT của 110/200 cuộc kiểm toán, triển khai 139/302 đoàn kiểm toán (trong đó 96 đoàn đã kết thúc kiểm toán), xét duyệt 41 dự thảo BCKT thuộc KHKT năm 2015 (trong đó 05 BCKT đã được phát hành). Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán 41 cuộc kiểm toán đã có BCKT trình xét duyệt, tổng số kiến nghị xử lý tài chính là 5.476 tỷ đồng. Đặc biệt, do làm tốt công tác kiểm toán tổng hợp nên một số BCKT, nhất là BCKT quyết toán ngân sách địa phương đã có những phát hiện quan trọng và đánh giá sâu sắc về thực trạng tài chính của các đơn vị được kiểm toán, góp phần nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính, tài sản công, thể hiện rõ vai trò của KTNN.

Theo các ý kiến tham luận tại Hội nghị, chất lượng nhiều BCKT năm 2015 đã có những bước tiến quan trọng là do các đơn vị đã có nhiều đổi mới trong khâu lập KHKT. Theo đại diện lãnh đạo Vụ Tổng hợp, qua thẩm định KHKT và dự thảo BCKT cho thấy, công tác xây dựng KHKT, hướng dẫn mục tiêu, nội dung kiểm toán của các đơn vị năm 2015 đã có nhiều đổi mới, chất lượng xây dựng KHKT có chuyển biến tích cực hơn các năm trước, đặc biệt là việc xây dựng một số đề cương kiểm toán thực hiện chung trong toàn ngành đã phát huy hiệu quả tốt. Hầu hết các KHKT đợt I đã tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc hơn, đầy đủ hơn các thông tin, tài liệu thu thập được để xác định nội dung, phạm vi và phương pháp kiểm toán, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm toán.

Một trong những dấu ấn quan trọng nhất trong hoạt động KTNN vừa qua là Luật KTNN (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Điều này đã mở ra tiền đề, cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển của KTNN đến năm 2020 và các năm tiếp theo, đánh dấu việc hoàn thành các mục tiêu quan trọng nhất của mục đích Chiến lược 1: “Nâng cao địa vị pháp lý và hiệu lực hoạt động của KTNN Việt Nam”.

Nhiệm vụ trọng tâmgiai đoạn cuối năm

Song song với việc hoàn thành các nhiệm vụ còn lại của kế hoạch công tác năm 2015, trong thời gian tới toàn ngành phải tập trung trí tuệ để khẩn trương chuẩn bị đầy đủ, đồng bộ các điều kiện cần thiết cho việc triển khai Luật KTNN (sửa đổi). Trên cơ sở đó, KTNN đã xác định 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chủ yếu cần triển khai thực hiện trong giai đoạn cuối năm.

Về triển khai thi hành Luật KTNN (sửa đổi), tập trung rà soát, xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý của ngành; tiếp tục thực hiện kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật, trong đó tập trung tuyên truyền sâu rộng về Luật KTNN (sửa đổi)... Về hoạt động kiểm toán, bên cạnh việc thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác đã đề ra, toàn ngành tập trung tổ chức xây dựng KHKT 2016 trên tinh thần tiếp tục đổi mới mục tiêu, nội dung, phạm vi, phương pháp kiểm toán gắn với việc đẩy mạnh cải cách hành chính và phù hợp với năng lực, điều kiện thực tế.

Nhằm tạo sự chủ động cho các đơn vị trong việc xây dựng KHKT năm 2016, vừa qua, Vụ Tổng hợp đã gửi dự thảo Hướng dẫn xây dựng KHKT năm 2016 đến các đơn vị trong ngành. Theo đó, KTNN dự kiến kiểm toán ngân sách năm 2015 của hầu hết các tỉnh thành phố trực thuộc T.Ư, các Bộ, cơ quan T.Ư để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách, phục vụ việc phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách năm 2015 của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và của Quốc hội. Trong đó, KTNN sẽ đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp tại các cơ quan tài chính tổng hợp của các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Tiếp tục tập trung kiểm toán để đánh giá việc quản lý, điều hành thu chi ngân sách, đặc biệt là điều hành thu, chi đầu tư công, chi sự nghiệp và chi đầu tư phát triển của địa phương và DN.

Phát biểu kết luận Hội nghị - nhấn mạnh về những thời cơ và thách thức mới đặt ra cho ngành, đặc biệt là sau khi Luật KTNN (sửa đổi) đã được thông qua - Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành tiếp tục không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán, chất lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán. Trước mắt, cần tập trung hoàn thiện và phát hành đúng tiến độ các BCKT đợt I năm 2015, đảm bảo chất lượng của các kết luận và kiến nghị kiểm toán; tiếp tục triển khai các cuộc kiểm toán đợt II và III theo Phương án tổ chức kiểm toán năm 2015 đã được phê duyệt, đảm bảo đúng tiến độ. Đồng thời, mỗi đơn vị và toàn ngành chú trọng công tác xây dựng KHKT năm 2016 trên tinh thần tiếp tục đổi mới và khả thi.

THANH TÙNG