Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ NSNN tháng 5 cao nhất trong giai đoạn 2016-2020

Đối nội - Ngày đăng : 16:21, 29/05/2020

(BKTO) - Tổng cục Thống kê cho biết, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trên cả nước đã được kiểm soát tốt, hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng Năm và 5 tháng đầu năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.


                
   

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 5 ước tính đạt 31,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước - Ảnh minh họa

   

Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 5/2020 ước tính đạt 31,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương 5,3 nghìn tỷ đồng, tăng 59,4%; vốn địa phương 25,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5%. Tính chung 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 116,3 nghìn tỷ đồng, bằng 24,9% kế hoạch năm và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 17,7 nghìn tỷ đồng, bằng 22,9% kế hoạch năm và tăng 41,1% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đạt 4.284 tỷ đồng, bằng 24,6% và tăng 56,5%; Bộ Y tế 1.341 tỷ đồng, bằng 25,2% và tăng 29,2%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 948 tỷ đồng, bằng 21,3% và tăng 23,5%; Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 582 tỷ đồng, bằng 19,4% và tăng 90,3%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 210 tỷ đồng, bằng 16,4% và giảm 10,1%; Bộ Công Thương 86 tỷ đồng, bằng 22,5% và tăng 49,5%; Bộ Xây dựng 60 tỷ đồng, bằng 17,7% và tăng 10,6%...

Vốn địa phương quản lý đạt 98,6 nghìn tỷ đồng, bằng 25,3% kế hoạch năm và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn NSNN cấp tỉnh đạt 65,3 nghìn tỷ đồng, bằng 24% và tăng 9,8%; vốn NSNN cấp huyện đạt 27,8 nghìn tỷ đồng, bằng 27,4% và tăng 15,7%; vốn NSNN cấp xã đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, bằng 33,9% và tăng 20,5%.

Vốn thực hiện từ NSNN nước 5 tháng đầu năm của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 13.358 tỷ đồng, bằng 29,4% kế hoạch năm và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước; TP. HCM đạt 7.283 tỷ đồng, bằng 15,2% và tăng 15,3%; Quảng Ninh 3.801 tỷ đồng, bằng 27,3% và tăng 17%; Thanh Hóa 3.548 tỷ đồng, bằng 34,6% và tăng 22,1%; Bình Dương 3.085 tỷ đồng, bằng 23,2% và tăng 9,9%; Bà Rịa - Vũng Tàu 2.853 tỷ đồng, bằng 29,4% và tăng 11,7%; Nghệ An 2.762 tỷ đồng, bằng 35,6% và tăng 29,8%...

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/5/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,9 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó có 1.212 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7,4 tỷ USD, giảm 11,1% về số dự án và tăng 15,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 436 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3,5 tỷ USD, tăng 31,4%; có 3.528 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 3 tỷ USD, giảm 60,9%.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm ước tính đạt 6,7 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4.933,8 triệu USD, chiếm 73,6% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 721,3 triệu USD, chiếm 10,8%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 599,9 triệu USD, chiếm 9%.

Trong 5 tháng đầu năm, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4 tỷ USD, chiếm 53,8% tổng số vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2,8 tỷ USD, chiếm 37%, các ngành còn lại đạt 685,3 triệu USD, chiếm 9,2%.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5,8 tỷ USD, chiếm 53,3% tổng số vốn; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 3,8 tỷ USD, chiếm 35,3%; các ngành còn lại đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 11,4%.

Trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4.318,5 triệu USD, chiếm 58% tổng vốn đăng ký cấp mới; Đài Loan 743,2 triệu USD, chiếm 10%; Trung Quốc 694,9 triệu USD, chiếm 9,3%; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 500,3 triệu USD, chiếm 6,7%; Hàn Quốc 441,7 triệu USD, chiếm 5,9%; Nhật Bản 221,1 triệu USD, chiếm 3%; Quần đảo Cay-man 100 triệu USD, chiếm 1,3%.

Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 5 tháng đầu năm có 60 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 161,9 triệu USD; có 11 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 18,8 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 5 tháng đạt 180,7 triệu USD, bằng 98,7% cùng kỳ năm trước.

Trong 5 tháng đầu năm có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Đức là nước dẫn đầu với 92,6 triệu USD, chiếm 51,3%; Hoa Kỳ 21,7 triệu USD, chiếm 12%; Myanmar 21,2 triệu USD, chiếm 11,7%; Singapore 18,9 triệu USD, chiếm 10,5%.
PHÙNG NGUYÊN