Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Đối nội - Ngày đăng : 15:35, 02/06/2020

(BKTO) - Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 31/5 mới chỉ đạt 122.241 tỷ đồng, đạt gần 26% kế hoạch. Tiến độ giải ngân nêu trên tương đương so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên số vốn cần giải ngân năm 2020 lại cao gấp 2,2 lần so với năm 2019. Điều này cho thấy, tiến độ giải ngân của năm nay đang rất chậm.


                
   

Thống kê5 tháng đầu năm nay cho thấy, vốn đầu tư công trong nước đã giải ngân chỉ đạt 27,96% kế hoạch - Ảnh minh họa

   

Tiến độ giải ngân chậm

Điểm qua tình hình giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2020 có thể thấy hầu hết các địa phương đều không mấy khả quan. Ví dụ trong năm 2020, tỉnh Hải Dương được giao trên 4.215 tỷ đồng vốn đầu tư công. Nhưng tính đến đầu tháng 5/2020, Kho bạc Nhà nước Hải Dương mới giải ngân được trên 662 tỷ đồng, đạt gần 16% kế hoạch được giao.

Còn theo báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công đến tháng 5/2020 của UBND tỉnh Bình Thuận, kế hoạch vốn ngân sách trung ương hỗ trợ tỉnh năm 2020 là 1.164,3 tỷ đồng, lũy kế cấp phát, thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/4 là 268,2 tỷ đồng, đạt 23% so với kế hoạch; ước lũy kế cấp phát, thanh toán từ đầu năm đến hết tháng 5/2020 là 319,1 tỷ đồng, đạt 27% so với kế hoạch.

Bộ Tài chính cho biết, tổng vốn đầu tư công nguồn NSNN được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700 nghìn tỷ đồng, bao gồm: 470,6 nghìn tỷ đồng trong dự toán NSNN năm 2020 và 225,2 nghìn tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang. Thống kê tổng vốn giải ngân của 5 tháng đầu năm nay cho thấy, vốn trong nước đã giải ngân là hơn 114.819 tỷ đồng (đạt 27,96% kế hoạch), vốn nước ngoài là 7.421 tỷ đồng (đạt 12,37% kế hoạch).

Theo Bộ Tài chính, có 7 bộ, ngành và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30%. Trong đó, có 3 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 40% gồm: Hội Nhà văn Việt Nam (93,59%), Ngân hàng Phát triển (61,09%), Kiểm toán Nhà nước (43,14%), Ninh Bình (66,6%), Hưng Yên (50,07%), Thái Bình (48,4%), Bắc Giang (47,61%), Nghệ An (43,22%), Nam Định (35,80%).

Có 34 bộ, cơ quan trung ương và 3 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%. Trong đó, có 18 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%. Nhiều bộ, cơ quan trung ương vẫn “dậm chân tại chỗ” giải ngân không cải thiện so với tháng trước. Nhiều đơn vị chưa giải ngân được đồng vốn nào, như: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam…

Đối với nguồn vốn nước ngoài, tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm 2020 đạt 12,37% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 3,38% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 5,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Tuy nhiên, vẫn còn số lượng rất lớn, 44 đơn vị (11 bộ, ngành và 33 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) tỷ lệ giải ngân đạt dưới 2% tổng số vốn kế hoạch được giao khoảng 21.700 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng lý giải việc giải ngân chậm trễ là do một số các dự án của các bộ, ngành, địa phương được bổ sung kế hoạch từ nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia, nhưng đến nay chưa được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nên chưa đủ điều kiện giao kế hoạch năm 2020, do đó chưa thể giải ngân.

Bên cạnh đó, một số dự án đang trình phê duyệt thiết kế, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, chưa ký hợp đồng nên chưa thực hiện và giải ngân (các dự án của Bộ Y tế là hơn 1.241 tỷ đồng). Một số dự án mới được phê duyệt bổ sung kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 và mới giao kế hoạch vốn năm 2020 trong tháng 4 và tháng 5/2020 nên chưa giải ngân.

Đối với nguồn vốn nước ngoài, từ đầu năm đến nay, một số bộ, ngành, địa phương vẫn đang tập trung giải ngân kế hoạch vốn 2019 còn lại và được kéo dài đến hết ngày 31/12/2020. Một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, sửa đổi hiệp định vay, hiện nay vẫn chưa xong thủ tục để giải ngân kế hoạch vốn năm 2020...

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công hiện nay là do yếu tố chủ quan, nhất là tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện như: chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư và giao chi tiết kế hoạch vốn; việc giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; công tác lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công còn chậm...; một số bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án còn chưa chủ động, thiếu quyết liệt trong công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao.

Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung hết kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các dự án sử dụng từ nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia để các bộ, ngành địa phương có cơ sở giao kế hoạch vốn năm 2020.

Đồng thời, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh hoặc thu hồi kế hoạch vốn năm 2020 đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện bố trí vốn; tổng hợp phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương, tập đoàn kinh tế và các địa phương về danh mục, mức vốn bố trí cho từng dự án của các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới để báo cáo Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính để kiểm soát việc giải ngân theo dự án.

Nhằm đốc thúc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã có văn bản đề nghị các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy, bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020. Thủ tướng yêu cầu phải phấn đấu giải ngân hết số vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020 (kể cả số vốn các năm trước chuyển sang). Kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi.

Để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh, điều quan trọng là phải làm rõ từng khâu, từng công việc phải hoàn thành với thời gian cụ thể, với người chịu trách nhiệm cụ thể. Thẳng thắn mà nói thì ở nhiều nơi, nhiều chỗ, bộ máy tổ chức triển khai các dự án đầu tư công có vấn đề. Qua giám sát, chúng tôi biết có những ông giám đốc ban quản lý dự án không làm đúng ngành nghề, năng lực tổ chức kém, trong khi lại quản lý rất nhiều tiền. Nói truy trách nhiệm của người đứng đầu là rất đúng, nhưng cơ chế thực hiện thì chưa có, nên không thấy ai vì làm chậm mà bị kỷ luật. Do vậy, phải có quy trình rõ ràng mới kiểm điểm, xử lý được.

Ông Đỗ Văn Sinh cũng cho rằng, thời gian từ giờ đến cuối năm không còn nhiều nên một số việc thuộc thẩm quyền Quốc hội liên quan đến đầu tư công có thể giao lại cho Chính phủ chủ động điều hành. Chẳng hạn như việc điều chuyển nguồn vốn giữa bộ, ngành này, địa phương này sang bộ, ngành khác, địa phương khác nên giao cho lại cho Chính phủ, tạo điều kiện hết mức để Chính phủ điều hành linh hoạt, để tăng tốc độ giải ngân trong thời gian này.

Đại biểu Quốc hội TP. HCM Trần Hoàng Ngân cho rằng, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, cần tập trung vào những dự án lớn, trọng điểm. Đó là những dự án đầu tư công liên quan đến các hạ tầng trọng yếu như sân bay, đường cao tốc. Với các dự án này, có thể đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, rút ngắn quy trình, tận dụng thời điểm thông thoáng về vận tải để tiến hành làm ngay.

"Tôi được biết, có những dự án trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn vừa triển khai, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh an toàn. Chúng ta cần tiếp tục đẩy nhanh triển khai các dự án, có khối lượng hoàn thành để thanh toán, giải ngân. Được như vậy, những tắc nghẽn, vấn đề hạ tầng sẽ không còn là rào cản cho nền kinh tế", ông Trần Hoàng Ngân nói.
PHÙNG NGUYÊN (tổng hợp)