Ấn Độ thu hút FDI cao kỷ lục

Đối ngoại - Ngày đăng : 15:15, 02/06/2020

(BKTO) - Theo Cục Xúc tiến Công nghiệp và Thương mại nội địa Ấn Độ (DPIIT), tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Ấn Độ trong năm tài chính 2019-2020 đã đạt mức kỷ lục 49,97 tỷ USD, tăng 13% so với mức 44,36 tỷ USD đã thu hút được trong năm tài chính trước.


                
   

Dự báo, FDI vào Việt Nam sẽ tăng trở lại vào cuối năm 2020, tạo đà cho năm 2021. Nguồn: Internet

   

Nếu tính cả vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp chưa hợp nhất, các khoản tái đầu tư và vốn khác thì tổng vốn FDI thu được trong năm qua ở mức 73,4 tỷ USD, tăng 18% so với mức 63 tỷ USD của năm tài chính 2018-2019.

Lĩnh vực dịch vụ, bao gồm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và gia công là ngành nhận vốn đầu tư nước ngoài cao nhất với 7,8 tỷ USD; tiếp đến, lĩnh vực phần mềm và phần cứng máy tính thu hút được 7,67 tỷ USD; viễn thông 4,44 tỷ USD; thương mại 4,57 tỷ USD…

FDI đóng vai trò hết sức quan trọng đối với Ấn Độ. Theo chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2019-2024, Ấn Độ đang cần khoảng 1.000 tỷ USD vốn đầu tư để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ tăng trưởng kinh tế.

Trước đó, ngày 17/4/2020, DPIIT đã sửa đổi quy định về chính sách thu hút FDI từ các nước láng giềng bao gồm: Trung Quốc, Nepal, Myanmar, Bhutan, Afghanistan, Pakistan và Bangladesh vào Ấn Độ phải được chính phủ Ấn Độ phê duyệt trước.

Theo đó, một doanh nghiệp của các nước láng giềng, hoặc chủ sở hữu, đối tượng hưởng các lợi ích từ khoản đầu tư FDI vào Ấn Độ mà ở các nước láng giềng, hoặc công dân của các nước láng giềng khi đầu tư FDI vào Ấn Độ phải có sự chấp thuận trước của Chính phủ. Đây được xem như quy định để ngăn chặn dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Với Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/5/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,9 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.

Trên thực tế, đại dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều thay đổi trong dịch chuyển dòng vốn FDI, đặc biệt là hiện tượng các tập đoàn lớn trên thế giới tính toán rút khỏi Trung Quốc. Điều này tạo ra nhiều cơ hội thúc đẩy thu hút FDI cho các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ… Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, FDI vào Việt Nam sẽ tăng trở lại vào cuối năm 2020, tạo đà cho năm 2021.

Một số chuyên gia nhìn nhận, cơ hội rất rõ ràng, vấn đề là Việt Nam cần làm gì để thực sự hút vốn FDI từ các tập đoàn đang tính toán rút khỏi Trung Quốc trong bối cảnh nhiều quốc gia xung quanh đang nỗ lực cạnh tranh và có nhiều giải pháp đột phá để thu hút dòng vốn này.

Để giúp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác trong thu hút FDI hậu Covid-19, GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI đưa ra đề xuất cụ thể, Việt Nam cần tuyên bố với các tập đoàn kinh tế đa quốc gia rằng, Việt Nam sẵn sàng đón nhận các dự án của các tập đoàn này.

“Việt Nam cần sớm thống kê lại quỹ đất chưa sử dụng, chỉ đạo các địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp dành đất đủ cho các dự án lớn (mỗi dự án tầm 200 ha) và đảm bảo đất sạch, ổn định giá cho thuê đất. Việt Nam có lợi thế hơn Trung Quốc là hiện đất sạch tại Hà Nội, Hải Phòng giá cho thuê đất bằng 40% tại Bắc Kinh, Thượng Hải”, GS. Nguyễn Mại nói.
Theo haiquanonline.com.vn