Đưa nợ xấu về dưới 3%: Đảm bảo sự lành mạnh và an toàn của hệ thống ngân hàng

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 10:05, 16/07/2015

(BKTO) - Ngân hàng nhà nước (NHNN) vừa ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) phải đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% trước ngày 01/10/2015. Điều này góp phần khẳng định thêm quyết tâm khơi thông “điểm nghẽn” của nền kinh, đồng thời cũng tạo động lực cho các TCTC phải “tăng tốc” và quyết liệt hơn trong việc thực hiện các giải pháp để hoàn thành mục tiêu xử lý nợ xấu mà NHNN đặt ra.



Không ít ngân hàng đã “hy sinh” lợi nhuận để tăng cường trích lập dự phòng rủi ro nhằm xử lý nợ xấu. Ảnh: T.K
Nỗ lực xử lý nợ xấu

Cách đây 2 năm, “cục máu đông” nợ xấu gây tắc nghẽn huyết mạch của nền kinh tế từng khiến các buổi thảo luận tại Quốc hội “dậy sóng”; thế nhưng hiện tại, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, con số nợ xấu đã giảm đáng kể. Theo báo cáo của NHNN, nợ xấu hiện ở vào khoảng từ 3,5% đến dưới 4%. Đây là minh chứng cho những nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cũng như của NHNN đối với vấn đề xử lý nợ xấu.

Các chuyên gia cho rằng, nợ xấu là hiện tượng bình thường trong hoạt động ngân hàng nhưng nếu nợ xấu tăng cao có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế. Bởi vậy, ở thời điểm của năm 2015, dù nợ xấu không còn là tâm điểm chất vấn tại kỳ họp Quốc hội song NHNN vẫn chưa thôi quyết tâm đưa nợ xấu về ngưỡng cho phép. Minh chứng là trong Chỉ thị 02/CT-NHNN (Chỉ thị 02) ban hành ngày 27/01/2015, NHNN đã yêu cầu các TCTD phải đảm bảo đến ngày 30/6/2015 xử lý được tối thiểu 60% tổng số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015, trong đó chỉ tiêu bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) phải đạt ít nhất 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015. Đây là tiền đề để ngành Ngân hàng phấn đấu đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% vào cuối năm 2015.

Thực hiện Chỉ thị 02, trong 6 tháng đầu năm 2015, VAMC đã mua được trên 45 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo số dư nợ gốc, chiếm khoảng 57% so với mục tiêu mua 80 nghìn tỷ đồng nợ xấu đặt ra từ đầu năm. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch VAMC, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã chủ động bán nợ cho VAMC. Việc làm này giúp các ngân hàng khơi thông bế tắc về tín dụng, góp phần hoàn thành mục tiêu xử lý nợ xấu trong 6 tháng đầu năm mà NHNN đặt ra.

Để xử lý nợ xấu, cùng với quyết tâm cao trong chỉ đạo điều hành của NHNN, nhiều ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các giải pháp như: chủ động bán nợ cho VAMC; thu hồi tối đa các khoản nợ có vấn đề; tái cơ cấu đối với những khoản nợ mà DN có khả năng phục hồi, qua đó giúp DN có điều kiện tồn tại, phát triển. Đáng lưu ý, không ít ngân hàng đã “hy sinh” lợi nhuận để tăng cường trích lập dự phòng rủi ro nhằm xử lý nợ xấu. Điển hình là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã chi tới gần 50% lợi nhuận cho trích lập dự phòng rủi ro trong 6 tháng đầu năm 2015. Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước nhận định: Trong điều kiện không dùng ngân sách, việc tăng cường trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu của các ngân hàng là hướng đi đúng đắn và cần thiết.

Vì sự lành mạnh và an toàn của hệ thống ngân hàng

Nửa đầu năm vừa qua, dù các ngân hàng đã chủ động bán nợ cho VAMC và nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp khác song kết quả xử lý nợ xấu vẫn chưa được như mong đợi của NHNN. Tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã chỉ rõ: Nếu nhìn vào phân bổ, đánh giá của NHNN về việc các TCTD bán nợ cho VAMC thì chúng ta vẫn chưa hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đặt ra. Đến hết tháng 9/2015, các TCTD phải đảm bảo đưa nợ xấu về dưới 3%.

Yêu cầu của Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã được cụ thể hóa bằng 2 văn bản chỉ đạo ban hành ngày 06/7/2015, trong đó tỏ rõ thái độ kiên quyết sớm đưa nợ xấu về dưới 3% của NHNN. Đó là, văn bản số 5055/NHNN-TTGSNH yêu cầu chi nhánh ngân hàng nước ngoài, TCTD liên doanh, TCTD 100% vốn nước ngoài xây dựng kế hoạch và triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu để đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% trước ngày 01/10/2015; đồng thời, báo cáo NHNN (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) kế hoạch xử lý nợ xấu trước ngày 20/7/2015. Cùng với đó, văn bản số 5056/NHNN-TTGSNH yêu cầu việc tạm ngừng cấp phép mở rộng mạng lưới của TCTD Việt Nam cho đến khi TCTD này hoàn thành các chỉ tiêu xử lý nợ xấu năm 2015 theo kế hoạch NHNN giao và đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% tổng dư nợ tín dụng trước ngày 01/10/2015; đồng thời TCTD Việt Nam không hoàn thành được kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2015 và đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% trước ngày 01/10/2015 cũng sẽ không được xem xét, chấp thuận các đề nghị tương tự nói trên ít nhất đến ngày 31/12/2015 (NHNN sẽ có thông báo việc hoàn thành kế hoạch xử lý nợ xấu của từng TCTD).

Như vậy, chỉ còn hơn 2 tháng nữa, các TCTD phải đưa nợ xấu về dưới 3% theo yêu cầu của NHNN. Điều này có thể sẽ khiến không ít ngân hàng phải chạy đua với thời gian để giải quyết nợ xấu. Một cuộc chạy đua trong bối cảnh xử lý nợ xấu vẫn còn những khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo, xây dựng thị trường mua bán nợ thì quyết tâm của nhà điều hành là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi các TCTD và các đơn vị có liên quan phải hết sức quyết liệt, nỗ lực trong việc thực hiện các giải pháp, qua đó góp phần đảm bảo sự lành mạnh và an toàn của cả hệ thống.

NGỌC MAI