Nhật Bản trong "vũng lầy" suy thoái và kế hoạch phục hồi nền kinh tế
Đối ngoại - Ngày đăng : 21:15, 03/06/2020
(BKTO)- Nhật Bản đã rơi vào suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 2015, khi nền kinh tế vốn đã suy yếu của đất nước bị kéo xuống bởi tác động của Covid-19 đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm |
Tăng trưởng âm kể từ tài khóa 2014
Giữa tháng 5/2020, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết, trong quý I/2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này đã giảm 3,4%, chủ yếu là do tác động nặng nề của dịch Covid-19. Tính chung cả tài khóa 2019, GDP thực tế của Nhật Bản giảm 0,1%. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản tăng trưởng âm kể từ tài khóa 2014.
Có nhiều nguyên nhân khiến nền kinh tế Nhật Bản một lần nữa rơi vào suy thoái kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Do ảnh hưởng của “cuộc chiến không tiếng súng” này, kim ngạch xuất khẩu, trụ cột quan trọng nhất cho tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản đã liên tục giảm kể từ cuối năm 2018.
Song song với đó, việc Chính phủ Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% vào đầu tháng 10/2019 và những thiệt hại do thiên tai, trong đó có siêu bão Hagibis đổ bộ vào Nhật Bản vào giữa tháng 10 là những nhân tố quan trọng khác "góp phần" đẩy nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái.
Kể từ đầu tháng 1/2020, Nhật Bản lại tiếp tục phải hứng chịu một cú sốc khác là đại dịch Covid-19. Dịch bệnh không chỉ tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại mà còn gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế nước này.
Về thương mại, trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 5.430 tỷ Yen (50,36 tỷ USD). Đây là tháng thứ 14 liên tiếp, xuất khẩu của nước này giảm. Kim ngạch nhập khẩu thậm chí còn giảm mạnh hơn (3,6%) xuống còn 6.740 tỷ Yen. Đây là tháng thứ 9 liên tiếp kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản giảm. Điều này khiến cho cán cân thương mại của Nhật Bản bị thâm hụt tháng thứ ba liên tiếp.
Kể từ đó đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục suy giảm. Tính chung cả tài khóa 2019, cán cân thương mại của Nhật Bản bị thâm hụt 1.290 tỷ Yen. Đây là năm thứ 2 liên tiếp nước này bị thâm hụt thương mại.
Đối với hoạt động sản xuất, việc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng ở châu Á và do các biện pháp hạn chế mà Chính phủ Nhật Bản áp dụng để kiềm chế dịch Covid-19 đã gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế nước này. Cho đến nay, chưa có thống kê về những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra nhưng chắc chắn đó là một con số khổng lồ.
Tuy nhiên, không phải thương mại hay sản xuất, du lịch và các ngành liên quan khác mới chính là những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất từ dịch Covid-19. Theo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và Cư trú thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản, trong tháng 4, tổng số du khách quốc tế tới nước này chỉ là 1.256 lượt (giảm 99% so với cùng năm ngoái) chủ yếu do các biện pháp hạn chế nhập cảnh của các quốc gia trên khắp thế giới.
Đáng chú ý, số lượng du khách đến từ Trung Quốc, thị trường lớn nhất của ngành du lịch Nhật Bản - chỉ là 29 lượt, giảm mạnh so với con số 598.896 lượt trong cùng kỳ năm ngoái. Số du khách đến từ Hàn Quốc cũng giảm từ 546.368 lượt xuống còn 24 lượt, từ Mỹ giảm từ 164.435 lượt xuống 296 lượt và từ châu Âu giảm từ 236.707 lượt xuống 58 lượt.
Gói kích thích kinh tế lịch sử và kế hoạch mở cửa trở lại
Ngày 27/5, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích mới trị giá 117,1 ngàn tỷ yên (1,1 ngàn tỷ USD) để ngăn chặn nền kinh tế trượt sâu hơn vào suy thoái. Gói kích thích mới này nâng tổng số tiền Nhật Bản chi ra để chống tác động của virus ở mức 234 ngàn tỷ yên (2,18 ngàn tỷ USD) - khoảng 40% GDP Nhật Bản. Đây cũng sẽ là một trong những gói tài chính lớn nhất để đối phó với Covid-19 trên thế giới, gần đạt quy mô chương trình viện trợ 2,3 ngàn tỷ USD của Mỹ.
Gói mới nhất của chính phủ sẽ bao gồm 33 ngàn tỷ yên trong chi tiêu trực tiếp. Để tài trợ cho các chi phí, Nhật Bản sẽ phát hành thêm 31,9 ngàn tỷ yên trái phiếu chính phủ theo ngân sách bổ sung thứ hai cho năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3/2021. Điều đó sẽ đẩy phát hành trái phiếu mới cho năm tài chính hiện tại lên mức kỷ lục 90 ngàn tỷ yên.
Trong những tuần gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy, Nhật Bản đang từng bước kiểm soát được dịch bệnh khi số ca mắc mới Covid-19 liên tục giảm. Mặc dù vậy, các hậu quả mà dịch bệnh gây ra cho nền kinh tế nước này có thể sẽ còn kéo dài trong các quý tới. Vì vậy, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng những gì tồi tệ nhất đối với nền kinh tế này vẫn còn ở phía trước.
Bản thân ông Nishimura Yasutoshi - Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế, cũng không phủ nhận điều đó khi nói với truyền thông rằng, tốc độ giảm của GDP trong quý II/2020 sẽ “nghiêm trọng hơn” so với quý I/2020.
Nguyên nhân là vì cùng với dịch Covid-19, việc nền kinh tế rơi vào suy thoái sẽ khiến các hộ gia đình “thắt lưng, buộc bụng” và các công ty cắt giảm đầu tư. Vì vậy, chi tiêu dùng của cá nhân và chi đầu tư của khối doanh nghiệp có thể sẽ không tăng trong một vài tháng tới. Trong khi đó, hoạt động thương mại sẽ chưa thể hồi phục một sớm, một chiều khi mà nhiều nước vẫn đóng cửa biên giới để khống chế dịch Covid-19. Các tác động theo chuỗi như vậy có thể sẽ đẩy nền kinh tế Nhật Bản lún sâu hơn vào tình trạng suy thoái.
Lo lắng về tình trạng của nền kinh tế Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe hôm 25/5 đã quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp Covid-19 ở Tokyo và 4 khu vực khác. Đây là quyết định theo sức ép của Văn phòng Thủ tướng để tìm ra con đường chấm dứt tình trạng khẩn cấp ở Tokyo trước khi hết hạn vào ngày 31/5.
Trước đó, ngày 22/5, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike cũng đã trình bày một bản đồ đường bộ kêu gọi mở cửa lại trong 3 giai đoạn. Theo đó, các trường học, phòng tập thể dục và bảo tàng sẽ mở cửa trở lại trong giai đoạn đầu tiên. Nhà hàng sẽ được yêu cầu đóng cửa lúc 10 tối, thay vì 8 tối. Các trận bóng chày sẽ tiếp tục mà không có khán giả, trong khi các sân chơi bowling cũng sẽ mở. Các cuộc tụ họp xã hội sẽ được bật đèn xanh nhưng nên giới hạn ở 50 người.
Trong giai đoạn thứ hai, các cửa hàng bán lẻ xử lý các mặt hàng không quan trọng sẽ mở cửa trở lại, cùng với các trường luyện thi và nhà hát. Việc tụ tập sẽ được mở rộng đến 100 người.
Giai đoạn thứ ba sẽ liên quan đến việc mở lại các địa điểm hạn chế như quán cà phê internet, khu trò chơi và cửa hàng pachinko. Số người tụ tập tối đa được tăng lên 1.000 người. Thành phố có kế hoạch chờ đến 2 tuần trước khi chuyển sang một giai đoạn tiếp theo, và sẽ tiếp tục theo dõi nhiễm trùng. Không có lịch trình mở lại cho các địa điểm âm nhạc, quán karaoke và câu lạc bộ thể dục, nhiều trong số đó chịu trách nhiệm cho các cụm bùng phát Covid-19 trước đây.
Không chỉ có Chính phủ, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng bắt đầu hành động để hỗ trợ cho nền kinh tế. Trong cuộc họp bất thường hôm 22/5, Hội đồng Chính sách BoJ đã quyết định bơm thêm 30.000 tỷ Yen (khoảng 278 tỷ USD) trong thời gian từ nay tới cuối tài khóa 2020 để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Bên cạnh đó, BoJ cũng quyết định kéo dài thời gian thực hiện chương trình mua trái phiếu công ty và thương phiếu với hạn mức tối đa 20.000 tỷ Yen/năm thêm 6 tháng cho tới cuối tháng 3/2021.
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng đưa ra đề xuất giảm thuế, trong đó có thuế tiêu dùng, để hỗ trợ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề khi nào Nhật Bản sẽ thoát khỏi tình trạng suy thoái còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch bệnh trên thế giới. Nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục hoành hành, khiến nhiều quốc gia phải đóng cửa biên giới và hạn chế giao thương, các hành động đó của Tokyo sẽ chưa thể giúp nền kinh tế này sớm thoát khỏi “vũng lầy” suy thoái. Có lẽ, vấn đề mấu chốt vẫn là khi nào dịch bệnh sẽ được khống chế trên toàn cầu.
NAM SƠN (Tổng hợp)