Nâng cao hiệu quả thu hút FDI - vai trò của Kiểm toán Nhà nước
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:35, 05/06/2020
(BKTO) - Kể từ khi mở cửa nền kinh tế đến nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng mạnh hằng năm, đặc biệt từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do. FDI đã là một trong những nhân tố quan trọng của nền kinh tế, bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, đóng góp vào tăng trưởng GDP và thu NSNN, ghi dấu ấn đậm nét trong xuất khẩu, tạo ra năng lực sản xuất mới, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cũng đã bộc lộ rõ nhiều vấn đề tiêu cực, hạn chế của khu vực FDI. Để hoàn thiện các giải pháp về quản lý, cần thiết phải làm rõ và nâng cao hơn nữa vai trò của KTNN trong việc đánh giá và thực thi chính sách thu hút FDI.
Cần nâng cao hơn nữa vai trò của KTNN trong việc đánh giá và thực thi chính sách thu hút FDI. Ảnh: Như Ý
Nhiều vấn đề tiêu cực, hạn chếcủa khu vực FDI
Hiện tượng các DN FDI kê khai, báo lỗ đã khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số DN FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng phải kể đến hành vi “chuyển giá”. Thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ, trong đó, nhiều DN thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. Tại TP. HCM, có tới gần 60% trong số trên 3.500 DN FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm; tỉnh Bình Dương, một trong những tỉnh thu hút được nhiều dự án FDI, cũng có đến 50% DN FDI báo cáo lỗ từ năm 2006-2011. Một điều bất hợp lý là mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn nhưng DN FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh (điển hình như trường hợp của Cocacola hay Pepsi). Đáng chú ý, trong khi DN FDI báo lỗ thì hầu hết các DN trong nước cùng ngành nghề đều có lãi, nhất là trong lĩnh vực may mặc, giày da.
Bên cạnh đó, hoạt động chuyển giá của các DN FDI đã gây thất thu cho NSNN hàng chục nghìn tỷ đồng trong nhiều năm qua. Quy mô các khoản thu NSNN này không nhỏ khi các DN FDI đã chiếm tới khoảng 20% GDP, 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và trên 40% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, gần 50% tổng kim ngạch nhập khẩu, chiếm khoảng 30% tổng thu NSNN.
Một vấn đề nữa là khi càng dựa nhiều vào FDI trong việc nhận đầu tư vốn, kỹ thuật, mạng lưới tiêu thụ hàng hóa của các công ty xuyên quốc gia thì Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển khác sẽ càng phụ thuộc vào kinh tế của các nước phát triển. Hơn nữa, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, máy móc công nghệ nhanh chóng trở nên lạc hậu dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư tìm cách chuyển giao những máy móc đã lạc hậu cho các nước nhận đầu tư. Hậu quả của việc này là giá trị thực của những máy móc chuyển giao rất khó xác định, gây tổn hại môi trường sinh thái, chất lượng sản phẩm thấp, chi phí sản xuất cao.
Để thu hút vốn FDI, Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, tuy nhiên, việc kê khai, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của một số DN FDI chưa thật sự tương xứng với kỳ vọng. Như trên đã đề cập, vẫn còn có hiện tượng các DN FDI kê khai, báo lỗ, trong đó bao gồm cả hành vi chuyển giá đã gây thất thu lớn cho ngân sách, làm gia tăng giá trị nhập khẩu, tác động tiêu cực đến cán cân thương mại và cán cân thanh toán; khiến cho môi trường kinh doanh trong nước xấu đi, làm sụt giảm hiệu quả sử dụng vốn FDI nói riêng và vốn nói chung.
Hoạt động kiểm toáncủa KTNN góp phần siết chặtquản lý
Từ những vấn đề trên cho thấy một số hạn chế trong quản lý các dự án FDI thời gian qua, như chưa nhất quán giữa mục tiêu và biện pháp thực hiện thu hút FDI - một trong những mục tiêu của chính sách ưu đãi thu hút là thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, tuy nhiên căn cứ ưu đãi chưa dựa trên các tiêu chí về công nghệ được sử dụng. Các chính sách ưu đãi thu hút FDI được áp dụng chung cho toàn bộ các tỉnh, thành, chưa dựa trên lợi thế cạnh tranh, đặc thù của mỗi địa phương - thực tế này dẫn tới tình trạng cạnh tranh về thu hút FDI giữa các địa phương; các chính sách ưu đãi để thu hút FDI còn phức tạp, chồng chéo, nằm ở nhiều văn bản khác nhau. Đến nay, các chính sách ưu đãi vẫn chưa được một cơ quan độc lập, có năng lực đánh giá về kết quả thực hiện; chưa thực hiện đánh giá tác động đầy đủ của chính sách và chi phí lợi ích mà chính sách đạt được. Các thủ tục để được nhận ưu đãi chưa minh bạch, vẫn còn cơ chế xin cho, một số chính sách ưu đãi được ban hành nhưng không có quy định về điều kiện và thủ tục để được hưởng ưu đãi.
Trong tầm nhìn trung và dài hạn, thu hút FDI vẫn là nhiệm vụ trọng tâm để tăng trưởng kinh tế, bù đắp sự thiếu hụt về vốn và ngoại tệ. Tuy nhiên, cần chủ động nhận diện mặt trái của việc thu hút đầu tư FDI đến kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là chú ý đến môi trường, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp và xây dựng các kế hoạch cụ thể nhằm khắc phục các bất cập, thách thức đang gặp phải.
Theo GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, với mục tiêu trở thành công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước, góp phần làm minh bạch nền tài chính quốc gia, KTNN đã tiếp tục đi sâu vào kiểm toán các lĩnh vực có nhiều rủi ro, được dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, phát hiện và ngăn chặn các sai phạm trong quản lý tài chính, kinh tế. Qua hoạt động kiểm toán hằng năm, KTNN đã phát hiện nhiều sai phạm của DN FDI trong lĩnh vực môi trường, đất đai, chuyển giá, từ đó đã có các kiến nghị để cơ quan quản lý khắc phục những sai sót, yếu kém, sửa đổi, bổ sung các quy định để ngăn chặn các “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, vai trò của KTNN đối với việc kiểm toán các chính sách và việc thực thi các chính sách thu hút FDI thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán. Cơ sở pháp lý để KTNN thực hiện kiểm toán việc ban hành chính sách và đánh giá việc thực thi chính sách thu hút FDI còn chưa rõ ràng, chưa theo đúng tinh thần của Hiến pháp và quy định của Luật KTNN. Các kiểm toán viên của KTNN mới thực hiện kiểm toán một số “mắt xích” rất nhỏ như kiểm toán công tác quản lý thuế, đất đai, kiểm toán môi trường và cũng chưa có các chuyên đề kiểm toán riêng…
Để đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc đánh giá các chính sách và việc thực thi các chính sách thu hút vốn đầu tư FDI, một trong những yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay là cần có các giải pháp nâng cao vai trò, chất lượng kiểm toán của KTNN để góp phần phòng ngừa, hạn chế những mặt trái từ đầu tư FDI, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương và tính bền vững của nền tài chính quốc gia.
Dự kiến sẽ có khoảng 250 đại biểu, khách mời tham dự Hội thảo “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của KTNN” diễn ra tại Hà Nội, ngày 09/6/2020. Hội thảo nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán, trong đó tập trung vào việc thu hút vốn đầu tư FDI lành mạnh, làm trong sạch môi trường đầu tư, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam, tăng kim ngạch xuất khẩu, bảo vệ môi trường để góp phần vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời phân tích, đánh giá, trao đổi, làm rõ vai trò của KTNN trong lĩnh vực này nhằm góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, lành mạnh nền tài chính quốc gia. |
H.THOAN