Sửa đổi cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập: Một số điểm cần được bổ sung, làm rõ

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 16:25, 05/06/2020

(BKTO) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL). Dưới góc nhìn cá nhân, tác giả nhận thấy với nhiều điểm mới, Dự thảo Nghị định đã góp phần làm rõ thêm cơ sở thực hiện tự chủ tại các đơn vị này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh.



Việc vận dụng cơ chế DN đối với cơ sở y tế công lập có thể làm tăng áp lực về doanh thu khiến các bệnh viện sẽ thực hiện nhiều khoản thu ngoài viện phí. Ảnh: TTXVN

Nhiều điểm mới góp phần làm rõ thêm cơ sở thực hiện tự chủ

Dự thảo Nghị định đã bổ sung một số điểm mới để góp phần làm rõ thêm cơ sở thực hiện tự chủ tại các đơn vị SNCL.

Cụ thể, Dự thảo thống nhất cơ sở pháp lý chung về tự chủ tài chính đối với tất cả đơn vị SNCL thuộc mọi ngành, lĩnh vực; đồng thời bổ sung quy định về phân phối kết quả hoạt động liên doanh liên kết cũng như cho phép kéo dài thời gian hoàn thành lộ trình tính đầy đủ chi phí để giảm tải gánh nặng cho xã hội. Điều này sẽ giúp các Bộ chủ quản, UBND cấp tỉnh có đủ cơ sở pháp lý trong việc giao tự chủ cho các đơn vị SNCL.

Cùng với đó, Dự thảo Nghị định đã phân định nguồn tài chính giữa các hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà nước và các hoạt động kinh doanh dịch vụ của đơn vị. Việc tách bạch hai nguồn kinh phí này không chỉ giúp các cấp quản lý có thể đánh giá chính xác hơn hiệu quả sử dụng NSNN đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị mà còn tạo động lực khuyến khích các đơn vị này chủ động hơn trong việc tìm ra phương án kinh doanh, dịch vụ hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, Dự thảo đã nới lỏng cơ chế chi trả thu nhập cho người lao động đối với đơn vị tự chủ toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư; hoàn thiện quy định về dịch vụ sự nghiệp công để các đơn vị có cơ sở thực hiện cơ chế tự chủ.

Cần bổ sung cơ chế xác định mức độ tự chủ, tiêu chí xác định đơn vị tự chủ toàn bộ

Mặc dù Dự thảo Nghị định đã bổ sung, hoàn thiện và khắc phục nhiều nhược điểm, hạn chế trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị SNCL nhưng thực tiễn cho thấy vẫn còn một số nội dung cần được bổ sung, làm rõ.

Thứ nhất, Dự thảo cần bổ sung cơ chế xác định mức độ tự chủ đối với việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và xem xét chi tiết các quy định về tự chủ tài chính để đồng bộ với các quy định hiện hành. Bởi lẽ, việc phân loại và giao mức độ tự chủ cho các đơn vị về cơ bản căn cứ trên mức độ tự đảm bảo kinh phí hoạt động, chưa căn cứ vào các yếu tố khác có liên quan như: bộ máy tổ chức, nhân sự, tiềm lực, thương hiệu và kinh nghiệm chuyên môn, nghiên cứu khoa học, vị trí địa lý, ngành nghề hoạt động… Kết quả kiểm toán 2 chuyên đề về tự chủ giáo dục đại học và tự chủ y tế của KTNN cho thấy, nhiều đơn vị được giao tự chủ toàn phần cả chi thường xuyên và chi đầu tư song hoạt động của những đơn vị này vẫn đang bị điều chỉnh bởi nhiều luật trong khi cơ sở pháp lý về tự chủ vẫn thiếu đồng bộ, có quy định chưa phù hợp với quá trình vận hành.

Thứ hai, Dự thảo đã nới lỏng cơ chế chi trả thu nhập cho người lao động đối với đơn vị tự chủ toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư nhưng mức tăng chưa đáng kể. Mức tăng thêm một lần lương chỉ là mở rộng khả năng chi trả tiền lương cho cán bộ, nhân viên, chưa trao quyền tự chủ về tiền lương cho các đơn vị SNCL, đồng thời chưa đủ hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Cơ chế lương hiện tại vẫn chưa giải quyết triệt để các hạn chế như: mức lương trung bình của khu vực công còn thấp so với khu vực tư nhân, đặc biệt là so với các DN liên doanh với nước ngoài, DN FDI; chưa có cơ chế chi trả đặc thù với các chuyên gia đầu ngành, chi trả theo năng lực của người lao động mà vẫn chi trả theo ngạch, bậc; chưa có cơ chế cân bằng thu nhập giữa khối văn phòng và khối chuyên môn.

Thứ ba, tiêu chí xác định đơn vị tự chủ toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư cũng chưa được quy định. Về phương pháp xác định mức độ tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên, Dự thảo Nghị định xây dựng theo hướng phân định rõ các khoản thu - chi từ hoạt động sử dụng NSNN và không sử dụng NSNN. Tuy nhiên, cần hướng dẫn cụ thể nội dung các khoản chi khi xác định mức độ tự chủ, trong đó có tính đến các khoản chi cho con người nhằm khuyến khích người lao động an tâm làm việc cũng như thu hút nhân lực có trình độ cao.

Thứ tư, đối với các khoản thu chưa có quy định làm căn cứ để các đơn vị thực hiện thống nhất, Dự thảo cần hướng dẫn cụ thể. Kết quả kiểm toán cho thấy, còn tình trạng các đơn vị thu các khoản ngoài quy định như học phí, viện phí hoặc ngoài cơ cấu giá chủ yếu để bù đắp chi phí phát sinh như: thu khảo sát tiếng anh đầu vào, học ngoài giờ hành chính, vòng định danh với bệnh nhân, thu do bệnh nhân chọn ngày, giờ, bác sĩ, áo mổ dùng một lần… Tuy nhiên, những khoản thu này không được quy định rõ ràng nên xảy ra hiện tượng khác biệt giữa nội dung thu và giá thu giữa các đơn vị.

Bên cạnh đó, việc vận dụng cơ chế DN đối với cơ sở y tế công lập (chuyển bệnh viện công lập thành DN) có thể làm tăng áp lực về doanh thu, các bệnh viện sẽ thực hiện nhiều khoản thu ngoài viện phí cùng với mức thu cao mà bảo hiểm y tế không thể hỗ trợ chi trả hoặc chỉ hỗ trợ một phần. Điều này dẫn đến tình trạng hầu hết người dân có thu nhập trung bình, những người yếu thế, người được hưởng ưu đãi của Nhà nước, người có công với cách mạng sẽ khó có thể tiếp cận dịch vụ.

Dự thảo Nghị định đã có các điều khoản về bảo toàn vốn nhà nước đối với đơn vị SNCL vận dụng cơ chế tài chính DN. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể trách nhiệm của đơn vị và thủ trưởng đơn vị trong việc bảo toàn vốn để tránh trường hợp đơn vị sự nghiệp công đã được chấp nhận vận dụng cơ chế tài chính như DN nhưng các năm sau đó, lợi nhuận giảm sút dẫn đến việc vay vốn, huy động vốn hay đầu tư vốn ra ngoài làm tăng nguy cơ mất vốn, tài sản của Nhà nước giao.

Thực tế từ dịch Covid-19 cho thấy, doanh thu tại nhiều bệnh viện công lập giảm mạnh trong khi nhu cầu chi thường xuyên về cơ bản không đổi. Các cơ sở khám chữa bệnh công lập, đặc biệt là các bệnh viện tự chủ toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư hoặc tự chủ toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên có thể sẽ gặp khó khăn trong việc cân đối tài chính và đảm bảo hoạt động thường xuyên. Do đó, Nhà nước cần đánh giá cụ thể tình hình tài chính của các đơn vị, từ đó xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện để cán bộ, người lao động tại các bệnh viện yên tâm thực hiện nhiệm vụ chung của Nhà nước trong các tình huống cấp bách.

ThS. ĐINH VĂN DŨNG
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III