Quyền lợi người bệnh được đảm bảo công bằng, hợp lý, hiệu quả

Xã hội - Ngày đăng : 10:40, 01/01/2015

(BKTO) - Từ ngày 01/01/2015,Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) và một số Thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện Luậtchính thức có hiệu lực. Thời điểm này, dư luận xã hội đang băn khoăn, lo lắng rằngmột số quy định mới của được thực thi sẽ làm giảm chi tiền thuốc, thu hẹp quyềnlợi của người khám chữa bệnh (KCB) bằng Bảo hiểm y tế (BHYT). Phóng viên Báo Kiểmtoán đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban Thực hiện chínhsách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam)xung quanh vấn đề này.



Ông Phạm Lương Sơn.Ảnh: ĐÌNH NGỌC

*Thưa ông, theo Thông tư 40 của Bộ Y tế về ban hành và hướng dẫn thực hiện danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT, nhiều loại thuốc bị giảm mức chi trả từ 100% xuống còn 30% đến 50%. Ông có thể lý giải về việc cắt giảm này?

- Việc ban hành Thông tư 40 là để thực hiện quy định của Luật BHYT (sửa đổi). Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành một danh mục thuốc được Quỹ BHYT chi trả.

Trước hết, tôi phải khẳng định rằng, không có chuyện giảm chi. Quá trình xây dựng danh mục thuốc do Quỹ BHYT chi trả được thực hiện một cách thận trọng với một Hội đồng xét duyệt danh mục thuốc, có sự tham gia, tư vấn chuyên môn của rất nhiều bác sỹ, giáo sư đầu ngành. Việc xây dựng danh mục thuốc này dựa trên ba nhóm quy tắc: Thứ nhất, thuốc đó phải được cấp phép lưu hành ở Việt Nam. Thứ hai là phải đảm bảo đủ thuốc, đáp ứng nhu cầu điều trị. Thứ ba là phải đảm bảo hiệu quả chữa bệnh với chi phí hợp lý nhất. Chính vì thế, trong danh mục lần này có một điểm khác so với những danh mục trước đây, đó là có riêng một nhóm thuốc được quy định điều kiện và tỷ lệ thanh toán.

Trước khi Thông tư 40 có hiệu lực, đối với các thuốc điều trị ung thư và thuốc chống thải ghép ngoài danh mục, người bệnh cũng đã được chi trả 50% chi phí và cũng có những thuốc rất đắt tiền với chi phí hàng tỷ đồng/năm được thanh toán nhưng với điều kiện là người bệnh đã tham gia BHYT liên tục từ 3 năm trở lên. Đến khi triển khai Luật BHYT (sửa đổi) và thực hiện Thông tư 40 thì người bệnh không cần phải có điều kiện trên cũng được hưởng tỷ lệ thanh toán như Thông tư này. Tại Thông tư 40, có 25 loại thuốc điều trị ung thư có quy định tỷ lệ chi trả. Đây hầu hết là các thuốc mà trước đó nằm ngoài danh mục chi trả và chỉ chi trả 50% cho nhóm đối tượng đủ điều kiện như đã nói ở trên. Bây giờ, tất cả những ai có thẻ BHYT, còn thời gian sử dụng khi đi KCB đều được chi trả. Như vậy, khi thực hiện theo Thông tư 40 là mở rộng quyền lợi của người bệnh chứ không phải thu hẹp lại.

Hơn nữa, trong số 25 loại thuốc đó thì chỉ có 4 loại thuốc đang được chi trả 100% điều chỉnh giảm xuống còn 50%. Điều này được Hội đồng tư vấn và Hội đồng chuyên môn cân nhắc và đưa vào bởi hai lý do. Thứ nhất, đây là những thuốc mới đã được Tổ chức Y tế thế giới và rất nhiều nước có nền kinh tế phát triển khuyến cáo Việt Nam cần cân nhắc vì tại chính những nước này cũng chưa sử dụng những loại thuốc đắt tiền như vậy. Thứ hai, chúng ta đang thực hiện chính sách BHYT xã hội và nguồn để chi trả chi phí KCB BHYT được xác định bằng nhiều nguồn lực tài chính khác nhau. Tuy Quỹ BHYT chi trả là chính song còn có sự cùng tham gia chi trả của người bệnh, Qũy hỗ trợ người nghèo KCB... Chính vì vậy, việc điều chỉnh, cắt giảm này là phù hợp, nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng tham gia BHYT; bảo đảm quyền lợi của người bệnh tham gia BHYT, phù hợp với xu thế thế giới và phù hợp với nguyên lý trong quá trình triển khai thực hiện chính sách BHYT.

Tuy nhiên, trong thời điểm giao thời này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tiếp tục nghiên cứu thêm để xem xét, điều chỉnh lại các quy định của Thông tư 40 cho phù hợp. Trước mắt, để tránh những xáo trộn đột ngột thì những bệnh nhân đang được chỉ định điều trị trong phác đồ có sử dụng các loại thuốc nói trên thì vẫn được Quỹ BHYT chi trả theo các quy định hiện hành.

*Một điểm mới trong Luật BHYT (sửa đổi) cũng đang khiến dư luận băn khoăn đó là quy định về tỷ lệ chi trả khi KCB vượt tuyến, trái tuyến. Phải chăng quy định này sẽ làm thu hẹp quyền lợi của người tham gia BHYT, thưa ông?

- KCB vượt tuyến, trái tuyến là một hình thức không được khuyến khích trong tổ chức thực hiện BHYT. Theo quy định trước đây, khi KCB vượt tuyến, trái tuyến, tùy theo từng hạng bệnh viện, người bệnh được thanh toán 70%, 50% hoặc 30% chi phí. Tuy nhiên, kết quả khảo sát, thống kê cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân trái tuyến ở các ở các bệnh viện hạng 3 ở tuyến huyện rất đông và điều này không phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật. Mặt khác, nghiên cứu của Viện Chiến lược chính sách (Bộ Y tế) cho thấy, có những bệnh viện hạng 1, bệnh viện tuyến T.Ư mà 40% số trường hợp đến KCB để chữa các bệnh lý thông thường mà tuyến dưới có thể điều trị được. Đây là một trong những nguyên nhân gây lên tình trạng quá tải một cách bất hợp lý ở các bệnh viện tuyến trên. Vì thế, Luật BHYT (sửa đổi), ngoài việc mở rộng phạm vi chi trả, mở rộng tỷ lệ được thanh toán chi phí của người tham gia BHYT từ 30% ở tuyến T.Ư lên 40%, từ 50% ở tuyến tỉnh lên 60%, đồng thời cũng đưa ra quy định đối với những trường hợp KCB ngoại trú thì sẽ không được chi trả BHYT khi KCB vượt tuyến lên tuyến tỉnh và tuyến T.Ư. Đối với tất cả các trường hợp vào viện trong tình trạng cấp cứu thì đều được giải quyết và được hưởng quyền lợi BHYT. Vậy nhìn nhận một cách tổng thể thì đây là quy định mang tính tích cực nhằm hạn chế tình trạng quá tải “ảo” tại các bệnh viện tuyến trên, để các bệnh viện tuyến trên tập trung nhân lực, trang thiết bị nghiên cứu, điều trị các bệnh tương xứng với tuyến chuyên môn kỹ thuật của họ. Trong khi đó, nhu cầu thực sự của người bệnh vẫn được đảm bảo, bởi thực tế người ta chỉ có nhu cầu thực sự đối với BHYT khi phải điều trị nội trú với chi phí cao, chi phí dài ngày.

*Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN HỒNG (thực hiện)