Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020

Đối nội - Ngày đăng : 08:05, 08/06/2020

(BKTO) - Trước thực trạng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn rất thấp so với yêu cầu, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 của các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở địa phương cũng như từng Bộ, ngành, cơ quan.



Cần xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020. Ảnh: P.Tuân

Thách thức giải ngân gần 700.000 tỷ đồng đầu tư công

Năm 2020, việc giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công là thách thức rất lớn bởi số vốn này cao gấp hơn hai lần năm ngoái, với 700.000 tỷ đồng, bao gồm 470.600 tỷ đồng trong dự toán năm 2020 và 225.200 tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang. Đã qua gần nửa năm nhưng số vốn đang chờ giải ngân vẫn là hơn 577.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 74% kế hoạch vốn của năm 2020.

Cụ thể, đến hết ngày 31/5, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của các Bộ, ngành, địa phương là hơn 122.241 tỷ đồng, đạt gần 26% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước đã giải ngân là hơn 114.819 tỷ đồng, đạt 27,96% kế hoạch, vốn nước ngoài là 7.421 tỷ đồng, đạt 12,37% kế hoạch.

Liên quan đến giải ngân vốn trong nước, 7 Bộ, ngành và 26 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 30%; trong đó, 3 Bộ, cơ quan T.Ư và 6 địa phương đã giải ngân trên 40% gồm: Hội Nhà văn Việt Nam (93,59%), Ngân hàng Phát triển (hơn 61%), KTNN (43,14%), Ninh Bình (66,6%), Hưng Yên (hơn 50%)… 34 Bộ, cơ quan T.Ư và 3 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư mới giải ngân được dưới 15%; trong đó, 18 Bộ, cơ quan T.Ư có tỷ lệ giải ngân dưới 5%. Đặc biệt, nhiều đơn vị chưa giải ngân được đồng vốn nào như: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam…

Về nguồn vốn nước ngoài, mặc dù tỷ lệ giải ngân cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn còn 44 đơn vị (11 Bộ, ngành và 33 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư) mới giải ngân dưới 2% tổng số vốn kế hoạch được giao.

Nguyên nhân của thực trạng trên là do một số dự án của các Bộ, ngành, địa phương được bổ sung kế hoạch từ nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia nhưng chưa được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nên chưa đủ điều kiện giao kế hoạch năm 2020. Bên cạnh đó, việc giải ngân chậm trễ còn do một số dự án đang trình phê duyệt thiết kế, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, chưa ký hợp đồng; một số dự án mới được phê duyệt bổ sung kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 và mới giao kế hoạch vốn năm 2020 trong tháng 4 và tháng 5/2020.

Đối với nguồn vốn nước ngoài, từ đầu năm đến nay, một số Bộ, ngành, địa phương vẫn đang tập trung giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 còn lại và được kéo dài đến hết ngày 31/12/2020; một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, sửa đổi hiệp định vay nên vẫn chưa xong thủ tục để giải ngân kế hoạch vốn năm 2020...

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân làm chậm tiến độ giải ngân

Để khắc phục thực trạng trên, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ vừa có Văn bản yêu cầu các bí thư tỉnh ủy, thành ủy và bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 của các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở địa phương, của từng Bộ, ngành, cơ quan.

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân hết số vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020 (kể cả số vốn các năm trước được chuyển sang). Lập kế hoạch giải ngân cụ thể, chi tiết cho từng dự án, nhất là các dự án lớn, trọng điểm có tác động lan tỏa trong phạm vi địa phương, vùng và quốc gia.

Có chế tài xử lý nghiêm các chủ đầu tư, chủ dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý các dự án chậm tiến độ. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, suy thoái về đạo đức công vụ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý, giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi để xảy ra chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 của đơn vị.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn ngân sách T.Ư năm 2020 của các Bộ, cơ quan T.Ư, địa phương đến ngày 30/9/2020 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn năm 2020 để điều chỉnh cho các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh, kể cả việc điều chuyển vốn cho các Bộ, cơ quan, địa phương khác.

Cùng với đó, tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ tiếp tục xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Trên cơ sở đó, Chính phủ cho phép không áp dụng quy định tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư đối với dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và được bố trí vốn từ kế hoạch đầu tư công năm 2020; đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát quy định về ngân sách, đầu tư, xây dựng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công…

THÙY ANH