Sớm có cơ chế khuyến khích đầu tư điện rác
Kinh tế - Ngày đăng : 08:30, 08/06/2020
(BKTO) - Trên thế giới, điện rác đang được coi là giải pháp tối ưu trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Thực tế tại Việt Nam, nhiều dự án điện rác đã và đang được triển khai. Tuy nhiên, phần lớn các dự án này chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.
Điện rác đang được coi là giải pháp tối ưu trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Ảnh: P.Tuân
Chia sẻ tại Tọa đàm: “Ô nhiễm rác thải và các giải pháp phát triển công nghệ điện rác tại Việt Nam” vừa diễn ra, Giám đốc Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức Mai Huy Tân cho biết, tuy nhiều dự án đốt rác đã được triển khai, xây dựng tại Việt Nam song chưa có nhà máy điện rác nào xứng đáng để coi là công nghệ mẫu mực, có thể mở rộng. Đáng chú ý, trong 9 dự án điện rác liên doanh và sử dụng công nghệ Trung Quốc, chỉ duy nhất Dự án điện rác của Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB Cần Thơ phát điện năm 2018 là dự án thành công ở nước ta.
Theo phân tích của giới chuyên gia, nhiều dự án điện rác tại Việt Nam “chết yểu” là bởi chi phí cao. Đơn cử, công nghệ HTC, biocarbon có thể sử dụng làm nhiên liệu sạch để đốt nhưng chi phí cao. Công nghệ thiết bị TF cũng đòi hỏi chi phí đầu tư thiết bị tương đối đắt tiền nhưng không sản xuất ra điện. Ngoài ra, công nghệ xử lý rác của Nhật Bản do Tổ chức NEDO tài trợ đã dừng hoạt động.
Thực tế, việc xây dựng nhà máy điện rác với công nghệ hiện đại đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Thế nhưng, dù vốn và công nghệ đã sẵn sàng, DN cũng còn gặp không ít rào cản về chính sách. Giá mua điện mới chỉ áp dụng đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp và các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải. Hiện nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực điện rác như: khí hóa phát điện, đốt phát điện, lên men tạo khí biogas phát điện… chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ về giá mua điện.
Đến nay, hành lang pháp lý chưa có hướng dẫn về giá xử lý chất thải rắn áp dụng cho công nghệ điện rác. Mặt khác, quy định cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án xử lý chất thải phải theo quy hoạch ngành điện khiến nhiều dự án điện rác gặp khó khăn do phải chờ quy hoạch. Bên cạnh đó, dù chi phí đầu tư lớn song hiệu suất của các nhà máy điện rác chỉ khoảng 20 - 25%, kém hơn nhiều so với các nhà máy nhiệt điện, khoảng 40 - 42%. Chưa kể, do công suất điện phát lên lưới quốc gia nhỏ nên thời gian thu hồi vốn của các dự án điện rác thường kéo dài từ 10 - 20 năm.
Thêm vào đó, thủ tục đầu tư xử lý rác tại Việt Nam cũng phức tạp, kéo dài. Đối với việc đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt là loại hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), ngoài việc lựa chọn nhà đầu tư mất từ 1 - 2 năm, các dự án điện rác còn phải hoàn tất nhiều quy trình, thủ tục và chờ đợi các Bộ, ngành, địa phương phê duyệt.
Chia sẻ khó khăn từ thực tế địa phương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho hay, quy trình thủ tục tiếp cận dự án đốt phát điện hiện nay hết sức khó khăn. Để có quy hoạch đưa vào đấu nối điện lưới quốc gia, các dự án điện rác phải lấy ý kiến của 7 - 8 cơ quan, mất đến 4 tháng.
Cần cụ thể hóa các chính sáchưu đãi đầu tư điện rác
Theo Chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, sẽ có 100% chất thải rắn đô thị, chất thải rắn công nghiệp không nguy hại, 50% chất thải rắn khu dân cư nông thôn và 50% chất thải rắn tại các làng nghề được thu gom để tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ hay xử lý đảm bảo không ô nhiễm môi trường. Dự thảo Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn cũng chỉ rõ, đến năm 2035, cả nước có khoảng 65 điểm thuộc 30 tỉnh, thành phố có khả năng phát triển dự án nhà máy điện sử dụng chất thải rắn với tổng công suất lắp đặt khoảng 1.290 MW.
Để đạt được mục tiêu này, theo GS,TS. Đặng Kim Chi - Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi Trường, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cần lựa chọn các địa phương có lượng rác lớn để triển khai dự án điện rác, không nên thực hiện tại mọi địa phương bởi điều này sẽ gây lãng phí nguồn vốn lắp đặt cũng như vận hành. Bà Chi cũng lưu ý, khuyến khích triển khai công nghệ điện rác tại khu vực kinh tế trọng điểm đông dân, khu công nghiệp phát triển; đồng thời, chú trọng lựa chọn và đầu tư công nghệ điện rác tiên tiến, hiện đại trên thế giới để tránh rủi ro khi vận hành.
Bên cạnh đó, theo ông Mai Huy Tân, cần đảm bảo các yêu cầu để lựa chọn công nghệ đốt rác như: phải xử lý tất cả các chất thải rắn không yêu cầu phân loại từ nguồn nhờ hệ thống phân loại rác tự động; xử lý cả rác cũ đã chôn lấp, hoàn nguyên bãi rác đang tồn tại; không cần nhiên liệu bổ sung để đốt rác; không có tro bay và khí thải độc hại khi đốt rác; không phát sinh nước rỉ rác; tỷ lệ tro xỉ phải chôn lấp nhỏ hơn 2%...
Đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho rằng, mặc dù không mới song điện rác vẫn đang là lĩnh vực đầu tư khá khiêm tốn ở Việt Nam. Vì thế, Việt Nam cần sớm có các cơ chế khuyến khích cụ thể hơn về giá điện, các quy chuẩn hay các quy định về quản lý chất thải... để tăng thu hút nhà đầu tư.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1 Phạm Nguyên Hùng kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, quy trình, thủ tục còn vướng mắc trong quản lý chất thải đô thị, cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư... nhằm hỗ trợ thúc đẩy điện rác phát triển hơn nữa trong tương lai.
HỒNG NHUNG