Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng
Xã hội - Ngày đăng : 14:35, 08/06/2020
(BKTO) - Ngày nay, trẻ em tiếp xúc với mạng internet từ rất sớm, nhưng môi trường này lại chứa đựng nhiều rủi ro, nguy cơ xâm hại, mất an toàn cho trẻ. Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cần những giải pháp tổng thể, từ truyền thống, áp dụng công nghệ thông tin và đặc biệt cần sự vào cuộc của lực lượng liên ngành, liên quốc gia, mọi cá nhân và các tổ chức chính trị - xã hội.
Môi trưởng interrnet chứa đựng nhiều rủi ro, nguy cơ xâm hại, mất an toàn cho trẻ em. Ảnh: ST
Mọi trẻ em đều có nguy cơ bị xâm hại trên mạng xã hội
Việt Nam đã có những quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, được đề cập tại Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An toàn thông tin năm 2018, Luật An ninh mạng 2018... Tuy nhiên, thực tế cho thấy chúng ta còn thiếu rất nhiều thiết chế để bảo vệ trẻ em như cách chúng ta làm trong cuộc sống thực. Trong khi đó, bất kỳ một trẻ em nào truy cập internet đều chịu nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ việc bắt nạt, dụ dỗ, lừa đảo qua mạng hay thậm chí là bị tấn công, xâm hại qua môi trường mạng.
Theo Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children), hơn 66% trẻ em Việt Nam có cơ hội tiếp cận thiết bị kết nối internet, trong đó, hơn 43% có thời gian sử dụng trung bình từ 1 - 3 tiếng/ngày. Trong năm 2018, Việt Nam có hơn 706.000 vụ báo cáo về hình ảnh/video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng, đứng thứ 2 trong ASEAN, sau Indonesia.
Số liệu từ Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cũng cho thấy, sau gần 16 năm hoạt động, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Tổng đài 111) đã nhận được trên 4 triệu cuộc gọi đến và số cuộc gọi tăng đều hằng năm. Riêng 5 tháng năm 2020, đã có đến hơn 230.000 cuộc gọi đến Tổng đài để được tư vấn, hỗ trợ, can thiệp. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua, Tổng đài 111 tiếp nhận khoảng 300 cuộc gọi của phụ huynh phản ánh về việc gia đình cảm thấy lo lắng, lúng túng khi phát hiện ra con mình có truy cập vào những trang thông tin xấu trong quá trình sử dụng máy tính để học trực tuyến tại nhà.
Cần giải pháp mạnh mang tính liên ngành
Internet đã thay đổi cuộc sống theo vô số cách thức khác nhau. Hàng triệu trẻ em được hưởng lợi từ các dịch vụ công nghệ thông tin, nhưng chính mạng internet cũng làm gia tăng tỷ lệ trẻ em bị lạm dụng tình dục, bị vướng vào các tệ nạn xã hội. Kết quả thăm dò ý kiến trẻ em và thanh thiếu niên của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho thấy, 1/5 số trẻ em được hỏi cho biết mình đã từng là nạn nhân của đe doạ trực tuyến trên mạng internet. Ngoài ra, hơn 75% số trẻ thanh thiếu niên ở Việt Nam không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu, theo số điện thoại, địa chỉ nào khi cần trợ giúp về những vấn đề trên mạng.
Tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” giai đoạn 2020-2025 do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với UNICEF tại Việt Nam tổ chức mới đây, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Hoàng Minh Tiến (Bộ TT&TT) xác định, việc trẻ em bị nguy cơ xâm hại trên môi trường mạng là tác động của cuộc cách mạng công nghệ. Do đó, vấn đề này phải được giải quyết bằng những giải pháp công nghệ. Dù công nghệ không giải quyết hết được vấn đề nhưng cần sử dụng công nghệ để giải quyết được những vấn đề mấu chốt liên quan đến những thông tin trên mạng. Trong đó, cần xây dựng "Bộ kỹ năng số" với các thông tin trang bị cho trẻ những kỹ năng tương tác an toàn trên môi trường mạng, chủ động bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ có hại. Song song với việc trang bị kỹ năng cho trẻ, trách nhiệm của những DN công nghệ thông tin là xây dựng hệ sinh thái dành cho trẻ em lành mạnh, hấp dẫn, thu hút trẻ em, để trẻ em tránh xa các yếu tố xấu, độc hại trên môi trường mạng.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa cho rằng, việc bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề quan trọng, cấp thiết. “Chúng ta chỉ có thể thực hiện việc bảo vệ trẻ em nếu có sự phối hợp liên ngành, liên quốc gia, liên khu vực. Đồng thời, chúng ta cần phải lấy ý kiến của trẻ em để tìm ra cách giải quyết các vấn đề về trẻ em. Phải để trẻ em phát biểu ý kiến của mình một cách dân chủ, để trẻ em nói về những điều trẻ em lo lắng và cần giúp đỡ" - bà Hoa cho biết.
Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam - bà Lesley Miller - đề nghị, cần chung tay giáo dục, trao quyền cho trẻ em sử dụng internet một cách an toàn. Trẻ phải biết rằng không bao giờ nên cung cấp thông tin cá nhân hay chấp nhận lời mời kết bạn với những người mà mình không biết và không tin tưởng. Để trẻ làm được điều này, cha mẹ cần đưa ra những lời khuyên đúng đắn.
LÊ HÒA