Kinh tế Mỹ suy thoái kéo dài từ tháng 2 vì Covid-19
Đối ngoại - Ngày đăng : 16:05, 09/06/2020
(BKTO) - Nền kinh tế Mỹ đã suy thoái từ tháng 2 - đó là tuyên bố được một nhóm chuyên gia kinh tế của Cục nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) đưa ra hôm 8/6 vừa qua. Các chuyên gia khẳng định: việc làm, thu nhập và chi tiêu của Mỹ đạt đỉnh vào tháng 2 rồi giảm mạnh vì Covid-19, chấm dứt quãng thời gian tăng trưởng kỷ lục kéo dài trong 11 năm.
Bộ An ninh Việc làm Illinois tại Chicago, Mỹ |
Có một ủy ban thuộc NBER làm nhiệm vụ xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc của suy thoái kinh tế. Họ định nghĩa suy thoái là "sự sụt giảm hoạt động kinh tế kéo dài hơn vài tháng". Vì thế, NBER thường chờ đợi lâu hơn trước khi ra kết luận liệu kinh tế có suy thoái hay không. Trong đợt suy thoái gần đây nhất, ủy ban này không ra kết luận cho đến tháng 12/2008, một năm sau khi suy thoái bắt đầu. Tuy nhiên, với đại dịch Covid-19, NBER cho biết sự sụt giảm việc làm và thu nhập ngày càng lớn nên họ có thể nhanh chóng đưa ra đánh giá.
"Chúng ta đang trải qua thời kì khủng hoảng về việc làm và sản xuất với phạm vi rộng khắp đất nước, kéo nền kinh tế Mỹ bước vào suy thoái sau 11 năm” - chuyên gia NBER chia sẻ.
Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 là 13,3%, tháng 4 là 14,7%. Cả hai con số này đều cao hơn số liệu trong bất kỳ cuộc suy thoái nào khác kể từ Thế chiến II.
Vào ngày 5/6, chính phủ Mỹ cho biết các nhà tuyển dụng đã bổ sung 2,5 triệu việc làm vào tháng 5, một tín hiệu tích cực bất ngờ cho thấy tình trạng lao động mất việc làm chuẩn bị được cải thiện và cuộc suy thoái sẽ sớm kết thúc.
"Điều quan trọng nhất là tập trung vào sức phục hồi. Hiện tại, đây là nơi ẩn chứa nhiều bất ổn nhất", ông Ernie Tedeschi - chuyên gia kinh tế chính sách tại Ngân hàng đầu tư Evercore ISI (trụ sở New York), khẳng định. Theo ông Tedeschi, hiện vẫn chưa rõ liệu Covid-19 đã được kiểm soát hay chưa, liệu có xảy ra đợt lây nhiễm thứ 2 hay không, hoặc khi nào vắc-xin sẽ ra đời.
Ngân hàng Thế giới mới đây cũng cho biết thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe lan rộng với tốc độ đáng sợ và tạo ra cú sốc lớn nhất mà nền kinh tế toàn cầu đã chứng kiến trong bảy thập kỷ qua. Hàng triệu người sẽ bị đẩy vào tình trạng cực kỳ nghèo khổ.
Trong triển vọng toàn cầu được cập nhật, Ngân hàng Thế giới dự báo rằng hoạt động kinh tế quốc tế sẽ giảm 5,2% trong năm nay. Suy thoái 5,2% sẽ là suy thoái toàn cầu tồi tệ thứ tư trong 150 năm qua, chỉ kém cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930 và các giai đoạn ngay sau Thế chiến I và Thế chiến II.
Tại Hoa Kỳ, các tiểu bang đã bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế, do đó cho phép các doanh nghiệp tuyển dụng lại một số nhân viên. Nhưng hoạt động kinh tế vẫn đang hồi phục rất chậm. Sẽ mất rất lâu để người dân thực hiện lại thói quan mua sắm, ăn uống hay du lịch như trước đây.
AN CHI (theo prpeak)