Vùng kinh tế trọng điểm trông đợi cơ chế đặc thù
Đối nội - Ngày đăng : 08:25, 11/06/2020
(BKTO) - Các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) vốn được coi là cực tăng trưởng quan trọng của đất nước. Bởi vậy, giới chuyên gia khuyến nghị, để thực sự trở thành đầu tàu lôi kéo sự phát triển các vùng kinh tế khác trong cả nước, các vùng này cần phải có cơ chế đặc thù, đó sẽ là kim chỉ nam nhằm hiện thực hóa các tầm nhìn.
Các vùng KTTĐ cần có cơ chế đặc thù để thực sự trở thành đầu tàu lôi kéo sự phát triển các vùng kinh tế khác trong cả nước. Ảnh: V.Hoàng
Vẫn còn tình trạng chồng chéo, “mạnh ai nấy làm”
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giai đoạn 2011-2019, bình quân mỗi năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 4 vùng KTTĐ Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long tăng 7,25%. Quy mô GRDP toàn bộ 24 địa phương thuộc 4 vùng này so với GDP cả nước ở mức trên 70%. Hà Nội và TP. HCM là 2 cực tăng trưởng quan trọng, bình quân năm trong giai đoạn này đóng góp vào tăng trưởng chung cả nước đạt tương ứng 13,08% và 19,9%.
Theo nghiên cứu, cứ 1% tăng trưởng của 4 vùng KTTĐ sẽ làm GDP của toàn bộ nền kinh tế tăng 0,61%, trong đó, vùng KTTĐ Bắc Bộ và phía Nam là 2 vùng có tác động lớn nhất. Cụ thể, GRDP của vùng KTTĐ Bắc Bộ tăng 1% làm GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,49%, GRDP của vùng KTTĐ phía Nam tăng 1% làm GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,55%.
Tuy nhiên, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, những lợi thế của các vùng KTTĐ chưa được phát huy đầy đủ nhằm tạo ra động lực mới cho tăng trưởng. Điển hình, kết cấu hạ tầng chưa tương xứng, kết nối chưa đồng bộ. Chất lượng phát triển đô thị còn thấp, nhiều khu vực còn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thực tế cho thấy, các vùng KTTĐ chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế của cả nước. Dù đóng góp vào sự tăng trưởng chung nhưng chất lượng và hiệu quả tăng trưởng còn thấp. Mô hình tăng trưởng vẫn không thoát khỏi thực trạng chung của cả nước, đó là tăng trưởng theo chiều rộng, nhờ vào gia công, dựa vào đầu tư, thiếu cân đối trong giải quyết các mối quan hệ liên ngành cũng như không khai thác được các thế mạnh về lao động hay tài nguyên cho tăng trưởng kinh tế.
Theo phân tích của giới chuyên gia, mặc dù các tiêu chí về kinh tế - xã hội, kỹ thuật có dấu hiệu nổi trội hơn mức độ trung bình của cả nước song các vùng KTTĐ chưa tạo ra những bước đột phá trong phát triển, chưa thể hiện và khẳng định vị thế, sự lan tỏa hay chỗ dựa đáng tin cậy đối với cả nước. Quá trình hình thành và phát triển các vùng KTTĐ vẫn bị chi phối nặng nề bởi quan điểm hành chính, mở rộng phạm vi không gian gắn với địa giới hành chính. Điều này làm mờ các yếu tố nổi trội, đồng thời làm giảm khả năng đảm nhận sứ mệnh là điểm tựa đột phá cho kinh tế cả nước.
Hơn nữa, dù mỗi vùng, mỗi địa phương có đặc thù riêng tạo nên thế mạnh nhưng nhìn tổng thể, các địa phương này vẫn có xu thế phát triển với bộ khung khá giống nhau, chồng chéo, không có sự phân công chuyên môn hóa để thực hiện các mối liên kết ngành kinh tế, đặc biệt vẫn phát triển theo kiểu “mạnh ai nấy làm”.
Cần có Luật về phát triểnvùng kinh tế trọng điểm
Theo giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam Đỗ Thiên Anh Tuấn, yêu cầu xây dựng một cơ chế, chính sách riêng cho các vùng KTTĐ là hết sức cần thiết để tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng. Ông Tuấn khẳng định, việc hình thành một thể chế đặc thù cho các vùng KTTĐ sẽ là kim chỉ nam để hiện thực hóa các tầm nhìn.
Vừa qua, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phát triển vùng KTTĐ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khẩn trương xây dựng, hoàn thiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nằm trong quy hoạch tổng thể quốc gia, khắc phục vướng mắc và tình trạng trùng dẫm, “mạnh ai nấy làm”. Lãnh đạo các địa phương cần đề cao trách nhiệm trong phát triển kinh tế vùng, thực sự tận tâm, tận lực vì sự phát triển của cả vùng, của đất nước và từng địa phương.
Về thể chế phát triển vùng KTTĐ, theo Thủ tướng, cần có biện pháp, lộ trình phù hợp để tháo gỡ các nút thắt. Việc làm ngay là phát huy tối đa vai trò hội đồng vùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát, đề xuất Chính phủ cơ chế phù hợp để các địa phương vùng KTTĐ tận dụng được tiềm năng, thế mạnh, không cạnh tranh, làm suy yếu lẫn nhau.
Người đứng đầu Chính phủ cũng gợi ý về lợi thế phát triển từng vùng. Theo đó, vùng KTTĐ Bắc Bộ với trọng tâm “tam giác phát triển” gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh có nhiều điều kiện thu hút đầu tư công nghệ cao, chế biến chế tạo, điện tử, dịch vụ, tài chính ngân hàng, logistics, nông nghiệp công nghiệp cao; có thế mạnh về nguồn nhân lực, hình thành các trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao. Vùng KTTĐ miền Trung tập trung phát triển mạnh kinh tế biển, hệ sinh thái ô tô, các ngành dịch vụ vận tải, đặc biệt là du lịch; có đề án phát triển du lịch miền Trung kết hợp với Tây Nguyên thành vùng trọng điểm mang tầm khu vực và thế giới.
Vùng KTTĐ phía Nam tập trung thu hút đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi giá trị; phát huy vai trò đầu tàu của TP. HCM để đưa vùng này thành động lực tăng trưởng ngay trong năm 2020 và thời gian tới. Vùng KTTĐ Đồng bằng sông Cửu Long cần phát triển mạnh các ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt các loại nông sản chủ lực như: tôm, cá tra, trái cây...; phát triển mạnh công nghiệp chế biến; hướng tới phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mới đây, làm việc với các tỉnh, thành phố vùng KTTĐ phía Nam, Thủ tướng còn trực tiếp giao các cơ quan nghiên cứu đề án về cơ chế đặc thù cho vùng KTTĐ.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển bền vững các vùng KTTĐ đòi hỏi phải xây dựng khung định hướng, phân bố không gian, tổ chức mạng lưới cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và kỹ thuật một cách vững chắc, toàn diện, đồng bộ và hợp lý. Về lâu dài, cần có Luật về phát triển vùng KTTĐ để tháo gỡ khó khăn một cách căn cơ, làm rõ vai trò của hội đồng vùng cũng như cơ chế huy động, phân bổ nguồn lực…
HỒNG NHUNG