Nâng cao vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong thu hút FDI chất lượng, hiệu quả
Đối nội - Ngày đăng : 08:45, 11/06/2020
(BKTO) - Qua hoạt động kiểm toán hằng năm, KTNN đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên một số lĩnh vực như: môi trường, đất đai, chuyển giá. Từ đó, KTNN đã kiến nghị các cơ quan quản lý khắc phục những sai sót, yếu kém, sửa đổi, bổ sung những quy định để ngăn chặn các “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh.
Không ít DN FDI đã đưa máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu vào Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Chuyển giá gây thất thu lớn cho ngân sách
Thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ, trong đó, nhiều DN thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. Điển hình như TP. HCM có tới gần 60% trong số trên 3.500 DN FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm; tỉnh Bình Dương - một trong những tỉnh thu hút được nhiều dự án FDI - cũng có đến 50% DN FDI báo cáo lỗ từ năm 2006-2011. Một điều bất hợp lý là mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn nhưng DN FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Trong khi DN FDI báo lỗ thì hầu hết các DN trong nước cùng ngành nghề đều có lãi, nhất là trong lĩnh vực may mặc, giày da. Hoạt động chuyển giá của các DN FDI đã gây thất thu cho ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng trong nhiều năm qua.
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV Doãn Anh Thơ dẫn chứng, theo Cục Thuế TP. HCM, từ khi bắt đầu hoạt động ở Việt Nam năm 1992, Coca-Cola liên tục báo lỗ. Đến tháng 12/2012, tổng số lỗ lũy kế của Coca-Cola Việt Nam lên đến 3.768 tỷ đồng, vượt quá số vốn đầu tư ban đầu. Trong khi đó, sản lượng thực tế của Công ty tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm và tiếp tục mở rộng nhà máy sản xuất. Từ năm 2013, Coca-Cola Việt Nam đã bắt đầu báo lãi và nộp thuế thu nhập DN.
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Nguyễn Đức Tín: Với chức năng, nhiệm vụ của mình, KTNN cần triển khai các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động để tập trung đánh giá hoạt động quản lý nhà nước đối với vốn FDI, việc thực hiện các giải pháp thu hút vốn FDI tại các địa phương, đánh giá khả năng thu hút vốn FDI, xác định nguyên nhân dẫn đến việc thu hút vốn FDI đạt hoặc chưa đạt yêu cầu...
Hay như Metro Việt Nam, sau khoảng 12 năm hoạt động, đã 6 lần thay đổi giấy phép kinh doanh, nâng tổng vốn đầu tư tại DN này lên hơn 301 triệu USD. Tuy nhiên, DN này liên tục kê khai lỗ với số lỗ lũy kế lên đến 1.657 tỷ đồng. Mặc dù lỗ, Metro Việt Nam vẫn tiếp tục mở thêm 19 điểm bán lẻ trên toàn quốc. Cơ quan thanh tra thuế đã thanh tra và xác định có hành vi chuyển giá, qua đó yêu cầu Metro Việt Nam điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế với số tiền lên đến hơn 500 tỷ đồng và xác định Metro Việt Nam đã có lãi trong 2 năm 2010 và 2011 với số tiền 234,8 tỷ đồng.
GS,TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài - đúc rút, tình trạng chuyển giá đã được phát hiện trong những năm gần đây gắn với tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhưng nguyên nhân quan trọng là do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của DN FDI.
Nhiều dự án tác động tiêu cực đến môi trường
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên, ngoài hành vi chuyển giá thì dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, máy móc công nghệ nhanh chóng trở nên lạc hậu dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư tìm cách chuyển giao những máy móc đã lạc hậu cho các nước nhận đầu tư. Hậu quả của việc này là giá trị thực của những máy móc chuyển giao rất khó xác định, gây tổn hại môi trường sinh thái, chất lượng sản phẩm thấp, chi phí sản xuất cao.
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VIII Đoàn Huy Vinh: Với vai trò là cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công, KTNN phải có vai trò và trách nhiệm thực hiện kiểm toán việc quyết định, triển khai, thực hiện các dự án đầu tư nói chung nhằm cung cấp ý kiến trong các báo cáo kiểm toán tới Quốc hội, Chính phủ. Theo đó, để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và vai trò của mình, KTNN cần có ý kiến sửa đổi, bổ sung góp phần hoàn thiện cơ chế, quy định pháp luật của quản lý vốn FDI.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, không ít DN FDI đã đưa máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, gây tác động lâu dài đến sức khỏe người dân và hệ sinh thái khu vực, gây xung đột lợi ích giữa các ngành sản xuất, chế biến với ngành nông nghiệp, du lịch, cũng như giữa DN FDI với cộng đồng dân cư.
Trong những năm vừa qua, đã có nhiều vụ việc liên quan đến môi trường của các DN FDI bao gồm cả môi trường đất, nước và không khí. Tại nhiều khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp và dự án FDI lớn, tình trạng vi phạm các quy định về môi trường vẫn thường xuyên xảy ra. Đơn cử như tại Đồng Nai, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII Trần Minh Khương nêu rõ, một số DN FDI dùng các thủ đoạn tinh vi như: xây dựng hệ thống cống ngầm kiên cố nhằm xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra sông, rạch, hoặc lợi dụng thủy triều lên xuống để pha loãng nước thải chưa qua xử lý đưa ra môi trường.
GS,TSKH. Nguyễn Mại cũng nhấn mạnh, một số DN FDI đã lợi dụng sơ hở của cơ quan quản lý nhà nước gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tác hại cả hệ thống sông ngòi ở Nam bộ, Hà Nội và khu vực đồng bằng Bắc bộ. Ngoài ra, nhiều khu công nghiệp cũng không có hệ thống xử lý chất thải rắn và chất thải lỏng. Tình trạng này đã đến lúc báo động, các cơ quan quản lý cần đưa những giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục về cơ bản, bảo đảm sự phát triển bền vững cho thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau.
Chỉ ra thêm nguyên nhân, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán cho rằng, chính sách ưu đãi đầu tư đối với khu vực FDI hiện nay chưa có sự ổn định, nhất quán. Việc áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư tại các địa phương còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, TP. HCM đã đầu tư và xây dựng Khu công nghệ cao TP. HCM và thu hút được nhiều dự án đầu tư. Kết quả kiểm toán cho thấy, việc thực hiện các chính sách ưu đãi tại đây chưa nhất quán với mục tiêu thu hút các dự án FDI sử dụng, ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao. Các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá, lựa chọn dự án đầu tư, lĩnh vực đầu tư được cấp phép đầu tư vào khu công nghệ cao chưa đầy đủ, rõ ràng dẫn đến việc DN không có cam kết và chú trọng tập trung sản xuất công nghệ cao.
Tăng cường vai trò của KTNN trong phát hiện sai phạm
Để ngăn chặn chuyển giá, GS,TSKH. Nguyễn Mại nhấn mạnh, trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến tài sản công khi thực hiện liên doanh với nước ngoài, dự án đối tác công - tư có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thì KTNN cần tiến hành kiểm toán để xác định giá trị tài sản công bị thiệt hại và xử lý theo thẩm quyền.
Cho rằng bất cứ hành vi nào nhằm trốn, tránh nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước đều là vi phạm việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, tức là thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN, PGS,TS. Phan Duy Minh - nguyên Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán khẳng định, KTNN không thể đứng ngoài cuộc, cần phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành phân tích đánh giá kỹ lưỡng tình hình thực tế nhằm tiến tới tổ chức kiểm toán chuyên đề về chống chuyển giá, trốn thuế của các DN FDI. Hơn nữa, việc kiểm toán chuyên đề này cần phải thực hiện định kỳ, trước mắt có thể là 3 - 5 năm một lần, về sau có thể thực hiện hằng năm.
PGS,TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Đại học Kinh tế Quốc dân - cũng nêu quan điểm, ngoài việc tăng cường trách nhiệm của kiểm toán độc lập thì cần tăng cường sự tham gia của cơ quan KTNN trong kiểm toán hoạt động chuyển giá.
Với lĩnh vực môi trường, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Lê Đức Luận đề xuất, KTNN nên tiến hành các chuyên đề kiểm toán môi trường đối với các dự án FDI. Chẳng hạn, nếu đảm bảo đủ điều kiện có thể tiến hành sớm chuyên đề kiểm toán môi trường đối với các dự án FDI trên địa bàn Tây Bắc…
Nhấn mạnh vai trò của KTNN nhằm đảm bảo thu hút FDI chất lượng, hiệu quả, ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, cần cho phép và tăng cường hoạt động kiểm toán của KTNN đối với khu vực FDI nhằm đẩy mạnh tính công khai, minh bạch của khu vực này; góp phần giám sát đánh giá mục tiêu chính sách rõ ràng để giúp đo lường hiệu quả của chính sách. Đồng thời, xác định thêm vai trò của KTNN trong việc góp ý xây dựng Luật, sửa đổi chính sách, kiến nghị cải cách đối với cơ quan nhà nước cũng như đề xuất, kiến nghị những chủ trương, giải pháp nhằm tăng cường thu hút đầu tư, hỗ trợ, quản lý, giám sát DN FDI trong giai đoạn vận hành.
Theo quy định của Hiến pháp, Luật KTNN, Luật NSNN và các quy định pháp luật khác, KTNN cần tham gia tích cực trong việc thực hiện cơ chế kiểm soát, ngăn ngừa và phòng, chống gian lận chuyển giá. Theo đó, Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Lê Minh Nam phân tích, KTNN được kiểm toán trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị thực hiện quản lý hoạt động liên quan đến các hoạt động đầu tư vốn FDI, kiểm toán cơ quan thuế, kiểm toán các DN cùng tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư FDI. KTNN cũng được kiểm toán tại các cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các quy định; hoạt động quản lý điều hành, triển khai các giải pháp thu hút FDI. Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị cơ chế phối hợp để phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi gian lận chuyển giá, gian lận thương mại. Nếu phát hiện dấu hiệu sai phạm có liên quan đến nhiều bên, cần kiến nghị chung tay, hợp tác của nhiều cơ quan chức năng…
H.THOAN - N.LỘC - L.HÒA