Kiểm toán chuyên đề thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học, bệnh viện công lập: Kỳ II - Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều bất cập, đưa ra những kiến nghị nổi bật

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:55, 11/06/2020

(BKTO) - Tổng hợp kết quả 2 cuộc kiểm toán chuyên đề việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học, bệnh viện công lập giai đoạn 2016-2018 cho thấy, KTNN đã phát hiện nhiều bất cập trong việc thực hiện cơ chế tự chủ về tổ chức bộ máy, thực hiện nhiệm vụ, tự chủ tài chính… Từ đó, KTNN đã kiến nghị sửa đổi nhiều văn bản không còn phù hợp, cũng như đưa ra những ý kiến tư vấn hoàn thiện công tác quản lý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ.



KTNN đưa ra nhiều kiến nghị trong tự chủ tại các bệnh viện. Ảnh sưu tầm

Một số phát hiện và kiến nghị nổi bật liên quan đến tự chủ đại học

Nổi bật trong các phát hiện thông qua kiểm toán việc thực hiện tự chủ về bộ máy là hiện nay, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, sa thải, cơ chế tiền lương… tại các đơn vị sự nghiệp công lập đang là đối tượng được điều chỉnh đồng thời bởi quy định của nhiều luật: Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Bộ luật Lao động; Luật Thi đua khen thưởng; một số luật chuyên ngành… Điều này dẫn đến sự xung đột và chồng chéo trong việc thực hiện; có sự chênh lệch lớn về thu nhập bình quân giữa các trường thuộc khu vực miền núi và các đô thị lớn; tồn tại nhiều mô hình tổ chức khác nhau tại các trường mà chưa có các quy định cụ thể về phương thức quản lý, trách nhiệm của trường và chế tài đối với các đơn vị trực thuộc trường khi hoạt động không hiệu quả.

Trong tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, KTNN phát hiện nhiều đơn vị tuyển sinh vượt năng lực đào tạo, số lượng tuyển sinh không đồng đều giữa các khu vực, các khối ngành nhưng chính sách học phí và chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa có sự khác biệt. Hoạt động đào tạo chất lượng cao chưa tương xứng với chất lượng dịch vụ cung cấp. Nhiều mã ngành mở mới tại các trường chưa mang lại hiệu quả. Việc đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo chưa được chú trọng. Nhiều chương trình đào tạo chưa được kiểm định.

Về thực hiện tự chủ tài chính, kết quả kiểm toán cho thấy, cơ chế tài chính nhà nước chưa có sự phân biệt giữa các nhóm đơn vị, chưa có chính sách riêng cho nhóm các trường. Số thu học phí chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu thu của các trường nhưng mức tăng học phí 10% qua các năm chủ yếu do tăng theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Xét trên góc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người còn thấp, không đều và mức tăng lương cơ sở của công chức, viên chức, người lao động trong các DN qua các năm thấp thì việc thu học phí theo mức như hiện nay là một gánh nặng lớn cho người học. Tại một số Bộ, ngành, địa phương còn tình trạng giao dự toán NSNN chưa căn cứ mức độ tự chủ của các trường để giảm kinh phí NSNN cấp theo lộ trình tăng học phí.

Thông qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành 8 văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 2 thông tư của Bộ nhằm hướng dẫn thống nhất, toàn diện về cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập. Đồng thời kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc phân bổ dự toán chưa phù hợp, không đảm bảo mục tiêu Nghị định số 43/2006/NĐ-CP về từng bước giảm dần bao cấp từ NSNN; thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát và chưa có biện pháp đối với các trường đại học thu các khoản chưa có trong quy định, vượt quy định mà KTNN đã kiến nghị chấm dứt qua nhiều năm; chậm triển khai xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục; chậm ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực dịch vụ giáo dục. Cùng với đó là nhiều kiến nghị thiết thực nhằm hoàn thiện tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ tại các Bộ, ngành, địa phương.

Một số phát hiện và kiến nghị nổi bật trong thực hiện tự chủ bệnh viện

Liên quan đến việc thực hiện tự chủ tổ chức bộ máy, qua tổng hợp tình hình kiểm toán tại các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố cho thấy, việc phân cấp về tự chủ tổ chức bộ máy, nhân sự cho các bệnh viện cả tuyến T.Ư và địa phương còn chậm. Mô hình tổ chức của các bệnh viện đa dạng, không thống nhất. Còn có nhiều bất cập về chính sách trong việc tuyển dụng, chi trả tiền lương, thu nhập cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế làm hạn chế khả năng thu hút và giữ lực lượng bác sĩ có trình độ cao tại các bệnh viện công lập, đặc biệt các bệnh viện tuyến huyện, hoặc địa bàn khó khăn.

Trong tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, việc ban hành tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành, chất lượng các dịch vụ y tế cơ bản còn hạn chế, việc giao chỉ tiêu giường bệnh còn bất cập, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực của các bệnh viện có sự chênh lệch khá lớn giữa các tỉnh, thành phố, giữa các tuyến ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ của các bệnh viện.

Đối với việc thực hiện tự chủ tài chính, KTNN phát hiện việc giao dự toán chưa hoàn toàn căn cứ vào mức độ đảm bảo kinh phí. Việc xác định mức độ tự đảm bảo theo quy định hiện hành còn bất cập, chưa phản ánh đúng khả năng tự chủ của đơn vị. Tại nhiều bệnh viện còn hiện tượng thu vượt, thu sai, thu các khoản đã có trong cơ cấu giá, thu thêm các khoản chưa có trong cơ cấu giá dịch vụ y tế. Tình trạng bị động trong cân đối thu chi tại các bệnh viện do dư nợ chưa thanh toán của cơ quan Bảo hiểm y tế lớn. Đối với các bệnh viện tự chủ toàn bộ việc sử dụng Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp để mua sắm trang thiết bị, đầu tư cơ sở hạ tầng còn nhiều vướng mắc bởi cơ chế phân cấp, phân quyền trong việc lập kế hoạch và phê duyệt đầu tư. Các quy định về liên doanh, liên kết trong đầu tư trang thiết bị y tế tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ còn chưa cụ thể nên trong quá trình thực hiện, các đơn vị xác định tỷ lệ phân chia không đủ cơ sở, chưa kịp thời đàm phán lại với các đối tác giảm giá dịch vụ khi số ca dịch vụ tăng cao so với dự kiến để giảm chi phí điều trị cho người bệnh.

Kết quả kiểm toán đã chỉ ra nhiều bất cập về việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập. Qua đó, KTNN đã có các kiến nghị để bịt các lỗ hổng về chính sách tự chủ. Cụ thể như: kiến nghị ban hành 7 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn quản lý và tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ và tài chính; sửa đổi Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 về hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước không còn phù hợp. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Y tế, cơ quan Bảo hiểm xã hội và các bệnh viện tích cực phối hợp để có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thanh toán, quyết toán viện phí bảo hiểm y tế cho các bệnh viện theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, đảm bảo cho các đơn vị chủ động nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân. KTNN cũng đề nghị Nhà nước cần minh bạch hóa, ban hành văn bản quy định cụ thể cho phép các khoản được thu hoặc không được thu nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai, thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Có thể nói, kết quả kiểm toán việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học công lập và các bệnh viện công lập trên cả nước giai đoạn 2016-2018 đã thu được nhiều phát hiện và kiến nghị nổi bật, là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ sử dụng để phân tích, đánh giá từ đó đưa ra các hành động cụ thể đối với chính sách cơ chế tự chủ. Thành công của việc thực hiện kiểm toán chuyên đề tự chủ trong lĩnh vực giáo dục và y tế không chỉ thể hiện bởi số liệu xử lý mà còn giải quyết được bài toán đang được xã hội hết sức quan tâm, thu hút được sự chú ý rất lớn của dư luận, được các Ủy ban của Quốc hội đánh giá cao và lựa chọn làm chủ đề giám sát. (Kỳ sau đăng tiếp)

TS. LÊ ĐÌNH THĂNG
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III