Kinh tế năm 2015: Triển vọng và thách thức
Đối nội - Ngày đăng : 10:40, 08/01/2015
(BKTO) - Năm 2014 đã khép lại với những kết quả khá khả quan,13/14 chỉ tiêu vĩ mô đều đạt và vượt kế hoạch, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ướctính tăng 5,98% so với năm trước, thị trường tài chính có những chuyển biếntích cực, cân đối ngân sách được cải thiện... tạo tiền đề quan trọng cho việcthực hiện các chỉ tiêu chính của năm 2015.
Cầu Nhật Tân - một trong ba công trình giao thông lớn được khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 04/01/2015 góp phần thay đổi diện mạo giao thông của Thủ đô.Ảnh: T.K
Năm 2015: Nhiều khả năng tăng trưởng đạt 6,2%
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm 2015, kinh tế thế giới trên đà phục hồi. Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đạt được kết quả nhất định về cải cách và đang có dấu hiệu tốt dần lên; kinh tế Việt Nam cũng được dự báo sáng sủa hơn. Các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế thế giới năm 2015 tăng trưởng hơn từ 0,4 - 0,5 điểm phần trăm so với năm 2014; tăng trưởng thương mại thế giới sẽ phục hồi ở mức 4%; giá hàng hóa thế giới tiếp tục giảm, nhất là giá năng lượng. Cơ quan thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo giá dầu thế giới của trong năm 2015 giảm 33%.
Báo cáo tình hình kinh tế năm 2014 và triển vọng năm 2015 do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) phát hành ngày 27/12/2014 nhận định: Năm 2015 sẽ tiếp tục xu thế phục hồi tăng trưởng. Theo đó, dự báo tốc độ tăng trưởng quý I/2015 sẽ là 5,4%, cao hơn cùng kỳ 2014. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong các quý tiếp theo và mục tiêu tăng trưởng 6,2% cả năm 2015 là khả thi. UBGSTCQG dự báo lạm phát sẽ không có biến động lớn và sẽ ở khoảng 3%.
Căn cứ trên tình hình kinh tế thế giới và các yếu tố vĩ mô trong nước đang ổn định, trao đổi với báo chí, ông Tomoyki Kimura - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam dự báo: Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn vào những năm sau (nhưng thấp hơn mục tiêu đã đặt ra của Việt Nam). Cụ thể, tăng trưởng của Việt Nam đạt 5,8% cho năm 2015 với giả thiết kinh tế Mỹ phục hồi, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục chuyển biến khả quan và việc xử lý những yếu kém trong ngành ngân hàng trong nước tiếp tục đạt được những kết quả tích cực; lạm phát sẽ duy trì ở mức 5,5%.
Khắc phục các yếu kém để tạo xung lực mới
Mặc dù có những thuận lợi nói trên, nhưng theo ông Tomoyki Kimura, Chính phủ Việt Nam cần củng cố tài khóa để đảm bảo các khoản chi quan trọng và xử lý các rủi ro từ việc tái cơ cấu ngân hàng và cải cách DNNN. Chính phủ cần đánh giá, phân loại ngân hàng để đảm bảo an toàn nghiêm ngặt hơn; tiếp tục tăng cường sự giám sát chặt chẽ và cải cách pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu. Đồng thời cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DNNN và tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành.
Theo UBGSTCQG, nếu như giá xăng dầu trong nước giảm tương ứng với giá dầu thế giới thì ước tính giá thành sản phẩm sản xuất trong nước sẽ giảm 3%. Vì vậy, để DN tận dụng cơ hội giá xăng dầu giảm trong năm 2015 giảm được chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất, UBGSTCQG nêu khuyến nghị: chính sách thuế, phí nhập khẩu xăng dầu cần có sự hài hòa giữa mục tiêu bảo đảm nguồn thu ngân sách và mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cần có chính sách quản lý giá đối với các DN sử dụng nhiều nhiên liệu đầu vào (phải điều chỉnh giá bán thích hợp) để tạo điều kiện cho các DN giảm giá thành. Với xu hướng giảm giá hàng hóa thế giới trong năm 2015, Chính phủ cần có các biện pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa sản xuất trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, quản lý nhập khẩu. Cùng với các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu cũng cần có các biện pháp khuyến khích tiêu dùng trong nước thông qua phát triển hệ thống phân phối, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Trong năm 2015 cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để tăng thêm cơ hội cho các DN, nhất là việc triển khai có hiệu quả các Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi). Đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu DNNN và thị trường tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Ở một góc nhìn khác, trong bài tham luận tại Hội thảo “Lạm phát: Cơ hội và thách thức” do Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) vừa tổ chức, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: Năm 2015 nhiều Dự án Luật sửa đổi đi vào thực thi sẽ tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh nói chung cũng như cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài và từ khu vực ngoài Nhà nước. Tuy nhiên, sự cải thiện môi trường này phải thông qua những biện pháp cụ thể như cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trình độ và đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ.
Trong cuộc trao đổi với báo chí ngày cuối năm 2014, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhìn nhận tình hình kinh tế một cách thận trọng hơn: “Năm 2015 đặt ra mục tiêu tăng trưởng là 6,2%, chúng ta nghĩ đơn giản vì năm nay đã tăng trưởng 5,98%, năm sau 6,2% là chuyện nhỏ. Không phải vậy. Mỗi điểm phần trăm tăng trưởng ở quy mô lớn thì khác. Hơn nữa, cứ tăng trưởng theo cơ học như tăng khai thác tài nguyên để xuất thô thì không để lại điều gì tốt cho các năm sau”. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, năm 2015 thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cho phép tự do luân chuyển hàng hóa và lao động, tiếp đó thuế nhiều mặt hàng sẽ về 0% vào năm 2018... Bởi vậy phải tiếp tục cải cách thể chế, khắc phục triệt để các yếu kém để tạo xung lực mới cho đất nước phát triển.
THU HƯỜNG