Băn khoăn về tiêu chí xác định doanh nghiệp được hỗ trợ giảm thuế
Chính trị - Ngày đăng : 08:15, 12/06/2020
(BKTO) - Sáng 11/6, thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần xem xét, cân nhắc về tiêu chí xác định DN được ưu đãi để đảm bảo bình đẳng và hiệu quả hỗ trợ.
Các đai biểu Quốc hội thảo luận tại tổ -Ảnh:quochoi.vn |
Sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước 15,8 nghìn tỷ đồng
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, khó lường và chưa dự báo được thời điểm kết thúc trên thế giới, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực của Việt Nam, đặc biệt là nhóm DN có quy mô nhỏ.
Để các DN có quy mô nhỏ có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh, góp phần đạt mục tiêu cao nhất có thể về tăng trưởng kinh tế của năm 2020 thì cần thiết phải có giải pháp kịp thời trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định giảm Thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với nhóm DN có quy mô nhỏ và sớm đưa chính sách này vào thực tiễn.
Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết, trong đó giảm 30% số Thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.
Việc áp dụng giảm Thuế TNDN phải nộp năm 2020 đối với người nộp Thuế TNDN là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN, bao gồm: DN được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập (trừ DN được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài).
Theo báo cáo của Chính phủ, việc đề xuất áp dụng chính sách giảm thuế đối với DN có quy mô nhỏ nêu trên cũng dựa trên tính toán về khả năng, điều kiện NSNN trong bối cảnh hiện nay. Theo ước tính, việc đề xuất giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN có quy mô nhỏ sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 15.840 tỷ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả DN có quy mô vừa có thể làm giảm thu NSNN khoảng 22.440 tỷ đồng.
Nên giảm thuế cả đối với doanh nghiệp có quy mô vừa
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc đề xuất giảm thuế đối với DN có quy mô nhỏ “có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người” nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải.
Thực tế là tính cả số lượng DN có quy mô vừa thì DN có quy mô nhỏ và vừa chiếm tới 97% tổng số DN tại Việt Nam và nếu việc áp dụng chính sách giảm thuế cho DN có quy mô vừa thì gần như toàn bộ DN tại Việt Nam đều được hưởng giảm thuế và không mang nhiều ý nghĩa nhằm ưu tiên phát triển, đồng thời có thể dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng giữa DN có quy mô vừa với các DN có quy mô nhỏ trong khi DN có quy mô vừa đã sẵn có nhiều lợi thế hơn về vốn, doanh thu, thị trường, lao động, công nghệ... - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, thảo luận tại tổ về nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc áp dụng tiêu chí xác định là doanh thu (dưới 50 tỷ đồng), kết hợp với tiêu chí về lao động (dưới 100 lao động) để thực hiện chính sách giảm Thuế TNDN.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), nếu chỉ giảm thuế cho DN có doanh thu dưới 50 tỷ đồng và có dưới 100 lao động là chưa hợp lý. Theo đại biểu, DN có doanh thu dưới 50 tỷ đồng mà số lao động trên 100 người, ví dụ như có 200 lao động thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều. “Họ đang hết sức khó khăn để lo giữ chân người lao động mà không được giảm thuế này thì rất tiếc” – đại biểu nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đề nghị, cần có sự cân nhắc, tính toán để đưa ra các cơ chế, chính sách đảm bảo sự bình đẳng giữa các DN. Theo đại biểu, trong cơ cấu DN của Việt Nam, DN có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số DN, chỉ có 3% còn lại là DN lớn. “DN có 100 lao động đã được giảm thuế 30%, trong khi các DN lớn sử dụng tới 200.000 – 300.000 lao động lại không được miễn giảm gì thì liệu có công bằng? Các DN lớn liệu có băn khoăn mình không được Đảng, Nhà nước quan tâm mặc dù sử dụng nhiều lao động, đóng góp lớn cho ngân sách”- đại biểu nêu quan điểm.
Về ước tính nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả DN có quy mô vừa có thể làm giảm thu NSNN lên khoảng 22.440 tỷ đồng, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, con số này chỉ là số ước tính, có khả năng ảo bởi DN rất khó khăn thì làm sao có lợi nhuận. Do đó, đại biểu đề nghị, trên tinh thần thông qua Nghị quyết để vừa hỗ trợ, động viên DN vừa giúp DN cầm cự, chờ cơ hội vượt qua khó khăn hiện nay thì chỉ sử dụng tiêu chí dưới 50 tỷ đồng. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tăng cường công tác hậu kiểm, rà soát lại các chính sách đã được ban hành để hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do Covid-19, tháo gỡ những quy định vướng mắc trong thực tiễn triển khai để chính sách sớm đi vào cuộc sống, giúp DN vượt qua khó khăn.
Tán thành quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, nếu xác định tiêu chí như Chính phủ đề xuất thì các DN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nói chung và cả nước sẽ rất khó. Theo đại biểu, hầu hết các DN trên địa bàn Thành phố rất khó khăn, không có đơn hàng mới, chỉ sản xuất cầm chừng trên các đơn hàng cũ có từ trước. Do đó, những DN nào không cắt giảm lao động, vẫn duy trì sản xuất thì có nghĩa là đang rất cố gắng để duy trì sản xuất, giữ người lao động. Đại biểu đề nghị, Chính phủ phải xem xét trên tổng thể những DN đang sử dụng lượng lớn lao động trên các địa bàn để có chính sách và tính toán các loại kinh phí đi kèm cho người lao động mà DN phải đóng trong 6 tháng đầu năm.
Đại biểu Hoàng Văn Hùng phát biểu thảo luận- Ảnh:quochoi.vn |
Theo đại biểu Phạm Đình Toản (Hưng Yên), vấn đề quan trọng đối với DN là chi phí đầu vào và thị trường đầu ra. Trong thực tế, DN nhỏ và siêu nhỏ thường có quan hệ kinh tế nhiều với DN vừa. DN vừa giải quyết vấn đề đầu ra cho DN nhỏ và siêu nhỏ. Do đó, nếu hỗ trợ thì nên hỗ trợ cả đối với DN vừa. Quy định như vậy sẽ hỗ trợ thực sự cho DN, trong đó DN nhỏ sẽ được tối ưu hơn.
Đại biểu cũng cho rằng, theo đánh giá tác động thì NSNN sẽ hụt thu khoảng 22 nghìn tỷ khi giảm thuế cho cả DN nhỏ và vừa. Nhưng trong giai đoạn khó khăn thì số hụt thu này chỉ số tạm tính còn thực tế số DN có lãi sẽ không nhiều, vì vậy tác động là không lớn.
Đ. KHOA