Kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước năm 2013 của tỉnh Hà Nam Kỳ 3: Kết quả bước đầu từ Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 06:25, 18/08/2016

(BKTO) - Cùng với kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước năm 2013 của tỉnh Hà Nam, KTNN đã thực hiện kiểm toán chuyên đề việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) việc làm và dạy nghề (Chương trình) trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm toán cho thấy, việc triển khai Chương trình đã đạt những kết quả bước đầu song còn những bất cập, hạn chế khiến nguồn lực đầu tư cho Chương trình chưa phát huy hết hiệu quả.


Tăng cường năng lực cho hệ thống đào tạo, dạy nghề

Theo báo cáo kiểm toán, tổng vốn và nguồn vốn đầu tư cho CTMTQG việc làm và dạy nghề tại tỉnh Hà Nam giai đoạn 2012-2013 là trên 74,7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương. Bên cạnh đó, một số nội dung của Chương trình còn được kế thừa và tiếp nối từ Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và từ nội dung “Vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm” theo Quyết định 71/2005/QĐ-TTg ngày 5/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ.


Một lớp học trong CTMTQG việc làm và dạy nghề trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Ảnh: TS

Với nguồn vốn trên, tỉnh Hà Nam đã triển khai thực hiện Chương trình trên phạm vi toàn tỉnh từ năm 2012 đến năm 2015, tập trung vào 5 dự án là: Đổi mới và phát triển nghề; Đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; Hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Hỗ trợ phát triển thị trường lao động; Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình. Trong đó kinh phí được bố trí chủ yếu cho Dự án Đổi mới và phát triển nghề và Dự án Đào nghề cho lao động nông thôn, với 71,2 tỷ đồng, chiếm 95,7% tổng kinh phí bố trí cho Chương trình.

Theo đánh giá của KTNN, nhìn chung kinh phí của Chương trình được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, các dự án đã đạt được kết quả theo mục tiêu chung của Chương trình. Cụ thể, Chương trình đã đầu tư xây dựng được phòng học lý thuyết, xưởng thực hành cho các nghề đào tạo; khu ký túc xá, đào tạo bồi dưỡng giáo viên…Trang thiết bị dạy nghề từng bước được đầu tư, mua sắm đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho các nghề trọng điểm quốc gia, phục vụ công tác đào tạo nghề (tại Trường Cao đẳng nghề Hà Nam và trường Trung cấp nghề Công nghệ Hà Nam đã được phê duyệt đầu tư trường có nghề trọng điểm quốc gia gồm 5 nghề: Công nghệ ô tô; cơ điện nông thôn; điện công nghiệp; cơ điện tử; vận hành máy xây dựng).

Cùng với đó, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo nghề ở các trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện cũng đã được đầu tư đi vào hoạt động.

KTNN đánh giá, việc mua sắm trang thiết bị thuộc Chương trình được thực hiện đúng theo quy định hiện hành. Việc mua sắm căn cứ theo nhu cầu cho các nghề, đặc biệt là các nghề trọng điểm để phục vụ công tác dạy nghề ở từng cơ sở dạy nghề. Các đơn vị lập kế hoạch mua sắm trang thiết bị trình Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt và tập trung mua sắm theo từng nghề, thiết bị mua sắm hiện đại, đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu dạy và học, sử dụng hiệu quả.

Báo cáo kiểm toán cũng ghi nhận, trong 2 năm, đã có trên 4.500 lao động nông thôn được đào tạo nghề bằng nguồn kinh phí hỗ trợ từ Dự án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Lao động nông thôn được học nghề đã có một kỹ năng nghề nhất định, một số được các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp nhận vào làm việc (may công nghiệp, hàn điện, điện lạnh…), số còn lại tự tạo việc làm, giải quyết việc làm tại chỗ, áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất, kinh doanh khiến thu nhập, đời sống được nâng cao, ổn định an sinh xã hội.

Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo chiếm 70 - 75%. Cũng trong 2 năm triển khai, Chương trình còn hỗ trợ tạo việc làm thông qua các dự án vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm cho trên 2.700 lao động. Tỷ lệ lao động tìm được việc làm qua hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm năm 2012 là 68%, năm 2013 là 47%.

Ngoài ra, Chương trình đã đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho trên 1.500 lượt cán bộ, công chức xã; trên 1.700cán bộ lao công tác lao động, việc làm và dạy nghề cũng đã được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ.

Cần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư

Bên cạnh những kết quả đạt được, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế trong quản lý, sử dụng kinh phí của Chương trình. Báo cáo kiểm toán nhấn mạnh, việc thực hiện Chương trình vẫn dựa chủ yếu vào nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh chưa bố trí vốn và cũng chưa huy động được các nguồn vốn khác cho Chương trình, đặc biệt là nguồn vốn xã hội hóa từ cá nhân, DN và nguồn viện trợ.

Bên cạnh đó, việc lồng ghép với nguồn vốn các Chương trình khác vẫn còn hạn chế, thiếu tính đồng bộ nên hiệu quả chưa cao. Điển hình như Trường Cao đẳng nghề Hà Nam được đầu tư nhà xưởng thực hành, trang thiết bị dạy nghề nhưng không có ký túc xá và các điều kiện khác phục vụ học viên. KTNN cho rằng, nếu Chương trình được lồng ghép từ nguồn vốn trái phiếu

chính phủ để đầu tư sẽ đồng bộ và hiệu quả hơn.

Đặc biệt, kết quả kiểm toán cũng cho thấy, trong điều kiện nguồn vốn khó khăn, hạn hẹp song vẫn còn những dự án triển khai đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch, thậm chí không triển khai được do không có nhu cầu chi và do việc giao dự toán của Trung ương chưa sát thực tế. Cụ thể, tại Dự án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch đào tạo thấp. Trong giai đoạn 2012-2013, Chương trình mới hoàn thành 35% kế hoạch đào tạo học nghề nông nghiệp và 45% kế hoạch đào tạo học nghề phi nông nghiệp. Năm 2012, Dự án này còn được Sở Nội vụ phân bổ kinh phí 500 triệu đồng nhưng không sử dụng do không có nhu cầu chi.

Tương tự, tại Dự án hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2013 được phân bổ hơn 2 tỷ đồng nhưng thực tế không có nhu cầu chi phải hủy dự toán. Đáng chú ý, việc quản lý, sử dụng trang thiết bị dạy nghề tại Trường trung cấp nghề Công nghệ Hà Nam chưa hiệu quả. Giá trị trang thiết bị được đầu tư giai đoạn 2012-2013 là gần 6 tỷ đồng song đến thời điểm kiểm toán (tháng 5/2014) một số thiết bị dạy nghề vẫn chưa được khai thác sử dụng với tổng giá trị đầu tư 2,7 tỷ đồng.

Từ kết quả kiểm toán, ngoài kiến nghị về xử lý tài chính, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Hà Nam cần quan tâm hơn đến việc thực hiện Chương trình; quan tâm bố trí vốn cho Quỹ Quốc gia về việc làm; có kế hoạch thực hiện lồng ghép với nguồn vốn các chương trình khác trên địa bàn để đạt hiệu quả của Chương trình…

NGUYỄN HỒNG