Ứng dụng hiệu quả hơn các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:15, 15/06/2020
(BKTO) - Những năm gần đây, KTNN luôn chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị cũng như xây dựng các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán. Nhiều phần mềm được đưa vào ứng dụng và mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, yêu cầu đổi mới và hiện đại hóa hoạt động kiểm toán đòi hỏi KTNN phải có các giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả ứng dụng các phần mềm này.
Nhiều phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán được đưa vào ứng dụng và mang lại hiệu quả thiết thực. Ảnh: Thái Anh
Nhiều phần mềm được áp dụng rộng rãi và bước đầu mang lại hiệu quả
Xác định công nghệ thông tin (CNTT) đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động, những năm qua, KTNN đã ban hành một số chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách về phát triển, ứng dụng CNTT của Ngành. Gần nhất, KTNN đã ban hành Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể CNTT giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030 làm cơ sở cho việc triển khai các nhiệm vụ chiến lược về phát triển CNTT năm tiếp theo, trong đó có quy hoạch hệ thống phần mềm phục vụ hoạt động kiểm toán gồm: nhóm phần mềm ứng dụng về kho cơ sở dữ liệu phục vụ kiểm toán, nhóm phần mềm ứng dụng hỗ trợ thực hành kiểm toán, nhóm ứng dụng hỗ trợ quản lý hoạt động kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán.
Hiện nay, nhiều phần mềm đã được áp dụng rộng rãi và hiệu quả trong quá trình kiểm toán. Đơn cử, Phần mềm Tổng hợp kết quả kiểm toán, theo dõi tiến độ và việc thực hiện kiến nghị kiểm toán đã hỗ trợ tốt các đơn vị trong công tác quản lý tiến độ, cập nhật kết quả, theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đặc biệt, Phần mềm đã trợ giúp công tác tổng hợp kết quả kiểm toán chính xác, kịp thời, phục vụ xây dựng báo cáo kiểm toán của Ngành hằng năm. Phần mềm Số hóa và quản lý hồ sơ kiểm toán điện tử đáp ứng các yêu cầu quản lý phức tạp của hồ sơ kiểm toán, thực hiện phân cấp, phân quyền hỗ trợ người dùng sử dụng hệ thống theo đúng vai trò và nhiệm vụ được giao. Phần mềm Nhật ký kiểm toán điện tử đã trợ giúp đắc lực kiểm toán viên (KTV) ghi chép nhật ký kiểm toán, đính kèm các bằng chứng kiểm toán theo quy định về mẫu biểu hồ sơ của KTNN…
Hầu hết cán bộ, KTV có khả năng ứng dụng tốt các phần mềm nội bộ của KTNN, đồng thời đã ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn. Một số đơn vị đã ứng dụng macro để tự động hóa công việc hỗ trợ quá trình kiểm toán. Trong quá trình triển khai xây dựng phần mềm và đưa vào thử nghiệm, các đơn vị luôn có sự phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án CNTT. KTNN cũng đặc biệt chú trọng tới công tác quản trị, điều hành, đảm bảo tính bảo mật, an toàn thông tin trên môi trường mạng.
Tuy vậy, hệ thống phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán vẫn còn thiếu so với nhu cầu. Đặc biệt, chưa có các phần mềm chuyên sâu để hỗ trợ KTV trong thực hành kiểm toán. Bên cạnh đó, mặc dù KTNN đã ban hành nhiều văn bản mang tính tạo dựng cơ chế và chính sách để thúc đẩy ứng dụng CNTT song hệ thống văn bản này chưa có bộ tiêu chí đánh giá kết quả ứng dụng các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán cũng như các quy định về khen thưởng và chế tài xử phạt trong ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán.
Đặc biệt, yêu cầu đổi mới và hiện đại hóa hoạt động kiểm toán đòi hỏi KTNN tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các phần mềm đang áp dụng. Chẳng hạn, Phần mềm Tổng hợp kết quả kiểm toán, theo dõi tiến độ và việc thực hiện kiến nghị kiểm toán cần bổ sung, cập nhật và theo dõi kết quả kiểm toán đối với các đơn vị đối chiếu; bổ sung chức năng cho phép cập nhật dữ liệu từ bảng excel theo định dạng biểu mẫu... Phần mềm Hệ cơ sở dữ liệu đầu mối kiểm toán đôi khi còn kết nối chậm, các biểu upload chỉ cần lỗi nhỏ thì không thể tải lên phần mềm; một số form chưa thu nhỏ theo kích thước khuôn hình nhập liệu, khó thực hiện…
Nâng cao nhận thức, đổi mới cách xây dựng, triển khai ứng dụng, quy định về kiểm tra, giám sát
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả ứng dụng các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán, KTNN cần chú trọng các giải pháp sau:
Trước hết, đề ra các biện pháp, quy định khắt khe và chặt chẽ hơn nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động từ các cấp lãnh đạo, quản lý cho đến đội ngũ KTV trong ứng dụng CNTT nói chung và các phần mềm hỗ trợ kiểm toán nói riêng.
Thứ hai, đổi mới cách tổ chức xây dựng các phần mềm. Để làm tốt công tác này, Ban Quản lý CNTT - đơn vị trực tiếp ký kết hợp đồng với các nhà thầu - cần tham mưu cho lãnh đạo KTNN giao việc chủ trì cung cấp thông tin yêu cầu của người dùng cho một đơn vị có kinh nghiệm, hoạt động bao quát các nội dung. Đơn vị này có trách nhiệm từ đầu đến khi phần mềm được nghiệm thu đưa vào ứng dụng. Bên cạnh đó, KTNN cần thay đổi cách tiếp cận triển khai ứng dụng CNTT từ thuần túy thực hiện các dự án ứng dụng CNTT tại từng đơn vị sang coi việc ứng dụng CNTT là hoạt động chung của toàn Ngành.
Thứ ba, để việc vận hành các phần mềm được tuân thủ một cách nghiêm túc, cần nâng cao trình độ, năng lực cho KTV và đội ngũ chuyên trách CNTT, có quy định về kiểm tra, giám sát thông qua bộ phận chuyên môn là Trung tâm Tin học. Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán hoặc Thanh tra KTNN cần kết hợp kiểm tra việc ứng dụng các phần mềm đã triển khai đối với tất cả các đơn vị. Kết quả kiểm tra phải báo cáo kịp thời cho lãnh đạo KTNN để chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, đồng thời sử dụng kết quả này làm cơ sở cho việc xây dựng và giao kế hoạch kiểm toán trong năm tiếp theo.
Thứ tư, tiếp tục rà soát, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong KTNN; có chính sách bắt buộc ứng dụng CNTT trong toàn Ngành; ban hành quy định về khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích trong ứng dụng CNTT cũng như chế tài xử phạt các đơn vị, cá nhân không hoàn thành chỉ tiêu về ứng dụng CNTT và các phần mềm đã đưa vào sử dụng; xây dựng, đưa vào thực hiện quy trình đánh giá, giám sát thường xuyên hệ thống thông tin của Ngành...
ThS. VÕ HUY CƯỜNG, ThS. NGUYỄN THÁI SƠN
KTNN khu vực I