Thu ngân sách tiếp tục giảm, chi phải giảm tương ứng
Kinh tế - Ngày đăng : 08:30, 15/06/2020
(BKTO) - Năm tháng qua, một số mặt hàng có số thu ngân sách lớn giảm mạnh như: xăng dầu các loại, ô tô nguyên chiếc, thu từ khu vực DNNN, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh; các loại phí, lệ phí... Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo Luật NSNN, trường hợp dự kiến số thu không đạt dự toán thì phải xem xét, điều chỉnh giảm tương ứng một số khoản chi để đảm bảo cân đối NSNN.
Theo Luật NSNN, trường hợp dự kiến số thu không đạt dự toán thì phải xem xét, điều chỉnh giảm tương ứng một số khoản chi để đảm bảo cân đối NSNN. Ảnh minh họa
Bộ Tài chính cho biết, mặc dù sang tháng 5, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh dần khôi phục nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, cùng với các chính sách gia hạn một số khoản thuế, tiền thuê đất nên số thu NSNN tháng 5 đạt thấp.
Tổng thu cân đối NSNN tháng 5/2020 ước đạt 70.400 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa ước đạt 560.500 tỷ đồng; thu từ dầu thô ước đạt 1.500 tỷ đồng, giảm khoảng 1.000 tỷ đồng (âm 40%) so với tháng 4. Mặc dù giá dầu thô thế giới gần đây có xu hướng tăng (giá dầu Brent hiện dao động ở mức 32 - 35 USD/thùng) nhưng do độ trễ trong thanh toán, giá dầu thanh toán bình quân của Việt Nam tháng 5 đạt khoảng 24 USD/thùng, thấp hơn 36 USD/thùng so với giá dự toán. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 12.300 tỷ đồng, giảm khoảng 1.600 tỷ đồng (âm 6,9%) so với tháng trước.
Luỹ kế 5 tháng, tổng thu NSNN ước đạt 577.000 tỷ đồng, bằng 38,2% dự toán, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu nội địa ước đạt 480.500 tỷ đồng, bằng 38% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 đạt 43,5% dự toán); thu từ dầu thô ước đạt 19.840 tỷ đồng, bằng 56,4% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 76.200 tỷ đồng, bằng 36,7% dự toán, giảm 23,4% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm ước đạt 196,8 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có số thu ngân sách lớn giảm như: xăng dầu các loại giảm 48,1%; ô tô nguyên chiếc giảm 44%; sắt thép giảm 15,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 3%...
Trong tổng số thu từ nội địa, có 6/12 khoản thu đảm bảo tiến độ dự toán (đạt trên 41%) nhưng chủ yếu là các khoản thu nhỏ hoặc tiền sử dụng đất (đạt 54,7% dự toán), 6 khoản thu còn lại không đảm bảo tiến độ dự toán và giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, thu từ khu vực DNNN đạt 33,4% dự toán, giảm 15%; thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 37,5% dự toán, giảm 2,6%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 32,4% dự toán, giảm 16,1%; các loại phí, lệ phí đạt 30,9% dự toán, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2019...
Xét theo sắc thuế, số thu ngân sách từ đầu năm đến nay vẫn đang có xu hướng giảm dần như: thuế giá trị gia tăng nộp ngân sách quý IV/2019 bình quân tăng 8% so với cùng kỳ, 3 tháng đầu năm 2020 tăng 3,2%, đến tháng 4 giảm 31,9%, tháng 5 ước giảm 48,6%; thuế tiêu thụ đặc biệt quý IV/2019 tăng 9,5%, 3 tháng đầu năm giảm 2,1%, đến tháng 4 giảm 18,3%, tháng 5 ước giảm 38%; thuế thu nhập DN cũng giảm mạnh từ tháng 4/2020, trong đó, tháng 4 giảm 45,3%, tháng 5 ước giảm 40,3% so với cùng kỳ năm 2019...
Có thể đề xuất điều chỉnh một sốchỉ tiêu ngân sách
Dịch Covid-19 khiến cho tăng trưởng kinh tế đạt thấp; điều này đã tác động kép đến cân đối NSNN, vừa giảm thu vừa phải tăng chi cho các chính sách hỗ trợ người dân và DN.
Theo dự báo sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu tăng trưởng kinh tế (GDP) chỉ đạt khoảng 5,3% (mục tiêu đã đặt ra là 6,8%), giá dầu bình quân cả năm khoảng 30 - 35 USD/thùng thì thu NSNN năm 2020 có khả năng giảm khoảng 130.000 - 150.000 tỷ đồng. Trường hợp dịch Covid-19 kéo dài hơn, tăng trưởng kinh tế sẽ thấp hơn, thu NSNN dự kiến giảm lớn hơn.
Luật NSNN quy định, trường hợp dự kiến số thu không đạt dự toán thì phải xem xét, điều chỉnh giảm tương ứng một số khoản chi để đảm bảo cân đối NSNN. Tuy nhiên, trong điều kiện cần thêm nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế, giảm khó khăn cho DN và người dân trước tác động của dịch bệnh, vẫn phải giữ dự toán chi đầu tư phát triển, các khoản chi chế độ, chính sách cho con người, thậm chí còn tăng chi an sinh xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong điều kiện thu ngân sách dự kiến giảm, chi ngân sách tăng, cân đối NSNN rất khó khăn, giải pháp mà Bộ Tài chính đặt ra nhằm đảm bảo cân đối NSNN là quyết tâm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu NSNN, bao gồm cả nhiệm vụ cổ phần hóa và thoái vốn DNNN.
Bộ Tài chính đã đề xuất các giải pháp cụ thể để các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị sử dụng ngân sách quán triệt thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, cần tiếp tục cơ cấu lại NSNN trên cơ sở đẩy mạnh thực chất hơn nữa nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cắt giảm các nhiệm vụ chi không cần thiết, thực hiện tiết kiệm chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm soát chi tiêu, triệt để tiết kiệm để cắt giảm các nhiệm vụ chi thường xuyên không thực sự cần thiết; các Bộ, ngành, địa phương phải cắt giảm tối thiểu 30% dự toán kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% dự toán kinh phí công tác nước ngoài trong 9 tháng cuối năm 2020...
Cùng với đó, Bộ Tài chính tiếp tục kiên định điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, linh hoạt, kết hợp với chính sách tiền tệ để kích cầu đầu tư và tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tăng cường kỷ luật tài chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép.
Chỉ tiêu tăng trưởng GDP thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi các chỉ tiêu liên quan đến thu ngân sách, bội chi và nợ công. Do đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, trong bối cảnh này, Chính phủ có thể đề xuất Quốc hội điều chỉnh một số chỉ tiêu ngân sách.
THÙY ANH