Thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020: Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra

Xã hội - Ngày đăng : 08:45, 15/06/2020

(BKTO) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, năm 2020 sẽ không tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia như những năm trước mà chỉ tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT. Ngoài mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT thì nhiều trường đại học vẫn sử dụng kết quả của Kỳ thi này để xét tuyển. Do đó, để Kỳ thi diễn ra an toàn, minh bạch, đúng quy chế, công tác thanh tra, kiểm tra được Bộ hết sức coi trọng.



Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ có sự hiện diện thanh tra, kiểm tra của 3 cấp (Bộ, tỉnh, sở) tham gia. Ảnh: TTXVN

Siết chặt thanh tra, kiểm tra từ 3 cấp

Bộ GD&ĐT cho biết, Chính phủ đã giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2020 tại địa phương mình và giao Bộ GD&ĐT phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, bảo đảm tổ chức Kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Theo đó, Kỳ thi năm nay sẽ có sự tham gia của thanh tra cấp tỉnh. Thanh tra cấp tỉnh theo quy định của Luật Thanh tra sẽ hoạt động theo hướng dẫn và chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ (TTCP). Để làm tốt việc này, TTCP sẽ cử đại diện tham gia Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia.

Như vậy, Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có sự hiện diện thanh tra, kiểm tra của 3 cấp (Bộ, tỉnh, sở) tham gia và thực hiện nhiệm vụ ở tất cả các khâu của Kỳ thi. Lực lượng này sẽ phủ kín hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các điểm thi và thực hiện trên nguyên tắc tránh trùng lặp, bảo đảm hiệu quả. Trong đó, bảo đảm tính độc lập ở mọi cấp thanh tra, kiểm tra; xác định rõ trách nhiệm của từng cấp về nội dung, phương pháp, cách thức kiểm tra, thanh tra các khâu của Kỳ thi.

Trao đổi về công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2020, cán bộ, giảng viên đại học không tham gia coi thi, chấm thi nhưng Bộ sẽ huy động lực lượng này để tăng cường thanh tra, kiểm tra ở tất cả các khâu như: chuẩn bị kỳ thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, chấm thi phúc khảo. Bộ GD&ĐT sẽ thể hiện rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc chỉ đạo các trường đại học tham gia công tác thanh tra, kiểm tra. “Phải phân rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, mục tiêu, phương pháp, trách nhiệm của từng cấp thanh tra. Mọi công đoạn của công tác thi đều phải được thanh tra, kiểm tra với yêu cầu rõ nhất, không có khoảng trống, không có điểm mờ. Khi lựa chọn cán bộ thanh tra, các trường đại học phải sàng lọc đảm bảo 100% là người có phẩm chất tốt, tinh thần trách nhiệm cao” - Thứ trưởng Thưởng nhấn mạnh.

Đảm bảo Kỳ thi an toàn,nghiêm túc

Để nâng cao chất lượng hiệu quả cho thanh tra viên khi thực hiện chức năng nhiệm vụ, năm nay, công tác tập huấn cho cán bộ, giảng viên trường đại học và cán bộ các sở GD&ĐT tham gia công tác thanh tra, kiểm tra là khâu được Bộ đặc biệt quan tâm, chú trọng. Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, cơ quan này sẽ hướng dẫn các sở GD&ĐT tổ chức tập huấn thật kỹ, cán bộ, giảng viên đại học được nghiên cứu, tập huấn qua các vòng. Đối với cơ sở giáo dục đại học, cán bộ, giảng viên sẽ được học tập nghiên cứu quy chế thi, tài liệu về thi tại nơi công tác. Khi về địa phương, các sở GD&ĐT tiếp tục tổ chức tập huấn cho các cán bộ, giảng viên theo tài liệu Bộ GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn. Về việc xây dựng tài liệu tập huấn thanh tra, kiểm tra thi năm 2020 cũng có nhiều đổi mới như: xây dựng bài giảng giáo án điện tử (infographic và video) để cán bộ thanh tra hiểu cần làm gì trong Kỳ thi; có cẩm nang trang bị cho cán bộ, giảng viên làm cơ sở thực hiện thanh tra, kiểm tra trong từng khâu.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, việc tổ chức Kỳ thi không chỉ đơn thuần là để công nhận tốt nghiệp THPT mà còn nhiều ý nghĩa quan trọng khác. Do đó, công tác thanh tra, kiểm tra tại Kỳ thi được Bộ hết sức chú trọng, coi đây là một trong những khâu then chốt để đảm bảo an toàn, nghiêm túc cho Kỳ thi. Vì vậy, tất cả cán bộ, giảng viên được chọn làm công tác thanh tra phải được tập huấn kỹ về quy chế thi.

Sau khi tập huấn phải được kiểm tra để xem cán bộ nắm đến đâu, không được tham gia cho có hoặc theo kiểu “đánh trống ghi tên”. Ngoài ra, tới đây, Thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ thanh tra, kiểm tra công tác thực hiện của các địa phương; kiểm tra kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cụ thể. “Đề nghị Thanh tra Bộ khi thanh tra, kiểm tra phải có kết luận để bộ phận chưa làm tròn trách nhiệm phải khắc phục kịp thời; phải thanh tra, kiểm tra từng nội dung và phải có kết luận để điều chỉnh, không phải chỉ nhắc nhở rồi để đấy” - Bộ trưởng Nhạ lưu ý.

Để Kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, công khai minh bạch, nhiều ý kiến đề xuất, Bộ GD&ĐT cần tăng cường vai trò giám sát Kỳ thi của cả hệ thống chính trị, tăng số lượng cán bộ thanh tra cắm chốt tại từng điểm coi thi, điểm chấm thi; nên tính đến việc xem xét thành lập tổ thanh tra, kiểm tra công tác Kỳ thi ngay mỗi điểm thi có đại diện trường phổ thông, sở GD&ĐT, công an và trường đại học, trong đó, cán bộ của trường đại học phải giữ nhiệm vụ tổ trưởng điều phối chung. Ngoài ra, các đoàn thanh tra lưu động của Bộ GD&ĐT cũng cần tăng số lượng và đổi mới cách thức, nội dung thanh tra, kiểm tra trong tất cả các khâu của Kỳ thi để sớm phát hiện, ngăn chặn tiêu cực nếu có.

Mặt khác, tăng cường thanh tra, giám sát với sự tham gia của lực lượng thanh tra chuyên môn ngoài ngành giáo dục là điều cần thiết và chắc chắn mang lại hiệu quả cao.

LÊ HÒA