Phát triển kinh tế ban đêm
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:55, 15/06/2020
(BKTO) - Kinh tế ban đêm (Night Time Economy - NTE) được hiểu là các hoạt động kinh doanh dịch vụ từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, bao gồm: ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm.
Kinh tế ban đêm tại London hiện mang lại 723.000 việc làm, bằng 1/8 tổng số lao động của Thành phố. Ở New York, năm 2018, hoạt động kinh doanh ban đêm của các nhà hàng mang lại 12 tỷ USD và tạo ra 141.000 việc làm, riêng các quán bar đã thu về 2 tỷ USD. Các cơ sở nghệ thuật, từ bảo tàng, phòng tranh, cho đến sân khấu kịch, tạo ra hơn 18.000 việc làm và thu về 3,1 tỷ USD, tức mỗi đêm, New York thu về hơn 8 triệu USD từ trình diễn và triển lãm nghệ thuật. Nếu tính cả ngành thể thao, bar và ẩm thực, tổng cộng New York thu 19 tỷ USD mỗi năm nhờ NTE. Tại Sydney, NTE mỗi năm tạo ra 234.000 việc làm, với doanh thu 27,2 tỷ USD và mang lại 102 tỷ USD. Kinh tế ban đêm đóng góp 6% GDP của Anh và 4% GDP của Australia.
Trong khi ở nhiều “cường quốc du lịch”, kinh tế ban đêm mang lại giá trị lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, giá trị thặng dư và thu hút ngoại tệ thì ở Việt Nam, dù lượng du khách quốc tế tăng đều hằng năm nhưng doanh thu du lịch và mức chi tiêu của khách còn thấp so với các nước trong khu vực. Theo Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), trung bình du khách đến Việt Nam chi 96 USD/ngày, trong khi Thái Lan là 163 USD/ngày và Singapore là 325 USD/ngày mà một phần là do Việt Nam gần như chưa khai thác kinh tế ban đêm. Rõ ràng, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch gắn với kinh tế ban đêm như dân số trẻ tập trung tại các thành phố lớn, tài nguyên du lịch phong phú, các yếu tố văn hóa - nghệ thuật, ẩm thực đặc sắc; mức độ hội nhập cao; thời tiết dễ chịu về đêm… song lại tồn tại nhiều hạn chế cho phát triển kinh tế đêm như hạ tầng còn thiếu và yếu, dịch vụ chưa chuyên nghiệp, cơ chế, chính sách chưa tương ứng, sự e ngại nảy sinh phức tạp về trật tự, an ninh...
Theo khảo sát của các chuyên gia nước ngoài, doanh thu sản phẩm dịch vụ du lịch ban ngày chỉ chiếm 30%, trong khi 70% còn lại nằm ở khung giờ đêm nhưng sản phẩm, dịch vụ về đêm của Việt Nam lại quá ít. Theo Bộ Công Thương, phát triển kinh tế đêm đã hình thành tại Việt Nam, nhưng mới chỉ xuất hiện manh mún tại một số đô thị và các trung tâm du lịch lớn, chưa định hình thành một khu vực kinh tế có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, chưa có báo cáo, thống kê cụ thể về đóng góp của kinh tế đêm vào phát triển kinh tế xã hội.
Để phát triển NTE, trước hết, các cấp, các ngành cần thay đổi tư duy, hoàn thiện cơ chế, xây dựng chính sách, khung khổ pháp lý phù hợp, quy hoạch khu vực phát triển kinh tế ban đêm, tăng cường năng lực quản lý, khai thác nguồn lực tài nguyên, tri thức, tài chính, ứng dụng công nghệ, hợp tác khu vực công và tư nhân… Việc thúc đẩy kinh tế ban đêm có trọng điểm, có lựa chọn sẽ tạo điều kiện để du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại thu nhập lớn cho nền kinh tế. Kinh tế ban đêm chỉ phát triển khi có kế hoạch, chính sách, sự chỉ đạo thống nhất, đầu tư bài bản các khu vực riêng, được quy hoạch dài hạn và phát triển hạ tầng điện, nước, có kết nối giao thông công cộng, mạng lưới quản lý dịch vụ an ninh, an toàn. Các khu vực vui chơi giải trí về đêm cần quy hoạch đồng bộ, chọn lựa các DN uy tín, có kinh nghiệm thực hiện đi đôi với phát triển dịch vụ giao thông công cộng phù hợp, hợp pháp hóa kéo dài thời gian mở cửa các địa điểm tham quan, biểu diễn nghệ thuật...
Kinh tế ban đêm còn đòi hỏi có cơ chế thích hợp quản lý cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, nước, xăng dầu, bia rượu, đồ uống cao cấp, thuốc lá... đi đôi với bộ máy quản lý các tệ nạn xã hội, chống hàng giả, hàng trốn thuế, cũng như đảm bảo an ninh, an toàn đô thị.
Đặc thù kinh tế đêm là tập trung đô thị lớn nên cần phân cấp cho chính quyền địa phương trong quy hoạch và phát triển kinh tế đêm tại địa phương. Tuy nhiên, Chính phủ cần sớm ban hành khung pháp lý đầy đủ về phát triển kinh tế ban đêm từ quy hoạch chung, loại hình dịch vụ, thời gian, địa điểm, đối tượng tham gia… đến điều kiện tiêu chuẩn về tiếng ồn, ánh sáng, xa khu dân cư, bệnh viện, trường học, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước để giảm thiểu phát sinh tệ nạn xã hội và hoạt động tội phạm.
Tóm lại, kinh tế ban đêm là bộ phận tất yếu của nền kinh tế do thực hiện nguyên tắc sử dụng tốt nhất các nguồn lực để tạo ra sản phẩm hàng hóa cho xã hội, từ thời gian, không gian đến cơ sở hạ tầng và sức lao động. Đối với du lịch, kinh tế ban đêm càng có ý nghĩa quan trọng đặc biệt vì đó là công cụ hữu hiệu để du khách đến nhiều hơn, ở lại lâu hơn và tiêu tiền nhiều hơn.
TS. VŨ ĐÌNH ÁNH
Chuyên gia Kinh tế