Tổng KTNN Hồ Đức Phớc: Không nên kiểm toán nhiều gây khó khăn cho doanh nghiệp
Đối nội - Ngày đăng : 19:50, 15/06/2020
(BKTO) - Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội sáng 15/6 về việc kiểm toán các dự án PPP, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc cho rằng, chỉ nên kiểm toán khi công trình hoàn thành, chuẩn bị quyết toán; không nên kiểm toán nhiều quá gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN).
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc |
PV: Thưa ông, vai trò của KTNN trong kiểm toán các dự án đầu tư theo phương thức hợp tác đối tác công - tư (PPP) là vấn đề được tranh luận nhiều trong dự thảo Luật Đầu tư PPP. Xin ông cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc: KTNN phải có trách nhiệm kiểm toán các dự án PPP do Nhà nước có chủ trương đầu tư và khi Nhà nước nhận bàn giao lại thì đó chính là tài sản nhà nước.
KTNN có thể kiểm toán trước, trong và sau quá trình thực hiện. Chẳng hạn kiểm toán dự toán xem có đúng không, kiểm toán quyết toán công trình để tính giá trị từ đó xác định mức thu phí, hay kiểm toán khi tài sản được bàn giao lại cho Nhà nước sau khi sử dụng. Có kiểm toán mới xác định được tính tuân thủ của pháp luật và giá trị công trình mà nhà đầu tư hoàn thành.
Đó cũng là cơ sở xác định việc thu hồi vốn cho nhà đầu tư, đảm bảo công khai minh bạch để mọi người giám sát, tránh gây thiệt hại cho ngân sách.
PV: Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng, đây là dự án thực hiện bằng vốn tư nhân thì vì sao KTNN lại kiểm toán?
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc: Đây là do tư duy từ lý do nguồn vốn. Nguồn vốn thì có một phần vốn công, một phần vốn tư, nên họ đứng trên quan điểm nguồn vốn để nói chỉ nên kiểm toán vốn nhà nước thôi. Nhưng công trình đó là công trình công thì phải kiểm toán.
PV: Thực tế từ các dự án cao tốc Bắc Nam cho thấy rất khó khăn trong thu hút PPP, nếu còn KTNN tham gia nữa thì liệu có làm nhà đầu tư thêm e ngại ?
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc: Nếu làm đúng thì không việc gì phải e ngại. Mọi người đều phải công khai minh bạch. Nếu kiểm toán phát hiện ra một vấn đề sẽ yêu cầu giải trình, nếu giải trình đúng thì kết luận đúng, đây cũng là dân chủ trong thực hiện. Người dân hay Nhà nước đều cần minh bạch, nếu làm đúng thì không sợ gì.
Thực tế, qua kiểm toán 60 dự án PPP vừa qua đã giảm gần 300 năm thu phí. Điều này cho thấy rằng, nếu không kiểm toán thì không thu hồi được các dự án đã thu vượt, không giảm được thời gian thu phí.
PV: Vậy trong cả quá trình thực hiện dự án, theo ông nên chú trọng kiểm toán ở giai đoạn nào? Có nên kiểm toán ngay từ giai đoạn đầu khi chuẩn bị dự án để tránh các thiệt hại sau này hay không?
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc: Theo tôi chỉ cần kiểm toán một lần, sau khi hoàn thành công trình, nghiệm thu, bàn giao để định giá thu phí hay trả tài sản công lại cho Nhà nước. Lúc đó cần kiểm toán để đánh giá việc tuân thủ pháp luật, đánh giá giá trị để định mức thu, thời gian thu phí.
Kiểm toán giai đoạn đầu vẫn có thể làm được. Chẳng hạn kiểm toán dự toán và các thủ tục chuẩn bị đầu tư để xem có tuân thủ pháp luật không, dự toán đúng không. Tuy nhiên nội dung này không nhiều và gây khó khăn cho DN. Tôi nghĩ là chỉ nên kiểm toán khi công trình hoàn thành, chuẩn bị quyết toán, không nên kiểm toán nhiều quá gây khó khăn cho DN.
PV: Một trong các giải pháp Chính phủ có nêu năm 2020 là sẽ cắt giảm bớt thanh tra, kiểm toán. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc: Năm 2020, KTNN đã cắt giảm 35% cuộc kiểm toán so với năm 2019. Vừa qua, khi dịch Covid-19 xảy ra, KTNN đã thực hiện nhiều biện pháp như giảm đầu mối, không thực hiện đối chiếu thuế… để tạo điều kiện cho DN.
PV: Cắt giảm số cuộc kiểm toán thì liệu có đáp ứng được chất lượng hay không, có lo xảy ra sơ hở hay không, thưa ông? Còn việc giảm đầu mối thì đây là kế hoạch Quốc hội đã thông qua?
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc: Tuy cắt giảm số cuộc nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng bằng việc chọn mẫu, chọn điểm trọng yếu, những vấn đề quan trọng, nhạy cảm thì vẫn phải giữ lại. Chất lượng kiểm toán vẫn được đảm bảo, tăng cường.
Ví dụ như không chỉ tăng thu cho ngân sách mà phải đánh giá một cách đúng đắn, xác định đúng, có kiến nghị đúng và đặc biệt là xác định được, bịt được lỗ hỗng có khả năng gây ra thất thoát, kiến nghị hoàn thiện chính sách, kiến nghị siết chặt kỷ luật kỷ cương về mặt tài chính.
Về các đầu mối, thẩm quyền quyết định là do Tổng KTNN quyết định sau khi có ý kiến của Quốc hội. Việc giảm đầu mối cũng không có nghĩa là giảm các cuộc kiểm toán, mà là giảm các đối tượng liên quan, các DN, các đơn vị trực thuộc. Còn vấn đề cốt lõi vẫn phải giữ để thực hiện. Đồng thời, KTNN cũng thực hiện nghiêm chỉ thị Thủ tướng về thực hiện giãn cách xã hội.
PV: Làm thế nào KTNN xác định những lỗ hổng có khả năng gây ra thất thoát, thưa ông?
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc: Chúng tôi có hệ thống chuẩn mực kiểm toán với 40 chuẩn mực để căn cứ vào đó, đồng thời, có các phương pháp, quy trình. KTNN có quy trình lựa chọn trọng yếu và rủi ro trong quá trình kiểm toán, căn cứ vào đó để xác định chỗ nào cần đi sâu, cần tập trung.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Thoibaotaichinh.vn