Chính sách phải nhất quán, quyết định phải nhanh chóng, kịp thời
Đối nội - Ngày đăng : 20:05, 15/06/2020
(BKTO) - Đây là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình KT-XH và quyết toán ngân sách nhà nước, chiều 15/6.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP/ Lê Sơn. |
6 bài học kinh nghiệm trong chống dịch và điều hành kinh tế
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ngay từ khi dịch COVID-19 xảy ra, chúng ta đã sớm nhận thức đúng, có đối sách phù hợp, kịp thời hành động quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả để đến hôm nay tròn 60 ngày chúng ta khống chế thành công và không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng, góp phần duy trì ổn định chính trị-xã hội, kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an ninh, trật tự xã hội. Có thể nói Việt Nam đã thực hiện khá thành công nhiệm vụ kép đó là vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, vừa duy trì được sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội. Qua đó có thể đúc rút ra 6 bài học kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, đó là sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn, quyết liệt, kịp thời, chính xác của Đảng và Nhà nước cùng với sự quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành các cơ quan chức năng trong triển khai thực hiện.
Thứ hai, chúng ta tạo được sự đồng to thuận cho lớn trong nhân dân và tạo được niềm tin mạnh mẽ với Đảng và Nhà nước, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nhân ái của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, góp phần xây dựng các giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc Việt Nam
Thứ ba, nhanh chóng kiểm soát, hạn chế tối đa các thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra và đó cũng là hỗ trợ cho tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế, ổn định xã hội và nhanh chóng chuyển sang giai đoạn phục hồi nền kinh tế và các doanh nghiệp duy trì hoạt động từ mức cầm cự nay đã chuyển sang phục hồi và phát triển.
Thứ tư, những tác động của dịch bệnh đã chỉ rõ ra được những tồn tại, hạn chế về nội tại của nền kinh tế nước ta và đó cũng là cơ hội để chúng ta thúc đẩy cải cách mạnh mẽ tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng phù hợp với tình hình mới.
Thứ năm, chúng ta đã đánh giá đúng, chính xác thực lực của các doanh nghiệp trong nước để từ đó đưa ra những chính sách, giải pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp, cơ cấu lại, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và quản trị đủ sức cạnh tranh, đáp ứng được các tiêu chuẩn và đủ sức tham gia các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất toàn cầu mới.
Thứ sáu, với nhận thức mới, xu hướng mới về đầu tư gắn với mục tiêu phân tán rủi ro, lựa chọn địa điểm đầu tư mới, thỏa mãn các điều kiện về môi trường chính sách, ổn định về khoa học công nghệ và môi trường sinh thái và các dịch vụ y tế an toàn thì đây là cơ hội vàng để Việt Nam thu hút hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc theo đúng định hướng của chúng ta, góp phần hỗ trợ cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tạo ra các động lực tăng trưởng mới của đất nước, phù hợp với sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước và tham gia các chuỗi giá trị mới, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế đất nước.
Chủ động điều hành chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
Về một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Về định hướng, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ năm 2020. Trước những khó khăn, thách thức, tồn tại và diễn biến khó lường của dịch bệnh, quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 777 ngày 5/6/2020 Chính phủ đã trình Quốc hội trước mắt chưa điều chỉnh các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội năm 2020. Chính phủ sẽ chủ động điều hành các chính sách để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống, nhất là đối với người lao động, đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh. Chủ động điều hành và điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn. Chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn theo ngân sách Trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong tổng mức vốn ngân sách Trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định. Phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.
Yêu cầu quan trọng nhất đặt ra hiện nay là cần duy trì, củng cố nền tảng ổn định vĩ mô, bảo đảm an toàn, an ninh trên tất cả các khía cạnh của nền kinh tế, nhất là an toàn xã hội, an toàn dịch bệnh, an ninh tài chính, tiền tệ, phản ứng chính sách nhanh nhạy, kịp thời, chính xác nhằm chớp lấy thời cơ thuận lợi và nắm bắt, tận dụng được các cơ hội để phục hồi và phát triển.
Theo đó, cần phải kết hợp hài hòa giữa các giải pháp ngắn hạn và dài hạn, tập trung hỗ trợ ngay cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước vượt qua khó khăn, giảm thiểu việc phá sản các doanh nghiệp hoặc bị nước ngoài thâu tóm với giá rẻ. Nâng cao năng lực cạnh tranh và đủ sức tham gia được chuỗi giá trị, tận dụng cơ hội sau khi các Hiệp định Thương mại tự do có hiệu lực, chiếm lĩnh thị trường trong nước và khẩn trương rà soát, điều chỉnh, cơ cấu lại nền kinh tế, có tính đến những yếu tố mới trong bối cảnh mới. Đẩy nhanh đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược, đặc biệt tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế số, đầu tư cho an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu v.v...
Hỗ trợ tăng trưởng, chuyển từ trạng thái cầm cự sang phục hồi, phát triển
Về dự báo tình hình và khả năng tăng trưởng kinh tế năm 2020, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, hiện tại quốc tế đã đưa ra các dự báo khác nhau về tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam và thế giới. Mức độ chính xác và tính khả thi của mỗi dự báo phụ thuộc vào các biến số kinh tế-xã hội, thời điểm kết thúc đại dịch COVID-19 và khả năng sản xuất được vaccine và thuốc điều trị đặc trưng. Theo dự báo chung, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tăng trưởng dương, đây là một dự báo tích cực đối với nền kinh tế nước ta, phản ánh hiệu quả các chính sách của ta trong thời gian qua là nhanh chóng kiểm soát, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra, cũng là để hỗ trợ cho tăng trưởng góp phần nhanh chóng chuyển từ trạng thái cầm cự sang phục hồi và phát triển.
Tại Kỳ họp thứ 9 này, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội xem xét thông qua các giải pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, theo đó sẽ có nhiều giải pháp mạnh hơn hướng tới hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên việc cần làm hiện nay của các cấp, các ngành là tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn các giải pháp đã đề ra, đồng thời tổ chức theo dõi, đánh giá hiệu quả từng giải pháp để từ đó đề xuất điều chỉnh, cần thiết cải cách hành chính mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay trong hoạt động của các doanh nghiệp.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để đón làn sóng hợp tác đầu tư nước ngoài mới trên tinh thần quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 50. Tận dụng cơ hội về vị thế, uy tín và hình ảnh đất nước Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ trong thời gian vừa qua, được quốc tế quan tâm.
Các Bộ, ngành, địa phương cần có hành động cụ thể
Hiện nay, Việt Nam đang trở thành một điểm đến an toàn cho đầu tư, thương mại và du lịch. Tuy nhiên, để đón nhận được làn sóng đầu tư mới, nhất là thu hút được các tập đoàn lớn, các nhà đầu tư lớn, có rất nhiều việc cần phải làm, đặc biệt là cải cách mạnh mẽ, thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuẩn bị tốt các điều kiện về hạ tầng, đất đai, lao động, năng lượng, quy hoạch. Chính sách phải ổn định nhất quán, các quyết định phải nhanh chóng, kịp thời. Bên cạnh đó cũng cần lựa chọn những dự án phù hợp với định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị và theo đó những dự án phải có sức lan tỏa, gắn kết và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ được tham gia vào các chuỗi giá trị của các doanh nghiệp mới.
Các Bộ, ngành, địa phương cần có hành động cụ thể với tinh thần chủ động hơn để tranh thủ sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư. Trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia lớn, có công nghệ cao và đứng đầu các chuỗi cung ứng chuỗi giá trị. Đồng thời cũng cần phải xem các nhà đầu tư cần gì để trao đổi, hợp tác, đáp ứng được các điều kiện mà họ mong muốn, mang lại những lợi ích cho cả hai phía trong bối cảnh các nước khác cũng đang cạnh tranh gay gắt, quyết liệt để thu hút dòng đầu tư này nên Việt Nam cần phải có các chính sách ưu đãi kịp thời, mang tính cạnh tranh hơn để bảo đảm thu hút được đầu tư có chọn lọc như chúng ta mong muốn.
Về đầu tư công, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự đồng tình về các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công có vai trò quan trọng, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong điều kiện hiện nay. Kết quả giải ngân đầu tư công của 5 tháng đầu năm cho thấy có xu hướng tích cực và cao hơn so với cả cùng kỳ.
Sớm hoàn thành các dự án, nhất là các dự án hạ tầng quan trọng của đất nước phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặt khác đầu tư công cũng cần phải có những kế hoạch và phải đi trước một bước so với thực tiễn của công tác thu chi ngân sách nhà nước để chuẩn bị tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Theo baochinhphu.vn