Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó sau đại dịch
Đối nội - Ngày đăng : 08:05, 23/06/2020
(BKTO) - Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc ban hành Nghị quyết nhằm hỗ trợ kịp thời giúp DN vượt qua khó khăn, củng cố sản xuất kinh doanh.
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Cân nhắc về tiêu chí hỗ trợ
Thời gian qua, do dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN bị đình trệ, nhất là nhiều DN có quy mô nhỏ đã phải thu hẹp hoặc tạm ngừng hoạt động, tác động không nhỏ đến nền kinh tế và việc thực hiện các mục tiêu năm 2020. Vì vậy, để hỗ trợ các DN có quy mô nhỏ - là các đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét hỗ trợ giảm 30% thuế TNDN phải nộp cho các DN có quy mô nhỏ đáp ứng tiêu chí có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.
Thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế TNDN như Tờ trình của Chính phủ, nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các DN trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, sự hỗ trợ này là kịp thời, đầy tính nhân văn, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri là DN nhỏ, hợp tác xã và các đơn vị kinh tế nhỏ khác, phù hợp với các quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa ban hành năm 2017. Còn theo Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), khi dịch Covid-19 xảy ra, không có một DN nào là không chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, các DN lớn thường có sức đề kháng tốt hơn, do đó, việc áp dụng chính sách giảm thuế TNDN phải nộp năm 2020 đối với DN có quy mô nhỏ là đúng đắn và cần thiết.
Đề cập đến tiêu chí hỗ trợ, Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) đề nghị cân nhắc bỏ điều kiện áp dụng tiêu chí về lao động (dưới 100 lao động) để thực hiện chính sách giảm thuế. Bởi, trong điều kiện dịch bệnh hết sức khó khăn như hiện nay, những DN đang cố gắng nỗ lực để giữ được việc làm cho người lao động là rất đáng trân quý. Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cũng cho rằng, xét theo tiêu chí này, DN có doanh thu 50 tỷ đồng mà lao động nhiều hơn 100 không được hưởng hỗ trợ là không hợp lý.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhấn mạnh, hỗ trợ DN chính là hỗ trợ nền kinh tế. Bản chất và mục tiêu cuối cùng của việc hỗ trợ DN là hướng tới hỗ trợ công ăn việc làm, cho sinh kế của người dân, vì DN nhỏ và vừa là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất. Theo Đại biểu, khu vực DN nhỏ và vừa rất nhạy cảm, dễ bị đóng cửa nhưng khôi phục cũng rất nhanh và mở rộng quy mô cũng rất nhanh. Cho nên, muốn phục hồi kinh tế thì kích vào khu vực này là hiệu quả nhất. Tuy nhiên, không nên kết hợp 2 tiêu chí về lao động và doanh thu mà chỉ cần DN đáp ứng một trong hai tiêu chí trên là đủ điều kiện hưởng hỗ trợ.
Cần thêm các gói hỗ trợ cho những lĩnh vực có tiềm năng
Bên cạnh việc tập trung hỗ trợ cho nhóm đối tượng DN nhỏ và vừa, Đại biểu Vũ Tiến Lộc cùng một số đại biểu đề nghị cần hỗ trợ cho một số ngành và lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19 song là lĩnh vực có tiềm năng phát triển nhất. Khi thúc đẩy phát triển lĩnh vực này sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong tương lai và bảo vệ chủ quyền của nền kinh tế Việt Nam. Bởi rất nhiều các DN lớn, các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, các dự án lớn đang rất khó khăn và có thể đứng trước nguy cơ rình rập của tình trạng mua bán, sáp nhập DN. “Nếu chúng ta không cứu họ, không hỗ trợ họ thì trong tương lai, nền kinh tế của chúng ta, khu vực DN tư nhân của chúng ta còn nắm được những lĩnh vực kinh tế trọng yếu hay không hay sẽ nằm trong tay các DN nước ngoài” - Đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu vấn đề.
Từ thực tế trên, Đại biểu đề nghị cần phải có ngay một phương án hỗ trợ cho các ngành kinh tế trọng điểm, có tiềm năng và đang gặp khó khăn (du lịch, hàng không…) như: giãn, hoãn các khoản phải nộp, đưa ra các gói tín dụng trung và dài hạn cho lĩnh vực này. “Không phải chi cho DN là Nhà nước mất đi mà chi là để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo nguồn thu lớn hơn trong tương lai. Chúng ta đã khống chế rất thành công nợ công và đây là thời gian chúng ta có dư địa để thực hiện chính sách tài khóa ngược, có thể tăng nợ công để phục hồi nền kinh tế” - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất.
Nhìn nhận việc giảm thuế TNDN phần nhiều mang tính động viên, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) cho rằng, cái mà DN khó khăn cần lúc này là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Đại biểu đề nghị các Bộ, ngành và Chính phủ nên có thêm gói hỗ trợ khác như hỗ trợ cho Quỹ Tín dụng bảo lãnh DN nhỏ và vừa, tăng thêm vốn cho Quỹ để tăng liều lượng bảo lãnh cho các DN tiếp cận vốn vay. Bên cạnh đó, Chính phủ cần quan tâm, tăng hỗ trợ cho 26.000 DN đang tạm ngừng hoạt động để DN đủ sức vượt qua khó khăn, trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh. “Trong 4 năm vừa rồi, chúng ta giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kéo giảm được bội chi ngân sách, chính sách tài khóa hết sức chặt chẽ và hiệu quả, cho nên đã giảm sâu nợ công xuống chỉ còn 54,7%. Dư địa này cho phép Chính phủ trình ra Quốc hội thêm những gói hỗ trợ để giữ cho được DN, nhất là những DN đang có thương hiệu. Chúng ta phải dùng nhiều giải pháp chứ không phải chỉ có hỗ trợ thuế” - Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu.
Phản hồi ý kiến đại biểu Quốc hội về việc hạn chế hoạt động thanh tra, kiểm toán, tạo thuận lợi cho DN, Đại biểu Quốc hội, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết: Hiện nay, KTNN đang triển khai các hoạt động kiểm toán theo kế hoạch. Tuy nhiên, KTNN cũng cân nhắc giảm thời gian kiểm toán, cân nhắc các nội dung, phạm vi kiểm toán trong điều kiện các địa phương đang tiến hành đại hội đảng các cấp cũng như tình hình dịch Covid-19. Trên tinh thần đó, KTNN đã có Văn bản gửi đến các địa phương, trong đó nêu rõ là năm 2020, KTNN hạn chế tối đa việc đối chiếu thuế ở các DN và chỉ kiểm toán tổng hợp tại cục thuế hoặc chi cục thuế. |
Đ.KHOA