Thu phí rác thải theo khối lượng: Đảm bảo sự công bằng và giảm gánh nặng cho ngân sách

Đối nội - Ngày đăng : 08:05, 24/06/2020

(BKTO) - Đề xuất đáng chú ý tại Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là vấn đề thu phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải dựa theo khối lượng thay vì tính bình quân đầu người hay hộ gia đình như hiện nay. Giới chuyên gia nhận định, đề xuất này là đúng hướng và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.



Việc thu phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo khối lượng là cần thiết và đúng hướng. Ảnh: P.Tuân

Yêu cầu từ thực tiễn

Theo Đánh giá công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải công nghiệp nguy hại năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, mức thu phí rác thải tại Việt Nam mới chiếm khoảng 0,5% thu nhập trung bình của hộ gia đình, trong khi quốc tế đề xuất mức phí chi trả chiếm từ 1 - 1,5% thu nhập trung bình của các hộ gia đình. Bên cạnh đó, tỷ lệ thu phí xử lý rác hằng năm tại các địa phương đạt thấp. Đơn cử, mức thu phí tối đa hằng năm tại 4 quận nội thành Hà Nội (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng) là 103,35 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, doanh thu thực tế tại 4 quận này chỉ là 65.817 triệu đồng/năm, tương đương 64%.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường Phan Tuấn Hùng thừa nhận, thực tế, việc thu phí xử lý chất thải sinh hoạt ở Hà Nội và TP. HCM hiện nay theo hình thức hộ gia đình hay đầu người mới chỉ mang tính chất hỗ trợ, còn kinh phí xử lý rác gần như vẫn dựa chủ yếu vào ngân sách.

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - PGS,TS. Phùng Chí Sỹ - cũng cho rằng, lâu nay, phí rác thải sinh hoạt được thu theo hộ gia đình mà không quan tâm gia đình đó có bao nhiêu người, xả rác nhiều hay ít. Cách thu này đơn giản, dễ làm nhưng không công bằng, không khuyến khích người dân giảm phát thải rác sinh hoạt.

Thêm vào đó, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thượng Hiền, việc phân loại rác thải tại nguồn dù đã được triển khai ở một số địa phương nhưng kết quả không được như mong đợi do chưa có cơ chế khuyến khích hay động lực kinh tế thúc đẩy người dân thực hiện.

Ông Hiền cho biết, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang trình Quốc hội cho ý kiến. Trong đó, nội dung quản lý chất thải rắn dự kiến thay đổi theo hướng thu phí xử lý rác thải dựa trên khối lượng, người xả nhiều rác phải trả nhiều tiền. Dự thảo Luật khuyến khích phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành 5 nhóm: chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm - chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.

Giới chuyên gia cho rằng, việc sử dụng nguyên tắc chi trả theo mức độ tác động tới môi trường là hoàn toàn phù hợp với xu hướng của các đô thị văn minh.

Quan trọng là truyền thôngchính sách và hướng dẫnthực hiện

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, trước khi áp dụng thu phí xử lý chất thải theo khối lượng vào năm 1995, nước này đã có giai đoạn chuẩn bị, nghiên cứu tính khả thi rất kỹ lưỡng. Hoạt động thí điểm được thực hiện năm 1994 tại một số quận ở Seoul. Việc làm này thực sự đã thay đổi nhận thức và hành vi của công chúng về chất thải. Từ thực tiễn của quốc gia phát triển này, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Kim In Wan - người đã 7 năm nghiên cứu thực trạng rác thải ở Việt Nam và là cố vấn xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) - khẳng định, nếu khởi động từ bây giờ, Việt Nam có thể thu phí rác thải theo khối lượng trong 5 năm tới.

Theo PGS,TS. Phùng Chí Sỹ, về nguyên tắc, muốn giảm phát thải rác sinh hoạt, các nước thường “đánh” vào kinh tế - tính phí rác thải cao lên, thải nhiều rác thì trả nhiều tiền, thậm chí tính lũy tiến. Bản thân luật pháp các nước cũng xử phạt rất nặng nếu không phân loại rác nên buộc người dân phải thực hiện nghiêm túc. Ông Sỹ khuyến nghị, để quy định này có thể đi vào cuộc sống, sau khi Quốc hội thông qua, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Khi người dân nhận thức được lợi ích, họ sẽ tự giác nộp tiền.

GS,TSKH. Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM - lưu ý, quan trọng nhất là quá trình thực hiện phải đơn giản, dễ làm, đảm bảo công bằng, bịt được các lỗ hổng, tránh tình trạng tuân thủ chưa nghiêm các quy định của pháp luật hoặc lợi dụng chính sách để trục lợi.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) chỉ quy định nguyên tắc, còn cách thức thu phí rác thải sinh hoạt cụ thể sẽ được hướng dẫn bằng nghị định, thông tư. Dẫn thực tế Hàn Quốc phải mất 10 năm để thực hiện thu phí rác thải theo khối lượng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Để làm được điều này, cần phải có giải pháp đồng bộ ở các khâu, từ phân loại đến thu gom, xử lý. Quan trọng hơn, người dân có nhận thức đầy đủ, nếu họ ủng hộ và trực tiếp làm thì sẽ thành công. Nhà nước sẽ đảm bảo các điều kiện để khi người dân tham gia vào quá trình này cũng được thụ hưởng lợi ích. Gắn với đó là tuyên truyền, giám sát và chế tài xử lý vi phạm”.

Các chuyên gia môi trường đồng quan điểm rằng, việc thu phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo khối lượng là cần thiết và đúng hướng. Tuy nhiên, điều quan trọng là truyền thông chính sách, giúp người dân dễ hiểu, dễ làm. Để thay đổi thói quen phân loại rác tại nguồn, ngoài tuyên truyền, Nhà nước cần có những chính sách, cơ chế khuyến khích người dân thực hiện. Chỉ như vậy mới đảm bảo sự bình đẳng theo nguyên tắc người gây ô nhiễ̃m phải trả tiền, giảm thiểu tình trạng NSNN lâu nay đang bù lỗ cho dịch vụ công này, đồng thời, tạo ý thức phân loại rác tại nguồn - một tiền đề giúp rác thải trở thành tài nguyên!.

HỒNG NHUNG