Đã đến lúc khuyến khích doanh nghiệp FDI lên sàn
Kinh tế - Ngày đăng : 08:50, 24/06/2020
(BKTO) - Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang được định vị lại giai đoạn hậu Covid-19, việc cho phép các DN FDI niêm yết trên các sàn chứng khoán không chỉ tăng tính đa dạng hàng hóa cho thị trường mà còn góp phần giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.
Việc cho phép các DN FDI niêm yết trên các sàn chứng khoán góp phần giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư. Ảnh: TTXVN
Thời điểm chín muồi
Việt Nam thực hiện thí điểm cho phép các DN FDI niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2003. Tuy nhiên đến thời điểm này, mới có khoảng 10 DN FDI niêm yết. Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) cho biết, hiện nay, mặc dù một số DN FDI đã chuyển đổi thành công sang công ty cổ phần nhưng Việt Nam vẫn chưa có các quy định pháp lý cụ thể về việc niêm yết cũng như đăng ký giao dịch cho các DN này. Theo VFCA, việc tạo điều kiện cho các DN FDI lên sàn là cần thiết, vừa đáp ứng nhu cầu từ phía các DN này vừa giúp đa dạng hóa nguồn cung cổ phiếu trên thị trường. Giới đầu tư trong và ngoài nước có thêm khẩu vị đầu tư đa dạng để chọn lựa.
Mới đây, khi đề xuất các giải pháp để thị trường chứng khoán vượt đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính một lần nữa nhắc đến việc cho phép DN FDI niêm yết trên sàn chứng khoán nếu đủ điều kiện. Giới chuyên gia chứng khoán nhận định, đây là thời điểm chín muồi để mở đường cho khu vực DN FDI chuyển đổi sang DN đại chúng và đưa cổ phiếu niêm yết, giao dịch trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán APG Trần Thiên Hà nhận định, hiện các DN FDI sau thời gian hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu đưa cổ phiếu lên sàn với nhiều mục tiêu khác nhau; trong đó, không phủ nhận có DN theo chu kỳ kinh doanh muốn lên sàn để tìm cơ hội thoái vốn. Dù lên sàn hay không, những DN có mục tiêu này vẫn tìm cách thoái vốn bằng nhiều cách. Do đó, cần có cơ chế rõ ràng, thông thoáng cho DN FDI lên sàn để cơ quan quản lý dễ kiểm soát, giảm thiểu hành vi trốn thuế.
Còn theo Giám đốc Công ty Luật Basico - Luật sư Trần Minh Hải, việc cho phép DN FDI lên sàn chứng tỏ các DN này được đối xử bình đẳng như các DN nội địa, thuận lợi đưa vốn ra - vào thị trường. Hơn nữa, việc này còn giúp tăng cường hoạt động giám sát của nhà đầu tư, cổ đông và các cơ quan quản lý, vận hành thị trường chứng khoán đối với các DN FDI.
Thực tế, nhiều DN FDI được lên sàn theo cơ chế thí điểm trước đây hiện vẫn tăng vốn và mở rộng quy mô hoạt động với hiệu quả kinh doanh khá tốt. Cho đến hiện tại, thị trường chưa ghi nhận những DN này lên sàn để tìm cách thoái vốn hay huy động vốn từ thị trường Việt Nam rồi chuyển ra nước ngoài như một số ý kiến quan ngại và xem đây là lý do chưa nên mở cửa cho DN FDI tiếp tục lên sàn.
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán cũng như thực thi các giải pháp để gia tăng thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp chảy vào thị trường, theo giới phân tích, việc cho phép DN FDI lên sàn là thêm một con đường thu hút dòng vốn ngoại đã được Việt hóa. Hơn nữa, pháp luật về chứng khoán, đầu tư đã và đang được sửa đổi theo hướng mở rộng không gian cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia các lĩnh vực của nền kinh tế. Bởi vậy, việc mở cửa cho DN FDI lên sàn sẽ góp phần hiện thực hóa nỗ lực cải cách này, qua đó mang lại lợi ích cho các bên liên quan.
Cần cơ chế kiểm tra, kiểm soát,kiểm toán chặt chẽ
Theo khuyến nghị của giới chuyên gia, việc xây dựng cơ chế cho DN FDI lên sàn cần dựa trên đánh giá cam kết mà những DN này thực hiện khi được cấp phép đầu tư. Ngoài các quy định hiện hành về điều kiện niêm yết tại các sở giao dịch chứng khoán, Bộ Tài chính nên cân nhắc đưa thêm các tiêu chí mà DN FDI phải đáp ứng về: thời gian hoạt động tại Việt Nam; mức tăng trưởng sản lượng, doanh thu, lợi nhuận hằng năm; tỷ lệ chuyển giao công nghệ… Ðiều này sẽ giúp chọn lọc các DN FDI có chất lượng để đưa lên sàn.
Đáng lưu ý, cần tăng cường trách nhiệm của kiểm toán trong vấn đề xác định giá trị DN. Nếu DN FDI từng áp dụng các chiêu trò chuyển giá thì nhiệm vụ của kiểm toán và đơn vị xác định giá trị DN là phải đưa những giá trị ảo về giá trị thật để giá cổ phiếu chào bán ra thị trường sát thực với giá trị DN, tránh rủi ro cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, theo giới phân tích, cơ chế kiểm tra, kiểm soát cần được xây dựng chặt chẽ để đảm bảo chủ DN FDI sau khi chuyển đổi phải chịu trách nhiệm về tình trạng kinh doanh thua lỗ. Thậm chí, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, đăng ký kinh doanh cần hợp tác với cơ quan quản lý các nước có DN hoạt động tại Việt Nam để buộc chủ DN phải chịu trách nhiệm xử lý đến cùng đối với các vấn đề xảy ra tại DN. Riêng vấn đề kiểm soát việc nhà đầu tư nước ngoài đưa DN lên sàn để thoái vốn, các cơ quan quản lý có thể cân nhắc đưa ra quy định: cổ đông lớn, cổ đông sáng lập nước ngoài phải chịu hạn chế giao dịch cổ phiếu trong một khoảng thời gian, chẳng hạn trong vòng 3 năm kể từ ngày niêm yết.
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - Luật sư Trần Hữu Huỳnh - cũng cho rằng, điều quan trọng là cần cơ chế giám sát chặt chẽ, khả thi với các DN FDI lên sàn, đặc biệt việc tuân thủ các quy định về minh bạch báo cáo tài chính, báo cáo thường niên và các quy định của pháp luật chứng khoán. Hơn nữa, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán và các Bộ, ngành liên quan cần rà soát kỹ các cam kết quốc tế mà Việt Nam phải thực thi cũng như các lĩnh vực mở cửa tối đa hay hạn chế sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Mới đây, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã đề xuất các giải pháp tháo gỡ bất cập về cơ chế để chính thức cho phép các DN FDI lên sàn sau giai đoạn thử nghiệm ban đầu. Trong quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, cơ quan quản lý đang tính toán đưa nội dung niêm yết/đăng ký giao dịch của DN FDI vào Dự thảo Nghị định. Nếu Nghị định được Chính phủ thông qua thì năm 2021 có thể khơi thông điểm nghẽn về cơ chế cho DN FDI lên sàn.
HỒNG ANH