Đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt

Xã hội - Ngày đăng : 11:35, 25/06/2020

(BKTO)- Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 ở khu vực đô thị có 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, mai táng phí, tử tuất… qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.


                
   

Việc lĩnh lương hưu, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản đem lại nhiều lợi ích- Ảnh: ST

   

Tỷ lệ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua ngân hàng còn thấp

BHXH là một trong những ngành thực hiện chi trả qua phương thức không dùng tiền mặt từ khá sớm. Song song với chi bằng tiền mặt, đến nay tất cả 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua thẻ ATM, với hàng trăm nghìn người hưởng.

Với phương thức này, hằng tháng, người hưởng không cần phải đến địa điểm tập trung để lĩnh tiền chế độ; không cần phải chờ đợi; không sợ nhầm lẫn, thừa - thiếu…, do đó, tiết kiệm được thời gian, công sức và hoàn toàn yên tâm về độ chính xác. Với cơ quan chi trả, thực hiện phương thức này cũng đã bảo đảm mục tiêu an toàn tiền mặt, tránh được sai sót, quá tải trong xử lý công việc.

Tuy nhiên, đến nay việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp (TCTN) qua tài khoản ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng thấp. Theo số liệu của BHXH Việt Nam, năm 2019, số người hưởng BHXH chi trả qua ATM mới chỉ chiếm 19%, số người hưởng TCTN đạt 40%. Tính chung tỷ lệ người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt năm 2019 là 28,47%.

Nguyên nhân của thực trạng nêu trên trước hết là do nhiều người dân, nhất là người cao tuổi vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt, trong khi các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chưa được phổ biến rộng rãi; số lượng máy ATM chưa nhiều, nhất là tại các khu vực ngoài đô thị. Bên cạnh đó, việc sử dụng thẻ gặp khó khăn đối với đối tượng người già, yếu, cao tuổi...Đồng thời việc quản lý người thụ hưởng còn gặp khó khăn trong xác định đối tượng hưởng; xem xét, rà soát đối tượng đủ điều kiện tiếp tục hưởng tại thời điểm chi trả trợ cấp…

Chuẩn hóa thông tin dữ liệu về người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày yêu cầu các Bộ, ngành liên quan, các địa phương tích cực, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg và các Nghị quyết của Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và BHXH Việt Nam hoàn thành việc xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các hướng dẫn, tiêu chuẩn, lộ trình chuẩn hóa thông tin dữ liệu về người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, các chế độ an sinh xã hội để có thể kết nối, chia sẻ thông tin với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán thực hiện chi trả các chế độ an sinh xã hội .

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch “Đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng từ năm 2020 đến năm 2025”.

Theo đó, để thực hiện hiệu quả công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương của Chính phủ, của Ngành về việc đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng, tổ chức đại lý của ngân hàng; tập trung tuyên truyền về hiệu quả, lợi ích của việc chi trả không dùng tiền mặt, quy trình, thủ tục thực hiện; các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng.

Đồng thời, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung quy trình chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý người hưởng nhằm phù hợp với quy trình cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của ngân hàng, tổ chức đại lý của ngân hàng cung ứng dịch vụ chi hộ đảm bảo tính an toàn, bảo mật và thực hiện giao dịch điện tử.
Chuẩn hóa thông tin dữ liệu về người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN để kết nối, chia sẻ thông tin với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Trong đó, hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN; hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm quản lý đảm bảo sẵn sàng kết nối, chia sẻ với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN, đảm bảo tính bảo mật trong giao dịch thanh toán theo đúng quy định; đẩy mạnh thực hiện giao dịch điện tử, sử dụng chữ ký số trong việc chi trả, trao đổi thông tin giữa cơ quan BHXH với ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ chi hộ là đại lý của ngân hàng.

Đặc biệt, BHXH sẽ xây dựng mục tiêu, lộ trình và giao chỉ tiêu cho từng BHXH tỉnh, thành phố thực hiện chỉ tiêu vận động, khuyến khích người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN nhận qua tài khoản cá nhân và tổ chức cung cấp dịch vụ chi hộ là đại lý của ngân hàng đến năm 2025.

Cùng với đó, ngành BHXH tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại Kế hoạch số 1764/KH-BHXH ngày 23/5/2019 của BHXH Việt Nam với mục tiêu năm 2020 đạt 20% số tiền chi trả an sinh xã hội ở khu vực đô thị được chi trả qua phương thức không dùng tiền mặt. Đến năm 2021 phấn đấu đạt 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, mai táng phí, tử tuất… sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ.

KIM AN