Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020: Lạc quan nhưng cần thận trọng

Kinh tế - Ngày đăng : 09:00, 29/06/2020

(BKTO) - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 lên 5,5% trong khi giữa tháng 4 vừa qua, đơn vị này dự báo mức tăng trưởng là 4,2%. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức do môi trường kinh tế thế giới bất ổn.



Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức do môi trường kinh tế thế giới bất ổn. Ảnh: V.Hoàng

Nâng dự báo tăng trưởng kinh tế từ 4,2% lên 5,5%

PGS,TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng VEPR - cho biết, dự báo này được đưa ra trên cơ sở việc phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam được thực hiện tốt hơn so với dự tính. Theo đó, nửa cuối năm 2020, có những yếu tố có thể hỗ trợ tăng trưởng như Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA) có hiệu lực từ ngày 01/8/2020. Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm đang được đẩy nhanh. Song song với đó, nước ta có thể đón làn sóng dịch chuyển đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài nhằm phân tán rủi ro do thương chiến Hoa Kỳ - Trung Quốc và tận dụng các hiệp định thương mại tự do, lao động giá rẻ của Việt Nam. Ngoài ra, rủi ro lạm phát của Việt Nam ở mức trung bình, tạo điều kiện tốt cho việc thực thi các chính sách vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng…

Tuy nhiên, theo ông Phạm Thế Anh, Việt Nam cũng cần thận trọng trước những thách thức do môi trường kinh tế thế giới bất ổn. Nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 lần hai kèm theo các rủi ro về phong tỏa tổng cầu và đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn đang hiện hữu ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, sự xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam chịu thiệt hại, bất kể phần thắng nghiêng về bên nào. Ngoài ra, nền tảng vĩ mô trong nước còn yếu, chưa được cải thiện nhiều so với những năm trước, “sức khỏe” của hệ thống tài chính - ngân hàng vẫn còn yếu, tăng trưởng còn phụ thuộc nặng nề vào khu vực đầu tư nước ngoài, chất lượng lao động còn thấp, hiệu quả đầu tư công chưa cao, tiến trình cổ phần hóa DNNN còn chậm, môi trường thể chế, kinh doanh vẫn bộc lộ nhiều bất cập…

Căn cứ vào các yếu tố trên, VEPR đã dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 theo các kịch bản khác nhau.

Kịch bản lạc quan nhất dựa trên giả định bệnh dịch trong nước được khống chế hoàn toàn vào cuối tháng 4 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Trong khi đó, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa từ đầu tháng 6 giúp các ngành xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng tốt trong nửa cuối của năm. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, vận tải hành khách vẫn còn dè dặt và chỉ dần hồi phục, tác động xấu nhất của Covid-19 rơi vào quý II. Khi đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 được dự báo đạt khoảng 5,5%.

Với kịch bản trung tính và bi quan, dịch bệnh ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới được giả định có thể tái bùng phát và các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang nửa sau quý III, thậm chí sang quý IV/2020; mức độ tác động của dịch Covid-19 lên các ngành sẽ nghiêm trọng hơn. Theo đó, mức tăng trưởng trong năm 2020 của Việt Nam có thể chỉ là 3,9% với kịch bản trung tính hoặc chỉ đạt 1,7% với kịch bản bi quan.

Phát triển kinh tế song hành với phòng, chống dịch bệnh

PGS,TS. Phạm Thế Anh khuyến nghị, trong ngắn hạn, cần tiếp tục kiểm soát chặt dịch bệnh trong nước và dần mở cửa có kiểm soát đối với bên ngoài. Thúc đẩy đầu tư công trong nửa sau của năm phải đúng trọng tâm, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực. Cùng với đó, phải cắt giảm ngân sách chi thường xuyên tối thiểu 10% để dành nguồn lực cho việc khắc phục hậu quả do dịch bệnh. Đồng thời, cần cải thiện cơ sở hạ tầng và thể chế để thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư, tiếp tục thực hiện các chính sách cải thiện nền tảng vĩ mô. Điều cần thiết nhất mà Việt Nam nên làm là sắp xếp lại cấu trúc của nền kinh tế nội địa, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch và công bằng để tạo nền tảng bền vững cho tăng trưởng dài hạn.

TS. Nguyễn Đức Thành - Cố vấn trưởng VEPR - khuyến nghị thêm, trong ngắn hạn, việc thúc đẩy đầu tư công nửa sau của năm 2020 có thể bù đắp được những khó khăn tạm thời của nhiều ngành sản xuất. Tuy nhiên, nước ta không thể thúc đẩy chi tiêu công mãi trong dài hạn do nguồn lực hạn hẹp. Bên cạnh đó, nếu thực hiện nới lỏng tiền tệ với quy mô lớn thì có thể dẫn đến mất giá tiền tệ, môi trường đầu tư trở nên rủi ro hơn và làm trì hoãn các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong mọi hoàn cảnh, nước ta phải xây dựng được các phương án phòng, chống bệnh dịch đi kèm sản xuất, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN còn khả năng hoạt động, phát triển kinh tế nên đặt ngang hàng với công cuộc phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các chính sách chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người lao động bị tạm thời ngưng việc, trợ cấp cho người nghèo, người bị mất kế sinh nhai do tác động của giãn cách xã hội phải được triển khai nhanh chóng. Đặc biệt, lao động trong khu vực phi chính thức cần được quan tâm hơn, bởi đây là lực lượng chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất và có thể nằm ngoài phạm vi thụ hưởng các chính sách hiện tại. Với nhóm DN ít hoặc không bị ảnh hưởng, hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả, nên khuyến khích tín dụng, tạo điều kiện về thể chế và chính sách bởi đây là nhóm gánh đỡ cho nền kinh tế trong thời kỳ khó khăn này.

Cuối cùng, Việt Nam nên tiếp tục cải cách những chính sách dài hơi hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro cho tương lai. Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh. Đồng thời, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn...

THÙY ANH