Phòng chống bạo lực gia đình cần sự chung tay của toàn xã hội
Xã hội - Ngày đăng : 10:35, 29/06/2020
(BKTO) - Bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp, nghiêm trọng. Để phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng này đòi hỏi cần có sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt cần thay đổi những quan niệm lạc hậu về phụ nữ và trẻ em.
Áp lực kinh tế làm gia tăngbạo lực gia đình
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tại Việt Nam có khoảng 58% phụ nữ đã từng kết hôn phải trải qua ít nhất một trong ba hình thức bạo lực (thể chất, tình dục hoặc tinh thần) trong đời; 50% nạn nhân đã không nói cho ai biết về hành vi bạo lực mà họ phải chịu đựng; 87% không tìm kiếm bất cứ sự trợ giúp nào từ các dịch vụ công. Khoảng 2/3 trẻ em từ 1 đến 14 tuổi đã từng trải qua một số hình thức kỷ luật bằng bạo lực tại chính gia đình của mình; hằng năm có hơn 2.000 trường hợp xâm hại trẻ em, trong đó, 75% các trường hợp là xâm hại tình dục.
Đặc biệt, thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, sự hạn chế di chuyển và các biện pháp cách ly khác kèm theo áp lực về xã hội, kinh tế đã làm tăng bạo lực gia đình, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ. Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) Dương Thị Ngọc Linh cho biết, ngày 01/4/2020, cả nước bắt đầu thực hiện cách ly xã hội thì đến ngày 03/4, nhân viên của Trung tâm này đã phải hỗ trợ khẩn cấp, giải cứu 3 mẹ con bị bạo lực gia đình đến Ngôi nhà bình yên (nhà tạm lánh thuộc T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) - nơi trợ giúp phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực.
Trong tháng 4/2020 (thời gian thực hiện giãn cách xã hội), Tổng đài ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (Tổng đài 1900969680) đã tiếp nhận gần 350 cuộc gọi của những người phụ nữ cần hỗ trợ, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2019; công tác phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương để tham vấn, tư vấn và giải quyết khẩn cấp cho các trường hợp phụ nữ cần hỗ trợ về bạo lực cũng tăng lên 40%, trong đó có 30 trường hợp giải cứu khẩn cấp; hơn 500 người đến tham vấn trực tiếp tại Phòng Tham vấn của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, tăng 48%.
Ngoài ra, số phụ nữ đến các Ngôi nhà bình yên ở trong thời gian này là 72 người, tăng 80% so với cùng thời điểm năm 2019. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), chỉ tính riêng trong tháng 4/2020, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 750 cuộc gọi đề nghị trợ giúp, trong đó, hơn 200 cuộc cần sự can thiệp về bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và những vấn đề liên quan đến sang chấn tâm lý.
Cần thay đổi những quan niệmlạc hậu về phụ nữ và trẻ em
Theo Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Nga, xâm hại trẻ em không chỉ là xâm hại tình dục, mà còn là vấn đề bạo lực, bóc lột, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc và các hình thức khác gây tổn hại thể chất và tinh thần của trẻ. Do đó, xã hội cần thay đổi những quan niệm lạc hậu về phụ nữ và trẻ em, cần hiểu rõ về quan niệm “roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”.
Để bảo vệ cho những quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Khuất Văn Quý cho biết, Bộ VH-TT&DL đã và đang xây dựng các thiết chế văn hóa, xây dựng khu vui chơi, các chương trình bảo vệ chăm sóc trẻ em trong môi trường gia đình, tất cả đều chung mục đích lan tỏa thông điệp “Yêu thương, chia sẻ để xây dựng gia đình bình an, hạnh phúc; lắng nghe để hành động; chung tay phòng ngừa và ngăn chặn bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em; vì mái ấm không bạo lực; vì môi trường sống an toàn và hạnh phúc”.
Trong khi đó, theo Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, ngăn chặn bạo lực trong gia đình cần sự chung tay của toàn xã hội từ trường học, nơi công cộng và nơi làm việc; đồng thời thay đổi những định kiến về giới, để mỗi cá nhân trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới và trẻ em trai trở thành những tác nhân thay đổi trong nhận thức về bình đẳng giới.
Ngoài ra, nhiều ý kiến khác cho rằng, phòng chống bạo lực gia đình phải kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp, song lấy phòng ngừa là chính. Trong đó, cần chú trọng trước hết là công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình và làm tốt công tác tư vấn hòa giải. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương cần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những vụ việc bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật để nâng cao tính phòng ngừa, răn đe nhằm chung tay phòng, chống tình trạng bạo lực gia đình, xây dựng “xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc”.
Đại sứ quán Australia và các tổ chức quốc tế vừa khởi động Dự án Hỗ trợ các hoạt động can thiệp nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam trong bối cảnh Covid-19, trị giá 2,5 triệu đô la Úc (hơn 40 tỷ đồng). Đây là một phần trong gói ngân sách 10,5 triệu đô la Úc mà Chính phủ Australia hỗ trợ Việt Nam trong công tác ứng phó với Covid-19. Mục đích của Dự án là hỗ trợ Chính phủ và các tổ chức xã hội tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó quốc gia nhằm đương đầu với vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh đại dịch Covid-19, để đảm bảo những đối tượng dễ bị tổn thương nhất có thể sống một cuộc sống không có bạo lực. |
LÊ HÒA