Khẳng định vai trò của Kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 22:00, 03/07/2020

(BKTO) - Nhân dịp kỷ niệm 26 năm ngày thành lập Kiêm toán Nhà nước (11/7/1994- 11/7/2020), Phó Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đã có cuộc trao đổi với báo chí về những đóng góp của Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia.



Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh - Ảnh: Nguyễn Điệp (TTXVN)

PV: Kính thưa Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, xin Ông cho biết những nội dung cơ bản của Tuyên bố Moscow về vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAIs) trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia và vai trò của KTNN Việt Nam trong hiện thực hóa Tuyên bố trong bối cảnh của KTNN?

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh: Tuyên bố Moscow là một văn kiện quan trọng, được thông qua tại Đại hội lần thứ 23 của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế - INTOSAI diễn ra vào tháng 9/2019 tại Liên bang Nga. Đây có thể được xem là bản tuyên ngôn của cộng đồng kiểm toán công quốc tế, khẳng định cam kết mạnh mẽ của các SAI nói riêng và INTOSAI nói chung trong việc tăng cường hơn nữa trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, quản trị tốt, sử dụng hiệu quả quỹ công, củng cố giá trị, lợi ích của SAI.Tuyên bố đã xác định 03 giải pháp chính mang tính chiến lược nhằm định hình tương lai phát triển của các SAI và INTOSAI, trong đó giải pháp quan trọng nhất là SAI cần tăng cường giám sát độc lập đối với việc đạt được các mục tiêu quốc gia bao gồm các mục tiêu liên quan đến các Mục tiêu phát triển bền vững- SDGs nằm trong Chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững đến năm 2030.

Đối với kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố Moscow về mục tiêu quốc gia không còn mới đối với KTNN. KTNN đã sớm thực hiện kiểm toán các chương trình mục tiêu, trọng điểm quốc gia và đã đạt được những kết quả đáng kể trong thời gian qua.

KTNN Việt Nam đồng tình và thống nhất cao với các kết luận của Đại hội INTOSAI lần thứ 23. Với tư cách là Chủ tịch ASOSAI giai đoạn 2018-2021 và là một trong những thành viên tích cực, KTNN Việt Nam khẳng định với cộng đồng kế toán, kiểm toán quốc tế sẽ tiếp tục và nỗ lực nhiều hơn nữa để góp phần hiện thực hóa Tuyên bố Moscow. KTNN Việt Nam sẽ đóng vai trò là cầu nối, phổ biến cho công chức, kiểm toán viên của KTNN và các bên liên quan khác về những nội dung của Tuyên bố; đưa những nội dung của Tuyên bố vào Kế hoạch trung hạn và hàng năm của cơ quan; đồng thời, nỗ lực hoàn thiện cơ sở pháp lý, tăng cường năng lực cho đội ngũ kiểm toán viên và áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm toán.

-PV: Như Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đã nói, trước khi tham gia ký kết Tuyên bố Moscow, KTNN Việt Nam đã có những nỗ lực không nhỏ vào việc hiện thực hóa các mục tiêu quốc gia trong từng thời kỳ. Vậy, xin Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết KTNN đã làm được gì và đã đạt được những kết quả cụ thể như thế nào trong thời gian qua?

-Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh: Trong những năm gần đây, KTNN đã ưu tiên nguồn lực, tập trung kiểm toán các dự án trọng điểm, chương trình Mục tiêu quốc gia theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và của các nhà tài trợ.
Hàng năm, KTNN tập trung nguồn lực để thực hiện kiểm toán các Chương trình Mục tiêu quốc gia thuộc nguồn vốn Trung ương và Địa phương qua các giai đoạn như: Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề; Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội các vùng giai đoạn 2016-2020 ban hành theo Quyết định Số 1256/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/8/2017,....

KTNN đã và đang là đối tác chiến lược, đáng tin cậy của các tổ chức và đối tác phát triển quốc tế trong việc thực hiện kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia có nguồn vốn tài trợ nước ngoài như Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA) với 04 Chương trình: Cải cách hành chính công, an toàn và vệ sinh lao động (OSH), giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, Dự án chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng; Cơ quan phát triển quốc tế Canada (CIDA) với 02 Dự án gồm: Dự án Phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh và Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng; Đại sứ quán Icelandvới 01 Dự án các công trình hạ tầng quy mô nhỏ thuộc Chương trình135; Ngân hàng thế giới (WB).

Riêng đối với WB, KTNN là cơ quan kiểm toán tối cao đầu tiên trong khu vực Châu Á trở thành đối tác chiến lược của WB trong thực hiện kiểm toán theo phương thức “Chương trình dựa trên kết quả”. Từ năm 2015 đến nay, KTNN Việt Nam đã đồng hành cùng WB tổ chức triển khai thành công các cuộc kiểm toán và xác minh kết quả đối với 03 Chương trình mục tiêu quốc gia do WB tài trợ tại Việt Nam gồm: Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả của 08 tỉnh đồng bằng sông Hồng; Chương trình phát triển đô thị quốc gia dựa trên kết quả khu vực miền núi phía Bắc; Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả. Năm 2019, trên cơ sở đánh giá cao kết quả kiểm toán của KTNN, WB thống nhất lựa chọn KTNN là đơn vị kiểm toán và xác minh kết quả của Chương trình hỗ trợ 02 Chương trình mục tiêu quốc gia về Nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Thông qua các cuộc kiểm toán, KTNN đã giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho Nhà nước; hoàn thiện và củng cố khung luật pháp và tăng cường trách nhiệm giải trình của Lãnh đạo các cấp có thẩm quyền liên quan đến công tác triển khai Chương trình; hỗ trợ nhà tài trợ và các đơn vị thụ hưởng đảm bảo tính tuân thủ các quy chuẩn về chất lượng, hiệu quả và hiệu lực của công tác triển khai các hoạt động của chương trình, làm cơ sở để Chương trình, Dự án được giải ngân thuận lợi, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật.

Đối với các dự án trọng điểm quốc gia, KTNN tập trung kiểm toán các Dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Đây là nguồn huy động vốn quan trọng hiện nay của Việt Nam và cũng đang là vấn đề còn tồn tại nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách.

Thông qua các cuộc kiểm toán, KTNN đã đưa ra những kiến nghị kiểm toán táo bạo, có thể kể đến là kiến nghị giảm 300 năm thời gian thu phí hoàn vốn so với phương án ban đầu của 86 dự án BOT được kiểm toán từ năm 2016 đến năm 2020, kiến nghị xử lý tài chính 4.191 tỷ đồng; xử lý tài chính 12.511 tỷ đồng đối với 65 dự án BT được kiểm toán trong cùng kỳ thời gian.

-PV: Hiện nay, KTNN có phải đối mặt với những thách thức cụ thể nào trong việc thực hiện kiểm toán các chương trình mục tiêu và trọng điểm quốc gia?

-Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh: Dù đã đạt được những thành công nổi bật trong công tác kiểm toán các chương trình mục tiêu và trọng tâm quốc gia, KTNN ý thức được những thách thức to lớn trong việc theo đuổi Tuyên bố Moscow.
Thứ nhất, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng đến năm 2020 là lồng ghép đầy đủ các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào nội dung Chiến lược phát triểnkinh tế- xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm, các chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan. Điều này đồng nghĩa với việc, Các mục tiêu phát triển bền vững đầy sẽ được chi tiết hóa vào mục tiêu quốc gia trên tất cả các ngành, lĩnh vực, cơ quan nhà nước. Do đó, trong tương lai gần, quy mô, phạm vi kiểm toán của KTNN được mở rộng, phức tạp hơn rất nhiều trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế về số lượng và chất lượng.

Thứ hai, hoạt động kiểm toán củaKiểm toán Nhà nướcđối với các Dự án PPP còn gặp nhiều khó khăn do hành lang pháp lý chưa được đồng bộ.Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của LuậtKiểm toán Nhà nướcnăm 2015được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 01/7/2020vàLuật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9,quy định rõ vai trò củaKiểm toán Nhà nướctrong kiểm toán các Dự án PPP đòi hỏiKiểm toán Nhà nướcphải điều chỉnh, sửa đổi hệ thống các quy định, văn bản hướng dẫn kiểm toán theo hướng phù hợp với các văn bản Luật cơ sở này.

Thứ ba, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số hóa, điện toán đám mây..., hoạt động kiểm toán cần nỗ lực hơn nữa, và cần chuẩn bị chu đáo hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị Công nghệ thông tin, đào tạo con người kết hợp áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến với những bước đi phù hợp để ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành.

PV: Thưa Ông, KTNN có định hướng và giải pháp cụ thể gì để theo đuổi Tuyên bố Moscow và làm tốt hơn nữa vai trò của SAI đối với việc thực hiện mục tiêu quốc gia trong thời gian tới?

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh: Đứng trước những thách thức to lớn, KTNN cần tiếp tục tập trung nguồn lực để đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp sau đây.

Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, làm cơ sở thuận lợi cho hoạt động kiểm toán, đảm bảo tính độc lập của KTNN. Trong đó, tập trung sửa đổi, điều chỉnh các văn bản hướng dẫn chi tiết của KTNN trong lĩnh vực này theo hướng tuân thủ Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Đầu tư theo phương thức PPP;

Thứ hai,tập trung đào tạo và tăng cường năng lực chuyên môn cho đội ngũ kiểm toán viên của KTNN, trang bị, cập nhật những kiến thức kinh nghiệm kiểm toán theo từng lĩnh vực; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, từng bước thay đổi phương pháp, kỹ năng kiểm toán đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ kiểm toán trên các nền tảng khoa học - công nghệ tiên tiến;
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo chất lượng kiểm toán. Thực hiện công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán kịp thời, đi vào thực chất, thiết thực; thực hiện kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán;

Thứ tư, thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng loại hình kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực đối với các chính sách và chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường sự hiện diện và tham gia tích cực vào quá trình hoạch định chính sách, xây dựng chương trình của Chính phủ, các dự án trọng tâm, trọng điểm quốc gia với tư cách là đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn, ý kiến chuyên môn chuyên sâu;

Thứ năm, tăng cường các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm với các SAI, các hiệp hội kế toán, kiểm toán khu vực và thế giới trong việc kiểm toán đối với các chính sách công và các chương trình mục tiêu và trọng điểm quốc gia. Đồng thời, cập nhật, hoàn thiện chuẩn mực kiểm toán theo thông lệ tốt và chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế nhằm chuẩn hóa công tác kiểm toán của KTNN.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước./.

BÉ NGỌC (thực hiện)