Giải ngân vốn vay nước ngoài: Không quyết liệt, khó hoàn thành nhiệm vụ
Đối nội - Ngày đăng : 09:05, 08/07/2020
(BKTO) - 6 tháng đầu năm 2020, cả nước mới giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài được 7.427 tỷ đồng, đạt khoảng 13% so với tổng số vốn được giao là 60.000 tỷ đồng. Với tiến độ giải ngân này, các Bộ, ngành, địa phương sẽ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ nếu không quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp.
Cần quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn vay nước ngoài. Ảnh: P.Tuân
Giải ngân chậm - vì sao?
Bộ Tài chính cho biết, trong số vốn đã giải ngân nói trên, các Bộ, ngành T.Ư giải ngân 2.815 tỷ đồng, đạt 15,46% dự toán; các địa phương giải ngân 4.611 tỷ đồng, đạt 11,98% dự toán. Đáng chú ý, Bộ Công Thương và 10 địa phương vẫn chưa giải ngân phần vốn cấp phát đầu tư công là: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai và Tiền Giang. Riêng TP. HCM, do vướng mắc trong việc hoàn tiền vốn ứng cho 3 dự án (Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 và Vệ sinh môi trường TP. HCM) với tổng trị giá 4.600 tỷ đồng nên tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 4,13%. Tuy nhiên, nếu giải quyết dứt điểm việc xác định giá trị cấp phát cho tuyến đường sắt số 1 và hoàn thành các thủ tục hoàn ứng, tỷ lệ giải ngân chung của TP. HCM sẽ lên tới 40%.
Tại Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài do Bộ Tài chính vừa tổ chức, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính - lý giải: Do dịch Covid-19 nên các chuyên gia nước ngoài không thể vào Việt Nam để tham gia dự án. Hơn nữa, các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 bởi những dự án này đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu... Bên cạnh đó, nhiều dự án lớn phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai, lập hồ sơ rút vốn trong 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, một số cơ chế, chính sách mới được ban hành, với nhiều nội dung thay đổi như Nghị định số 56/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài thay thế Nghị định số 16/2016/NĐ-CP và Nghị định số 132/2018/NĐ-CP; do đó, các Bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án chưa cập nhật.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết thêm: Dự toán năm 2020 được giao rất sớm, ngay từ đầu năm nhưng đến nay, một số Bộ, ngành, địa phương vẫn chưa phân bổ hết vốn cho từng dự án. Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng chậm, năng lực hạn chế của các nhà thầu, chậm giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu, quá trình thẩm định của cơ quan cho vay lại đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thường kéo dài… cũng là những nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài không như kỳ vọng.
Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, với tiến độ giải ngân như hiện nay và việc nền kinh tế tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nếu các cấp, ngành, các địa phương và chủ dự án không thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp thì sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ của năm 2020 cũng như nhiệm vụ của giai đoạn 2016-2020.
5 nhóm giải pháp thúc đẩygiải ngân vốn vaynước ngoài
Tại Hội nghị, bà Phạm Thị Hồng Hà - Giám đốc Sở Tài chính TP. HCM - cho biết: Đến hết tháng 7/2020, TP. HCM có thể giải ngân vốn vay nước ngoài cho vay lại được khoảng 7.630 tỷ đồng, đạt 53,76% kế hoạch nếu được giải quyết các vướng mắc. Theo đó, Thành phố đề xuất Chính phủ cho phép ưu tiên giải ngân vốn đầu tư vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, môi trường có quy mô đầu tư lớn. Bộ Tài chính tham mưu cấp có thẩm quyền quyết định tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hằng năm cho chi đầu tư phát triển phù hợp với thực tế của dự án và tiến độ cam kết giải ngân với nhà tài trợ…
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, trong đó có quy định về quy trình, thủ tục cập nhật giá gói thầu, thẩm quyền quyết định sử dụng chi phí dự phòng của giá gói thầu khi cập nhật giá gói thầu để các địa phương thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn vốn vay nước ngoài, Bộ Tài chính đề xuất 5 nhóm giải pháp. Theo đó, trước hết, Bộ này đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phân bổ, phân khai hết dự toán, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào Hệ thống Tabmis của Kho bạc Nhà nước để có cơ sở giải ngân. Trường hợp thấy không đủ khả năng giải ngân, đề nghị hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có tính sẵn sàng hơn. Các địa phương phải bố trí đủ vốn đối ứng để đáp ứng yêu cầu thanh toán cả vốn nước ngoài và vốn trong nước cho phù hợp.
Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát hồ sơ, thủ tục liên quan tới chủ trương đầu tư, hiệp định vay. Nhóm giải pháp tiếp theo là chủ động bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, phân khai đấu thầu, thực hiện cơ chế đấu thầu, ký kết hợp đồng, triển khai thực hiện dự án, triển khai phương pháp thanh quyết toán khi dự án hoàn thành.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương cần phối hợp với Bộ Tài chính và nhà tài trợ trong việc giải ngân, rút vốn (trong đó có thanh toán điện tử thí điểm ở một số đơn vị, giải ngân một số tài khoản đặc biệt); phối hợp với Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước trong việc ghi thu, ghi chi phần vốn thanh toán.
Ngoài ra, các sở tài chính và Bộ Tài chính rà soát lại các hợp đồng vay lại cũng như kế hoạch vay của chính quyền địa phương, tiếp tục thẩm định hồ sơ vay về cho vay lại đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm đẩy nhanh thực hiện công tác này.
MINH ANH