Kiểm toán chuyên đề thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học, bệnh viện công lập: Kỳ V - Hoàn thiện cơ chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tự chủ y tế

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:35, 08/07/2020

(BKTO) - Căn cứ kết quả kiểm toán việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập, KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị phù hợp, khả thi không chỉ nhằm mục đích chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, tài sản công, mà còn tập trung vào việc điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thực hiện tự chủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế công lập phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân.



KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị phù hợp, khả thi trong việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập. Ảnh: TTXVN

Khẩn trương chấn chỉnhnhững hạn chế theo kiến nghịkiểm toán

Như đã nêu ở các kỳ trước, KTNN đề nghị Bộ Y tế không cấp kinh phí dàn trải, chỉ hỗ trợ phân bổ kinh phí theo dự án mua sắm trang thiết bị đặc thù, cấp thiết đảm bảo tăng hiệu quả sử dụng, tiết kiệm NSNN, đặc biệt đối với các đơn vị có khả năng tự đảm bảo kinh phí hoạt động; chỉ đạo các đơn vị chủ động lập kế hoạch mua sắm trang thiết bị từ nguồn thu và quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; hằng năm rà soát, xác định lại mức độ tự chủ của các bệnh viện tự đảm bảo một phần kinh phí để làm căn cứ cho việc hỗ trợ kinh phí từ nguồn NSNN.

Các bệnh viện cần sắp xếp khu điều trị theo yêu cầu độc lập với khu khám, chữa bệnh (KCB) thông thường. Bố trí lắp đặt các trang thiết bị, điều kiện vật chất cho khu KCB thông thường đảm bảo điều kiện theo quy định đối với từng hạng bệnh viện để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

KTNN cũng đề nghị Bộ Y tế phân cấp cho các bệnh viện trực thuộc, đồng thời thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát việc mua sắm, sửa chữa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, mua thuốc phát sinh của bệnh viện để đơn vị chủ động thực hiện; đồng thời giảm thiểu các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian phê duyệt danh mục thuốc và kế hoạch đấu thầu; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quyết toán cho các dự án hoàn thành.

Đối với các bệnh viện được kiểm toán, KTNN đề nghị chấm dứt tình trạng thu các khoản thu đã kết cấu trong cơ cấu giá; thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để tránh việc lạm dụng dịch vụ kỹ thuật không cần thiết làm tăng chi phí cho người bệnh; rà soát lại các khoản thu chưa có trong cơ cấu giá, đề nghị các bệnh viện trong khả năng nguồn tài chính của đơn vị hỗ trợ chi trả cho bệnh nhân đối với các khoản mang tính cần thiết nhưng giá trị không lớn; đối với các đơn vị thực hiện thu thêm áo toan và áo giấy một lần, đề nghị rà soát, xác định giá trị đã tính trong cơ cấu giá để nộp NSNN; rà soát lại mức thu đối với các bệnh nhân không có thẻ BHYT, đảm bảo thu đúng theo quy định của Nhà nước.

Đối với hoạt động liên doanh, liên kết, KTNN đề nghị không đưa vào cơ cấu giá các khoản lãi vay mua máy của đối tác, đàm phán với các đối tác điều chỉnh giảm giá hoặc giảm thời gian liên kết và tỷ lệ phân chia phù hợp để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, trong đó có lợi ích của người bệnh. Đối với hoạt động mua sắm, quản lý tài sản cần đảm bảo tài sản sau khi mua sắm được đưa vào sử dụng kịp thời, phù hợp với mục đích đề ra, tránh lãng phí; chấn chỉnh rút kinh nghiệm trong việc sử dụng diện tích cơ sở mặt bằng của đơn vị để hợp tác kinh doanh chưa phù hợp với quy định và đảm bảo quyền lợi được phân chia hợp lý trong hoạt động hợp tác kinh doanh.

KTNN kiến nghị hoàn thiệncơ chế, chính sách tự chủ y tế

Trên cơ sở kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan sửa đổi 1 thông tư, ban hành mới 7 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn quản lý và tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ và tài chính, cũng như ban hành các hướng dẫn theo hướng tăng cường giao quyền tự chủ cho các bệnh viện trên cơ sở có kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn. Cụ thể: Sửa đổi một số quy định không còn phù hợp của Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 về hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước. Bởi, nếu áp dụng Thông tư 08 thì các bệnh viện phải tuyển dụng thêm nhân sự, đây là một bất cập cho các đơn vị khi thực hiện cơ chế tự chủ với mục tiêu là giữ ổn định mức thu và tiết kiệm chi trên cơ sở nguồn thu thực hiện. Mặt khác, việc xác định số lao động tại đơn vị phải căn cứ trên nhu cầu vị trí việc làm đã quy định tại Nghị định số 41/2012/NĐ-CP về quy định vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.

KTNN cũng kiến nghị tăng cường giao quyền tự chủ cho các bệnh viện nhưng cần khuyến khích và tạo cơ chế để các đơn vị thực hiện các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội theo hướng phi lợi nhuận. Thủ trưởng các đơn vị được chủ động sử dụng nguồn thu của bệnh viện để chi trả mức lương tương xứng với trình độ chuyên môn của bác sĩ; có chính sách đãi ngộ hợp lý để thu hút đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, đặc biệt là ở các vùng khó khăn. Thực hiện phân cấp, phân quyền rõ ràng trong quản lý, bổ nhiệm, tuyển dụng, chi trả tiền lương trong các cơ sở KCB để tăng cường tính chủ động.

Kiến nghị nữa được KTNN đưa ra là xây dựng những văn bản hướng dẫn cụ thể về cơ chế quản lý mô hình tổ chức các đơn vị trực thuộc như bệnh viện, trung tâm quốc tế, tránh tình trạng tồn tại các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đang hoạt động với nhiều mô hình tổ chức, phương thức quản lý khác nhau, chưa đảm bảo tính thống nhất. Cần phải có quy định cụ thể về phương thức hạch toán kế toán đối với các đơn vị trực thuộc đơn vị sự nghiệp công lập, tổng hợp báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính... để đảm bảo tính công khai và minh bạch. Ban hành các định mức làm cơ sở xác định các chỉ tiêu giường bệnh, trong đó có giường theo yêu cầu, để các đơn vị thống nhất thực hiện. Bên cạnh đó, cần có các quy định rõ ràng và minh bạch giữa các dịch vụ và các khoản thu dịch vụ đi kèm theo nguyên tắc phù hợp và hài hòa giữa người bệnh, Nhà nước và bệnh viện nhằm đảm bảo quyền tự chủ của các bệnh viện nhưng cũng phải đảm bảo quyền lợi cho người dân. Qua đó, các bệnh viện công khai, minh mạch các khoản phải thu, tránh tạo thêm gánh nặng cho người bệnh.

Các bệnh viện cần ban hành cơ chế hoạt động liên doanh, liên kết rõ ràng, trong đó cần xác định được giá trị thương hiệu của bệnh viện, đảm bảo quyền lợi cho bệnh viện khi tham gia liên doanh, liên kết. Ban hành Danh mục cụ thể các thiết bị phải kiểm định và quy trình kiểm định, hiệu chuẩn đối với từng chủng loại thiết bị và quy định quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế tại cơ sở KCB, đảm bảo chất lượng trang thiết bị khi phục vụ hoạt động KCB.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục kỹ thuật theo hướng giảm bớt số lượng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến, chất lượng cao, tránh tình trạng định mức xây dựng cao hơn chi phí thực tế; xác định định mức kinh tế kỹ thuật đảm bảo thống nhất giữa các bệnh viện cùng hạng và giá của các dịch vụ KCB phù hợp với thực tế...

Đối với các bệnh viện được kiểm toán, KTNN cũng đề nghị các đơn vị xây dựng và ban hành quy chế quản lý tài sản công, quy trình quản lý và sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao để nhằm tiết kiệm chi phí trong KCB. Đồng thời, rà soát và xây dựng lại định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá đối với khoản thu dịch vụ theo yêu cầu theo hướng giảm các chi phí khi đơn vị xây dựng, phân bổ chưa chính xác để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Có thể nói, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phản ánh tương đối toàn diện bức tranh thực hiện cơ chế tự chủ tại các cơ sở y tế công lập với những kết quả đạt được, cũng như những bất cập, hạn chế, trả lời được những câu hỏi đang được xã hội và người dân hết sức quan tâm. Qua đó, những kiến nghị phù hợp, khả thi của KTNN tạo cơ sở vững chắc để Quốc hội, Chính phủ phân tích, đánh giá, đưa ra các hành động cụ thể đối với cơ chế, chính sách tự chủ y tế hướng đến mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. (Kỳ sau đăng tiếp)
         
Bên cạnh những kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách thực hiện tự chủ, qua kiểm toán tại 22 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính trên 90 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN gần 34 tỷ đồng; giảm dự toán, thanh toán năm sau 344 triệu đồng, chuyển quyết toán năm sau 216 triệu đồng và xử lý tài chính khác trên 55 tỷ đồng.
ThS. LÊ THỊ HỒNG HẠNH
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III