Anh đối diện với tình trạng gia tăng người nhập cư trái phép
Xã hội - Ngày đăng : 14:40, 08/07/2020
(BKTO) - Cơ quan Kiểm toán quốc gia Anh (NAO) giữa tháng 6 vừa qua đã phát hành bản Báo cáo kiểm toán về tình trạng người nhập cư và các hoạt động kiểm soát tại Vương quốc Anh. Theo đó, Báo cáo chỉ trích mạnh mẽ Bộ Nội vụ Anh đã không lập ước tính về số người nhập cư trái phép vào Anh trong 15 năm qua.
Người nhập cư trái phép bất chấp nguy hiểm để vào Anh. Ảnh: ST
Lơ là trong kiểm soát
NAO cho biết, khoảng 430.000 người nhập cư được cho là sinh sống bất hợp pháp tại quốc gia này - đây là con số ước tính gần đây nhất mà Bộ Nội vụ Anh công bố năm 2005. Song theo một nghiên cứu độc lập hồi năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu Pew đã đưa ra con số ước tính là khoảng 1,2 triệu người.
Trong bản Báo cáo, NAO chỉ trích rằng Bộ Nội vụ đã không thể đánh giá được liệu các biện pháp nhằm ngăn chặn người nhập cư tiếp cận các dịch vụ được hỗ trợ tài chính của Chính phủ có tác động tốt đến khả năng họ sẽ rời Anh một cách tự nguyện hay không. NAO cho rằng, ngay cả khi con số 1,2 triệu người được đưa ra, Bộ Nội vụ Anh cũng không có ý định thẩm tra lại.
Báo cáo nhận định: “Mặc dù mọi con số ước tính đều chỉ mang tính tương đối song những ước tính có thể giúp Bộ Nội vụ minh chứng được rằng liệu các hoạt động của Bộ có hiệu quả hay không trong các nỗ lực kiểm soát tình trạng người nhập cư trái phép vào Anh”. Các kiểm toán viên Chính phủ khuyến nghị, Bộ Nội vụ cần cải thiện những đánh giá của Bộ về quy mô người nhập cư trái phép tại Anh và xác định các phương thức mới để giải quyết những thách thức mà Bộ này đang phải đối mặt.
Bà Meg Hillier - Chủ tịch Ủy ban Công chứng công của Anh (PAC) - cho biết, phân tích của NAO cho thấy Bộ Nội vụ hầu như không nắm được số người nhập cư trái phép tại quốc gia này và cũng không dành sự quan tâm để nghiên cứu về vấn đề này. Bà Meg Hillier nhấn mạnh thêm, Bộ Nội vụ nước này chưa đưa ra những thay đổi đáng kể nào trong hoạt động kiểm soát tình trạng nhập cư trái phép.
Phản hồi những thông tin từ bản Báo cáo, người phát ngôn của Bộ Nội vụ khẳng định: “Trong thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp không ngừng nghỉ với các đối tác và cơ quan quốc tế, như Cơ quan Kiểm soát tội phạm quốc gia Anh (NCA), trong việc giải quyết tình trạng nhập cư bất hợp pháp, đóng cửa các tuyến buôn lậu người và hồi hương những trường hợp không có quyền tiếp tục sinh sống tại Anh. Kể từ năm 2010, chúng tôi đã trục xuất 53 trường hợp tội phạm nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Anh”.
Bài toán nhập cư không chỉ của riêng Anh
Tỷ lệ sinh thấp và tình trạng già hóa dân số đã khiến châu Âu trở thành điểm đến thu hút người nhập cư. Việc sử dụng người nhập cư là một cách để mở rộng thị trường lao động, với chi phí thấp hơn so với thuê lực lượng lao động bản địa. Mặt khác, tỷ lệ sinh ở châu Âu cũng đang ở mức thấp. Các quốc gia này cần người nhập cư nhiều năng lượng, sức trẻ và kỹ năng để làm những việc mà dân bản địa không thể hoặc không muốn làm. Do vậy, ngày càng nhiều người nhập cư đã tìm cách vượt biên vào châu Âu.
Trong số các quốc gia châu Âu, Đức và Anh giữ tỷ lệ cao nhất về số người nhập cư trái phép. Tiếp theo là Italia và Pháp. Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 4 nước này chiếm tới 70% số người nhập cư trái phép vào châu Âu. Việc Italia có số lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp là do nhiều nước láng giềng bắt đầu thắt chặt kiểm soát biên giới.
Cho đến nay, Anh vẫn là quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp gần như thấp nhất châu Âu. Những người xin tị nạn tại Anh còn được hưởng trợ cấp tài chính, chế độ chăm sóc y tế, giáo dục và hỗ trợ lương thực. Không ít người nhập cư tìm mọi cách vào Anh vì có người nhà, người quen ở đó và nhờ đó họ có thể tá túc thời gian đầu để tìm việc và tìm cách xin được lưu trú dài hạn.
Từ đầu những năm 2000, Liên minh châu Âu (EU) đã cố gắng củng cố hệ thống kiểm soát tình trạng người tị nạn vào châu Âu. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, các sáng kiến chỉ tập trung chủ yếu vào việc chia sẻ thông tin và kiểm soát biên giới, mà không chú trọng giải quyết hậu quả phát sinh sau khi người nhập cư vào lãnh thổ châu Âu. Trong một cuộc họp về vấn đề người tị nạn, Bộ trưởng Nội vụ các nước EU cho rằng, để giải quyết tình trạng nhập cư bất hợp pháp, cần những biện pháp mạnh tay và toàn diện hơn, bao gồm: cải cách chính sách nhập cư, thắt chặt những biện pháp kiểm soát ngoài biên giới, hợp tác chặt chẽ các quốc gia có người di cư để ngăn chặn ngay từ đầu tình trạng này.
NGỌC QUỲNH