AEC đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:35, 18/08/2016
(BKTO) - Nhằm hướng tới mục tiêu hội nhập sâu rộng hơn, các nhà lãnh đạo ASEANđã thông qua Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến năm2025 với 5 đặc trưng: một nền kinh tế hội nhập cao và gắn kết; một ASEAN cạnhtranh, đổi mới và năng động; nâng cao kết nối và hợp tác chuyên ngành; mộtASEAN có sức bật, phát triển toàn diện, hướng tới con người và lấy con ngườilàm trung tâm; một ASEAN toàn cầu.
Hội nhập ASEAN mang lại lợi ích lớn
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, chúng ta đang đặt kỳ vọng quá lớn vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… dù chưa biết chính xác thời điểm nào các Hiệp định mới bắt đầu có hiệu lực. Điều này cũng là tốt để chúng ta có được sự chuẩn bị hội nhập kỹ càng hơn. Tuy nhiên, chúng ta không nên vì lẽ đó mà bỏ quên hội nhập khu vực với AEC.
Một thực tế là trong khi nhiều nội dung, thủ tục cần thiết chuẩn bị cho việc phê chuẩn các Hiệp định TPP, EVFTA… còn đang “nóng” tại các hội nghị quốc tế và trong nước thì việc hội nhập AEC đã và đang mang lại những lợi ích lớn và thiết thực cho Việt Nam. ASEAN đã trở thành một trong các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là động lực giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - ASEAN đã tăng trưởng bình quân 14,5%/năm trong thời gian qua, từ khoảng 3,3 tỷ USD năm 1995 lên 42,1 tỷ USD năm 2015 (tăng gần 13 lần). ASEAN đã trở thành đối tác thương mại đứng thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân của Việt Nam sang ASEAN thời gian qua đạt 17,1% (từ gần 1 tỷ USD năm 1995 lên 18,3 tỷ USD năm 2015, tăng hơn 18 lần). Hiện ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và EU.
Ở chiều ngược lại, tăng trưởng nhập khẩu từ ASEAN của Việt Nam thời gian qua đạt 13,4%, đưa kim ngạch nhập khẩu từ 2,3 tỷ USD năm 1995 lên 23,8 tỷ USD năm 2015 (tăng hơn 10 lần). Hiện ASEAN là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hoá lớn thứ 3 cho Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc và Hàn Quốc.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lũy kế đến tháng 9/2015, đã có 8 nước ASEAN đăng ký vốn FDI tại Việt Nam với 2.681 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 56,32 tỷ USD, chiếm trên 14% tổng số dự án và gần 22% tổng vốn đăng ký đầu tư. Tính riêng năm 2015, các nước ASEAN đã đầu tư vào Việt Nam với 233 dự án cấp mới, 130 lượt tăng vốn, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 5,12 tỷ USD. ASEAN là nguồn cung FDI quan trọng của Việt Nam, đồng thời cũng là cầu nối cho nhiều khoản đầu tư của các công ty đa quốc gia có trụ sở tại ASEAN.
Nhiều cơ hội và thách thức mới
Cảm nhận được sự lơ là của nhiều DN Việt Nam với việc hội nhập khu vực thời gian gần đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh: cần lưu ý rằng hội nhập ASEAN không phải kết thúc vào năm 2015. Một minh chứng quan trọng là, mới đây, nhằm hướng tới mục tiêu hội nhập sâu rộng hơn, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Kế hoạch Tổng thể xây dựng AEC đến năm 2025 với 5 đặc trưng lớn mang tầm khu vực để hội nhập với thế giới. Theo đó, việc hội nhập sâu hơn vào AEC giai đoạn tới sẽ mở ra nhiều cơ hội và thách thức mới cho Việt Nam.
Về cơ hội, theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, hàng rào thuế quan được loại bỏ, các hàng rào phi thuế được cắt giảm tạo điều kiện cho hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động kỹ năng của Việt Nam được lưu chuyển dễ dàng hơn trong khu vực ASEAN. Không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường trong nội khối với khoảng 625 triệu dân và GDP hàng năm đạt gần 3.000 tỷ USD, ASEAN là khu vực giao thoa của nhiều hiệp định thương mại song phương giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối và với các khu vực khác trên thế giới.
ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ảnh:TS
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là sức ép cạnh tranh, nhất là trong điều kiện các nước ASEAN có lợi thế so sánh khá tương đồng với Việt Nam. Nếu sức cạnh tranh yếu, DN Việt Nam sẽ gặp khó trên thị trường nội địa và khó có thể chiếm lĩnh thị trường các nước ASEAN khác. Người lao động trình độ thấp sẽ khó vươn lên các vị trí quản lý hay trở thành các chuyên gia có mức lương cao, khó di chuyển tự do và tận dụng tốt các cơ hội mở ra theo các cam kết hội nhập kinh tế khu vực. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực, sức ép này sẽ tạo động lực để các DN trong nước buộc phải cải thiện năng lực cạnh tranh, lao động trong nước phải nâng cao trình độ để có thể tham gia các thị trường ASEAN và các thị trường khác trong khu vực.