Làm tốt công tác triển khai thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước góp phần nâng cao hiệu quả thi hành Luật
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:15, 10/07/2020
(BKTO) - Ngày 01/7/2020, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN chính thức có hiệu lực. Nhân dịp này, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán về tình hình công tác triển khai thi hành Luật.
♦Thưa Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, ngày 01/7/2020, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN chính thức có hiệu lực. Được biết, ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, KTNN đã có nhiều hoạt động để triển khai thi hành Luật hiệu quả. Xin Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác này?
Đồng chí Đặng Thế Vinh |
Xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành năm 2020 là tập trung triển khai thi hành Luật KTNN sửa đổi, bổ sung, ngày 21/01/2020, KTNN đã ban hành Kế hoạch số 111/KH-KTNN triển khai thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. Theo đó, KTNN tập trung vào các nhiệm vụ chính là: Tổ chức tuyên truyền, tập huấn đến công chức, kiểm toán viên, viên chức trong toàn Ngành, các đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức có liên quan về những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật; rà soát xây dựng và ban hành các văn bản, quy trình liên quan nhằm cụ thể hóa các quy định trong Luật với mục tiêu phát huy cao nhất hiệu lực, hiệu quả của Luật vào thực tiễn kiểm toán.
Thực hiện Kế hoạch trên, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo KTNN, công tác triển khai thi hành Luật KTNN sửa đổi, bổ sung đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Thứ nhất, trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật: KTNN đã phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật in và tổ chức phát hành 2.500 cuốn sách Luật KTNN (hiện hành) tới các Bộ, ngành, địa phương (đơn vị được kiểm toán), các đơn vị trực thuộc KTNN. Trong đó đã cập nhật, hợp nhất nội dung Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KTNN với Luật KTNN năm 2015, tạo thuận lợi cho việc tra cứu, thực hiện các nội dung của Luật. Đồng thời, biên soạn Đề cương giới thiệu Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN gửi Bộ Tư pháp làm tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến Luật.
Bên cạnh đó, KTNN đã tổ chức các hội nghị để phổ biến, quán triệt nội dung Luật tới công chức, viên chức tại các đơn vị trực thuộc KTNN; đăng tải nhiều tin, bài tuyên truyền về nội dung Luật trên Báo Kiểm toán, Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán, Cổng Thông tin điện tử của KTNN và các phương tiện truyền thông đại chúng ngoài Ngành.
Thứ hai, trong công tác rà soát, xây dựng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật: KTNN đã chỉ đạo các đơn vị trong Ngành rà soát toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật của KTNN, để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật làm cơ sở cho tổ chức và hoạt động của KTNN. Theo đó, trong năm 2020 và quý II năm 2021, KTNN sẽ sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 17 văn bản là các quy định, quy trình kiểm toán; hệ thống hồ sơ mẫu biểu kiểm toán... trong đó có một số văn bản mới để hướng dẫn, cụ thể hóa các quy định của Luật như: Quy định về kiểm tra, đối chiếu tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; Quy định về truy cập và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của các đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan…
Đến nay, các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo văn bản đã tích cực bám sát mục tiêu, yêu cầu theo tiến độ đã phê duyệt. Đặc biệt, ngày 26/6/2020, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ký Quyết định số 01/2020/QĐ-KTNN ban hành Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán, trong đó quy định cụ thể mẫu biểu hồ sơ đối với từng lĩnh vực đảm bảo phù hợp, rõ ràng, sát thực tế, giúp kiểm toán viên, các đơn vị có liên quan thuận lợi hơn trong thực hiện kiểm toán.
Đồng thời, KTNN cũng rà soát các luật liên quan để kiến nghị sửa đổi cho phù hợp như: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giám định tư pháp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư…
♦ Một vấn đề được dư luận rất quan tâm là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN cho phép đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khiếu nại, khởi kiện. KTNN đã làm gì để triển khai thi hành hiệu quả quy định này, thưa Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước?
- Ngoài quyền khiếu nại của đơn vị được kiểm toán, Luật bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán; khiếu nại về đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán, thông báo kết luận, kiến nghị của KTNN. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước thì được quyền khởi kiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Quy định này tạo cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị được kiểm toán và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời, góp phần tăng cường trách nhiệm, tính khách quan, chính xác, đúng đắn, công bằng, công khai, minh bạch của hoạt động KTNN.
Để triển khai quy định trên, KTNN đang tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ các đơn vị trực thuộc, nhất là các đơn vị có chức năng tham mưu nhằm bố trí nhân lực phù hợp để tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại của đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng quy định về tiếp nhận và giải quyết khiếu nại để đưa ra quy trình giải quyết khiếu nại thống nhất trong toàn Ngành; phân công nhiệm vụ cho các cá nhân, đơn vị trong tiếp nhận, tham mưu thụ lý giải quyết khiếu nại. Đồng thời, KTNN đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm soát chất lượng các cuộc kiểm toán; thẩm định báo cáo kiểm toán trước khi phát hành, nhằm đảm bảo chất lượng, tính chính xác của các đánh giá, kết luận, kiến nghị kiểm toán. Qua đó, đảm bảo hiệu lực của các kiến nghị kiểm toán, đồng thời hạn chế trường hợp khiếu nại của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.
♦ Từ những kết quả quan trọng trên, xin Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, thời gian tới, KTNN sẽ làm gì để tiếp tục triển khai thi hành Luật hiệu quả?
- Với nhiệm vụ đặt ra tại Kế hoạch số 111/KH-KTNN, thời gian tới, KTNN tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật đến kiểm toán viên, công chức, viên chức trong Ngành, đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; đôn đốc các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo văn bản bám sát Chương trình ban hành văn bản đảm bảo tiến độ, chất lượng văn bản, đặc biệt các văn bản mới quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; rà soát các văn bản liên quan, kịp thời kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật KTNN sửa đổi, bổ sung.
Cùng với đó, KTNN tiếp tục kiện toàn tổ chức cũng như tăng cường năng lực, chuyên môn hóa các đơn vị trực thuộc, nhất là các đơn vị có chức năng tham mưu. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức công vụ cho đội ngũ kiểm toán viên. Đồng thời, KTNN tăng cường siết chặt kỷ luật kỷ cương trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm quy chế tổ chức và hoạt động kiểm toán, quy trình, chuẩn mực, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật khác để công tác kiểm toán đi vào kỷ cương, nền nếp, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
♦ Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước!
Đ.KHOA (Thực hiện)