Hành trình không quên
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:25, 10/07/2020
(BKTO) - Tháng 6/2018, tôi tham gia cuộc kiểm toán Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng giai đoạn 2016-2020 tại Hà Giang. Sau khi làm việc tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi đi hiện trường. Đó là chuyến đi có 1 không 2!
Kiểm toán viên (áo màu sáng) đi thực địa. Ảnh tư liệu
Sáng hôm đó, 2 chiếc xe 7 chỗ của Ban Quản lý dự án thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban) đưa 5 anh em tôi đến kiểm tra hồ Cán Tỷ thuộc xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ. Theo kế hoạch, cần kiểm tra 1 - 2 điểm nữa nhưng do mưa to, chúng tôi phải nghỉ tạm tại một quán nước ven đường. Chờ một lúc lâu, thấy mưa không dứt, chúng tôi quyết định quay lại Thành phố vì sợ nếu đi tiếp sẽ không an toàn.
Mới đi chưa đầy nửa giờ, xe đã phải dừng lại do đường sạt lở. Mấy anh cán bộ của Ban nói với chúng tôi: “Có lẽ phải quay về điểm cũ chờ thông đường rồi đi tiếp”. Sau đó, cả đoàn quyết định quay lại thị trấn chờ ngớt mưa. Vừa xong bữa trưa, anh Thành - cán bộ của Ban báo lại: “Đường cũ vẫn chưa thông, Đoàn phải tìm đường khác về Thành phố càng nhanh càng tốt”.
Trong cơn mưa xối xả, chúng tôi nhanh chóng qua con đường nhỏ khác để tránh điểm sạt lở. Cứ đi một đoạn, anh lái xe lại hạ kính xuống hỏi đường mấy người đi xe máy ngược chiều. “Đoạn… ngập rồi”, “Đoạn… sạt lở, ô tô không đi được”… Như hiểu được tâm trạng hoang mang của tôi, anh lái xe động viên chúng tôi yên tâm, anh sẽ tìm đường về an toàn nhất.
Lòng vòng một hồi, chúng tôi về tới Vị Xuyên, đoạn đường vài chục mét vốn đẹp như một dải lụa buổi sáng vừa đi qua, giờ đã ngập nước. Hai chiếc xe gồng mình lên, tôi thấy nước dập dờn sát nắp capo, bánh xe dường như đang trôi chứ không còn chạm xuống mặt đường nữa…
Chúng tôi vượt qua chỗ ngập, chạy thật nhanh về hướng Thành phố, trời cũng ngớt mưa dần. Khi chỉ cách TP. Hà Giang chừng 10km thì xe không thể đi được bởi đường ngập sâu tới 1,5m. Ước chừng đoạn ngập dài đến 2km. Chúng tôi tính chờ nước rút rồi đi, nhưng càng chờ nước càng dâng cao. Đã có nhà chở ti vi, tủ lạnh lên xuồng máy để sơ tán. Bà con kháo nhau, nếu còn mưa nữa, thủy điện sẽ xả lũ và nước sẽ tiếp tục dâng. Hai cán bộ của Ban động viên 5 anh em chúng tôi: Bằng mọi giá sẽ trở về Thành phố trước khi trời tối vì ở lại sẽ rất nguy hiểm.
Để lại xe, chúng tôi lên xuồng máy. Thế nhưng, xuồng cũng chỉ đi được qua chỗ sâu nhất, sau đó chúng tôi phải lội. Lúc đầu, nước chỉ ngập đến cổ chân, càng đi nước ngập càng sâu, chỗ sâu nhất lên tới thắt lưng của tôi. Mấy anh em vừa đi vừa kể chuyện vui để quên đi nỗi hoang mang.
Đi hết đoạn ngập, chúng tôi thấy một chiếc xe 16 chỗ dừng bên đường. Anh chủ xe cho chúng tôi đi nhờ đến một cây cầu nhỏ nối vào đường liên xã. Đến đây, mấy anh lại chạy vào nhà dân thuê xe ôm. 2 người 1 xe, chúng tôi đi cho đến khi lại gặp một đoạn ngập nữa, phải tiếp tục di chuyển bằng bè mảng, rồi lại đi nhờ xe bán tải để trở về…
Anh Thắng - Phó Trưởng phòng Tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư - gọi điện hỏi thăm anh em tôi liên tục. Anh báo đoạn đường đầu Thành phố ngập đến nóc nhà rồi, không biết sẽ di chuyển bằng cách nào, thậm chí anh còn tính phương án tìm một chiếc “HOWO” để đi đón chúng tôi. May sao khi chúng tôi về đến đó thì có xuồng cứu hộ của quân đội hỗ trợ dân di chuyển. Chúng tôi lội thêm một đoạn để lên xuồng qua điểm ngập.
Về phòng nghỉ lúc 6h chiều, chúng tôi kết thúc hành trình đầy bão táp. Nơi chúng tôi vừa đi qua đã có người bị mất tích do lũ cuốn, nhiều nhà dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các anh lái xe đến trưa hôm sau mới về đến Thành phố…
Anh Thắng nói: “Đây là trận lụt lịch sử, 100 năm mới có 1 lần ở Hà Giang”.
Cho đến bây giờ, chuyến đi “để đời” ấy đôi khi vẫn được chúng tôi nhắc lại. Đối với tôi, đó là kỷ niệm chẳng bao giờ quên được. Con đường hôm ấy cũng giống như hành trình nghề nghiệp của kiểm toán viên, dẫu có những thời điểm gặp nhiều gian nan, thử thách nhưng rồi chúng tôi vẫn sát cánh bên nhau để cùng vượt qua và bước tiếp. Điều quan trọng hơn cả là chúng tôi đều đến đích, an toàn và có thêm nhiều trải nghiệm.
ĐOÀN THỊ NGUYỆT MINH
KTNN chuyên ngành IV