Kiểm toán chuyên đề thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học, bệnh viện công lập: Kỳ VI - Từng bước đưa chủ trương tự chủ đại học vào cuộc sống

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 13:25, 10/07/2020

(BKTO) - Tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) công lập là xu thế tất yếu để nâng cao tính chủ động của các trường ĐH trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển chiến lược, đồng thời, tăng cường hiệu quả của việc quản lý, sử dụng nguồn lực công, nâng cao trách nhiệm giải trình. Ở nước ta, việc áp dụng chính sách tự chủ của Đảng và Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các trường ĐH nói riêng thời gian qua đã đạt được một số thành công nhất định.



Thông qua cơ chế tự chủ, các trường ĐH được chủ động và linh hoạt hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Ảnh tư liệu

Từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý

Theo quy định, vấn đề tự chủ đối với các trường ĐH công lập được đề cập sớm tại Luật Giáo dục năm 1998 (Điều 55), Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2005 (Điều 14, 60, 65 và 66) và năm 2009. Năm 2006, cơ chế tự chủ được cụ thể hóa bằng Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là Nghị định), qua đó bước đầu giúp các trường ĐH chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, sắp xếp tổ chức bộ máy, sử dụng nguồn nhân lực và tài chính một cách có hiệu quả.

Trên cơ sở đó, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014-2017 (được kéo dài thời gian thực hiện cho đến nay) quy định chi tiết hơn các nội dung về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của trường ĐH, thúc đẩy hoạt động tự chủ ĐH tại Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP nhằm hoàn thiện các quy định về cơ chế tự chủ ĐH và mở rộng quyền tự chủ để đơn vị, đặc biệt là những trường đã tự chủ toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản, chủ động hơn trong công tác quản lý, từ đó thực hiện các mục tiêu phát triển chiến lược của mình.

Từ những chủ trương này, nhiều trường ĐH đã và đang áp dụng theo cơ chế tự chủ và đạt được thành công bước đầu, được xã hội ghi nhận, đó là uy tín của nhiều trường ĐH từng bước nâng cao và thương hiệu của trường đã thu hút người học, thu hút giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Trên thực tế, đại đa số các trường ĐH đã xây dựng được các chiến lược phát triển có chiều sâu, định hướng phát triển dài hạn, từ đó tận dụng được lợi ích của công cuộc thực hiện tự chủ, phát huy sức mạnh vốn có của mình. Đến nay, nhiều trường đã tạo lập được vị thế, thương hiệu của mình về đào tạo, nghiên cứu khoa học, về trình độ sinh viên ra trường không chỉ trong nước và quốc tế, như: ĐH Quốc gia TP. HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế TP. HCM, ĐH Kinh tế Quốc dân…

Những kết quả bước đầuquan trọng

Một trong những kết quả quan trọng đầu tiên mà cơ chế tự chủ mang lại cho các trường ĐH, đó là từng bước nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực công đầu tư cho lĩnh vực giáo dục ĐH. Qua những con số, những vấn đề được KTNN phát hiện, có thể thấy, trước hết, nhờ thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, các trường ĐH công lập chủ động xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ trong phạm vi nguồn tài chính và được sử dụng phù hợp với đặc thù của đơn vị và quy định pháp luật, góp phần tiến tới quản lý hoạt động của đơn vị theo các chỉ tiêu đầu ra.

Bên cạnh đó, việc thực hiện cơ chế tự chủ đã giúp nhiều đơn vị chủ động tiếp cận các nguồn vốn ngoài ngân sách như: vay vốn của các ngân hàng thương mại; quỹ kích cầu; sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tăng số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu dạy và học ngày càng cao trong xã hội.

Đặc biệt, thông qua cơ chế tự chủ, các trường được chủ động và linh hoạt hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, giảm bớt các thủ tục hành chính, tận dụng cơ hội để đáp ứng kịp thời nhu cầu đào tạo của xã hội theo quy luật thị trường. Nhiều trường có cơ hội mở rộng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các loại hình đào tạo như chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tiên tiến, với nhiều hình thức đào tạo đa dạng ngoài mô hình đào tạo tập trung truyền thống như: đào tạo từ xa, vừa học vừa làm, bồi dưỡng chứng chỉ chuyên môn, tổ chức mô hình liên kết đào tạo với các cơ sở trong và ngoài nước. Đặc biệt, nhờ có tự chủ, nhiều trường đã phát triển các chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận các chuẩn quốc tế, xây dựng chuẩn đầu ra theo quy định hiện hành, quan tâm đến hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo…, từ đó thực hiện đúng chức năng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước, cũng như giúp tăng nguồn thu hợp pháp, chính đáng cho các đơn vị.

Bên cạnh đó, các trường ĐH đã từng bước chủ động tổ chức sắp xếp lại nhân sự, thực hiện chính sách tinh giản biên chế, nhằm đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu quả, đồng thời nâng cao thu nhập cho người lao động gắn với trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Theo số liệu thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN, giai đoạn 2016-2018, thu nhập bình quân của giảng viên, viên chức và người lao động tại các trường ĐH công lập tăng dần trong 3 năm, bình quân là từ 11 triệu đồng/tháng đến 28 triệu đồng/tháng. Đây là tín hiệu đáng mừng, giúp cán bộ công nhân viên trong nhà trường được đảm bảo về mức thu nhập, từ đó an tâm công tác, tăng cường sức sáng tạo và trách nhiệm trong hoạt động giảng dạy.

Song hành cùng các chính sách quy định tiêu chuẩn giảng viên của các cấp có thẩm quyền, hầu hết các trường ĐH công lập đều quan tâm đến việc phát triển đội ngũ cả về số lượng và chất lượng. Nhiều trường đã xây dựng các quy chế về hỗ trợ giảng viên như: nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn thông qua việc hỗ trợ kinh phí đào tạo nâng cao, tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các khóa bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong và ngoài nước… Một số trường có lực lượng giảng viên với trình độ chuyên môn cao, đơn cử như ĐH Quốc gia Hà Nội, số giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ chiếm tỷ trọng cao và có xu hướng gia tăng, năm 2016 giảng viên cơ hữu có học hàm giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ chiếm 54% tổng số giảng viên cơ hữu của đơn vị; con số này năm 2017 chiếm 56%; năm 2018 chiếm 59%.

Có thể nói, những thành công bước đầu trong việc xây dựng và thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường ĐH công lập ở nước ta là điều không thể phủ nhận và là tiền đề để thực hiện các giai đoạn tiếp theo của chính sách tự chủ. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện nhiều khó khăn, vướng mắc và kiến nghị các đơn vị liên quan có biện pháp khắc phục để từ đó thực hiện thành công mục tiêu của chính sách tự chủ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. (Kỳ sau đăng tiếp)
         
Qua kiểm toán chuyên đề tự chủ tại các trường ĐH công lập trên cả nước cho thấy, trong giai đoạn 2016-2018, các trường đã phát huy tốt quyền tự chủ về tài chính, từ đó giảm dần mức độ phụ thuộc đối với NSNN, cụ thể như: NSNN hỗ trợ khối các trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm 390.474 triệu đồng, trong đó, năm 2017 giảm so với năm 2016 là 197.340 triệu đồng, năm 2018 giảm so với năm 2017 là 193.134 triệu đồng. Tại Bộ Y tế, năm 2017 giảm so với năm 2016 là 8%; năm 2018 giảm so với năm 2017 là 0,4%. Tại Bộ Tài chính, năm 2017 giảm 16% so với năm 2016, năm 2018 giảm 31% so với năm 2017… Việc giảm kinh phí hỗ trợ từ nguồn NSNN giúp tiết kiệm nguồn lực cho đất nước để thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng và cấp bách khác.

ĐINH VĂN DŨNG
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III