Kinh nghiệm kiểm toán chi tiết dự án đầu tư tại các địa phương
Xã hội - Ngày đăng : 13:35, 10/07/2020
(BKTO) - Những năm qua, kiểm toán đầu tư dự án luôn được KTNN khu vực I coi là một trong những trọng tâm trong các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP). Việc kiểm toán chi tiết các dự án đầu tư tại các địa phương không chỉ góp phần vào kết quả kiểm toán chung của KTNN khu vực I và toàn Ngành mà còn giúp đơn vị đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý.
Việc kiểm toán chi tiết các dự án đầu tư tại các địa phương giúp đơn vị đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý. Ảnh tư liệu
Phát hiện sai sót về định mức, đơn giá, phê duyệt dự án
Chỉ tính riêng 3 năm (2017-2019), qua kiểm toán các dự án đầu tư sử dụng nguồn NSNN tại các địa phương được giao phụ trách (ngoài các dự án BT), KTNN khu vực I đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính tổng cộng 1.468 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán cũng đã chỉ ra các sai sót trong quá trình quản lý, thực hiện các dự án. Cụ thể, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án ban đầu chưa đầy đủ và phù hợp; nội dung thẩm định dự án chưa cụ thể về nguồn vốn; nhiều trường hợp công trình sử dụng vật liệu, phương án thiết kế chưa hợp lý và tiết kiệm, điển hình là việc các địa phương chưa triển khai kịp thời Công văn số 9297/BGTVT-KHCN ngày 31/7/2014 của Bộ Giao thông vận tải về triển khai các giải pháp khắc phục hư hỏng “hằn lún vệt bánh xe”.
Đặc biệt, định mức hiện nay chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa theo kịp những thay đổi của các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng mới, cơ bản chỉ được áp dụng cứng đối với các dự án sử dụng NSNN. Hơn nữa, đơn giá xây dựng chưa đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, phù hợp với điều kiện xây dựng và giá thị trường tại khu vực xây dựng, chưa phân định rõ chi phí cố định và chi phí di động…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm toán dự án đầu tư trong cuộc kiểm toán NSĐP vẫn còn những khó khăn. Tại một số địa phương, hệ thống công bố giá vật liệu xây dựng chưa đầy đủ, thiếu nhiều vật liệu quan trọng phổ biến, gây khó khăn cho việc kiểm toán cũng như đưa ra các đánh giá và kiến nghị xử lý của KTNN. Đối tượng kiểm toán ngày càng bị thu hẹp do hầu hết các dự án đều đã được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trước đó. Một số nội dung kiểm toán khác gặp khó khăn về cơ sở pháp lý, tiêu chí, phương pháp, thủ tục kiểm toán.
Bài học kinh nghiệm trong kiểm toán chi tiết dự án đầu tư
Từ thực tiễn hoạt động kiểm toán chi tiết dự án đầu tư, KTNN khu vực I đúc kết một số bài học kinh nghiệm sau:
Tại cuộc kiểm toán NSĐP, bố trí đội ngũ kiểm toán viên (KTV) có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán đầu tư dự án.
KTV cần thu thập thông tin về tình hình quản lý, thực hiện đầu tư dự án của các đơn vị ngay trong quá trình kiểm toán để phục vụ việc lập kế hoạch kiểm toán những năm sau. Trước khi lập kế hoạch năm, thực hiện rà soát, bổ sung thông tin về các dự án đầu tư dự kiến kiểm toán; khi khảo sát chính thức yêu cầu thu thập đầy đủ các thông tin, đảm bảo rõ ràng, tránh trùng lặp… Quan trọng hơn, định hướng lựa chọn các dự án có khả năng xảy ra nhiều sai sót, hạn chế như: xây dựng giao thông, san nền, thủy lợi, thoát nước, bệnh viện, trường học trong đô thị…
Ngoài việc áp dụng các phương pháp chung toàn Ngành, yêu cầu đặt ra là cần tăng cường công tác kiểm tra hiện trường, hiện trạng hoàn thành dự án, trong đó, tập trung kiểm tra những vị trí có khả năng xảy ra trùng lấn khối lượng, kiểm tra chủng loại vật liệu, thiết bị đưa vào lắp đặt, sử dụng…
Trong quá trình kiểm toán, các cấp lãnh đạo luôn theo sát các tổ kiểm toán, thường xuyên cập nhật báo cáo thông tin, tiến độ, khó khăn, vướng mắc, đồng thời thiết lập hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán chặt chẽ, trong đó đặt trọng tâm vào kiểm soát chất lượng kiểm toán chi đầu tư.
Liên quan đến yêu cầu tài liệu kiểm toán, quan trọng nhất là báo cáo quyết toán hoặc báo cáo vốn đầu tư thực hiện được lập đảm bảo thông tin và nội dung theo quy định. Trong đó, KTV phải yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ cơ sở dẫn liệu của các khoản mục chi phí. Khi kiểm toán, KTV phải kết hợp các phương pháp kiểm tra, tính toán lại, so sánh, đối chiếu, tổng hợp, tăng cường kiểm tra hiện trường.
Để thực hiện tốt nội dung kiểm toán việc chấp hành Luật Đầu tư công, KTV cần nắm vững quy định của pháp luật về lĩnh vực đầu tư xây dựng theo các giai đoạn khác nhau trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, từ chuẩn bị cho đến kết thúc dự án. Dựa trên các kết quả kiểm toán chi phí và việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng, KTV đưa ra các đánh giá về tính kinh tế, tính hiệu quả, hiệu lực của dự án đầu tư.
TRẦN VIỆT SƠN - KTNN khu vực I
HỒNG ANH (lược ghi)
HỒNG ANH (lược ghi)