Doanh nghiệp cần làm gì để tận dụng lợi thế từ EVFTA?
Xã hội - Ngày đăng : 13:45, 10/07/2020
(BKTO) - Việc cắt giảm thuế ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ mang lại lợi ích cho hai bên bởi gần 100% kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang EU được xóa bỏ thuế nhập khẩu (NK). Vậy DN cần làm gì để có thể tận dụng được những lợi ích này?
DN Việt Nam cần chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, thực hiện quy tắc xuất xứ... để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường EU. Ảnh tư liệu
Gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được xóa bỏ thuế nhập khẩu
EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Hiệp định sẽ giúp kim ngạch XK của Việt Nam sang EU tăng khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030. EVFTA còn góp phần làm cho GDP của Việt Nam tăng thêm 2,18 - 3,25% (giai đoạn 2019-2023); 4,57 - 5,3% (giai đoạn 2024-2028) và 7,07 - 7,72% (giai đoạn 2029-2033).
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - thông tin thêm: Thực thi EVFTA, Việt Nam sẽ có môi trường đầu tư mở và thuận lợi hơn, triển vọng XK hấp dẫn hơn, qua đó sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam nhiều hơn. EU sẽ đầu tư vào Việt Nam về dịch vụ, tài chính, ô tô, chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông sản thực phẩm chế biến… Đây cũng là những lĩnh vực Việt Nam cần quan tâm phát triển toàn diện.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) Lưu Mạnh Tưởng cho rằng, việc cắt giảm thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực sẽ mang lại lợi ích cho hai bên bởi gần 100% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU được xóa bỏ thuế NK. Đây là mức cam kết về thuế cao nhất cho Việt Nam so với các FTA (Hiệp định thương mại tự do) đã ký kết.
Ông Hà Duy Tùng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) - cho biết: Trong tháng 7/2020, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định Biểu thuế XK ưu đãi, Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện EVFTA. Dự kiến, Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày EVFTA chính thức có hiệu lực.
Theo đó, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế NK ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch NK từ EU và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch NK từ EU. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đồng thời, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế XK với hàng hóa XK sang EU với lộ trình lên đến 15 năm, trừ những mặt hàng được duy trì thuế XK tập trung vào một số nhóm hàng quan trọng như: dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc)...
Cụ thể, cam kết đối với một số nhóm hàng quan trọng của Việt Nam như sau: Đối với ô tô, mức cam kết tối đa tại Hiệp định là 78%. Theo đó, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế NK ô tô sau 9 năm đối với ô tô phân khối lớn (trên 3.000cc cho động cơ xăng và trên 2.500cc cho động cơ diesel) và 10 năm đối với các loại ô tô còn lại. Với xe máy, mức thuế cam kết tối đa tại Hiệp định là 75%. Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế NK sau 7 năm đối với xe máy phân khối lớn (trên 150cc) và sau 10 năm đối với các nhóm xe máy còn lại. Thịt lợn, gà, bò có mức thuế cam kết tối đa tại Hiệp định là 40%. Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế NK sau 3 năm đối với thịt bò, 7 năm đối với thịt lợn đông lạnh, 9 năm đối với các nhóm thịt lợn khác và 10 năm đối với thịt gà…
Tránh vi phạm quy tắc xuất xứ
Muốn tận dụng được những lợi thế mà EVFTA mang lại, các chuyên gia về thương mại và hải quan cũng khuyến cáo DN Việt Nam cần quan tâm đến việc chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, thực hiện quy tắc xuất xứ… để có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường EU.
Bà Đào Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) - nhận định: EU là thị trường rất khắt khe, có tiêu chuẩn cao về chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, DN cần chủ động khai thác thông tin, tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường này. Việc chủ động có thể bắt đầu ngay bằng việc khai thác, xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, chế biến thành phẩm đảm bảo tiêu chuẩn cao của EU.
Ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) - khuyến nghị DN nghiên cứu kỹ các quy định tại EVFTA để tận dụng tối đa ưu đãi đối với hàng NK, XK, đồng thời, cần nghiên cứu và thực hiện đầy đủ các quy định về xuất xứ hàng hóa.
Ngày 15/6/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA. Thông tư yêu cầu rõ hình thức chứng nhận xuất xứ hàng hóa; quy tắc xuất xứ áp dụng cho hàng hóa XK từ Việt Nam đi EU và ngược lại; hình thức Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thời điểm hiệu lực cũng như việc nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan hải quan để hưởng ưu đãi…
Bên cạnh đó, việc xác định xuất xứ hàng hóa XK, NK đã được quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BTC và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 62/2019/TT-BTC. Ngày 27/5/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47/2020/TT-BTC quy định về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ và hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa NK áp dụng trong giai đoạn dịch Covid-19.
Ông Âu Anh Tuấn cho biết thêm, Việt Nam đang thực thi nhiều FTA, hàng hóa của Việt Nam khi NK vào các quốc gia đã ký kết Hiệp định sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi. Vì vậy, đã có một số DN chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, lấy xuất xứ Việt Nam để xuất sang nước khác và bị cơ quan hải quan phát hiện. Ngành hải quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường, đặc biệt đối với hàng hóa XK, NK sang EU, tránh trường hợp khi EU phát hiện gian lận sẽ áp dụng biện pháp về thuế đối với hàng hóa xuất xứ Việt Nam.
THÙY ANH