Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về chống gian lận xuất xứ

Kinh tế - Ngày đăng : 13:55, 10/07/2020

(BKTO) - Tình trạng lợi dụng xuất xứ hàng hóa Việt Nam nhằm hưởng lợi về thuế đối với hàng xuất khẩu (XK) có chiều hướng gia tăng, phức tạp. Trong khi đó, công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do các quy định pháp luật còn thiếu, chưa thống nhất, rõ ràng. Điều này đặt ra yêu cầu cần hoàn thiện hơn cơ chế, chính sách về chống gian lận xuất xứ hàng hóa.



Pin điện thoại di động thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng ghi Made in VietNam do Hải quan Hải Phòng phát hiện, bắt giữ tháng 7/2019. Ảnh: Tổng cục Hải quan​

Thu hơn 33 tỷ đồng vào ngân sách từ vi phạm xuất xứ
Để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 về việc phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành hải quan đã triển khai chuyên đề Chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Theo đó, ngành đã kiểm tra, điều tra xác minh 76 vụ việc, phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng XK; phối hợp với Bộ Công an điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu làm giả Giấy chứng nhận xuất xứ. Trên cơ sở đó, lực lượng hải quan đã tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12.000 bộ linh phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm; thu hơn 33 tỷ đồng nộp vào NSNN (bao gồm số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật vi phạm bị tịch thu).
Qua kiểm tra sau thông quan, lực lượng hải quan phát hiện 4 DN vi phạm xuất xứ Việt Nam đối với nhóm mặt hàng xe đạp, xe đạp điện; 5 DN vi phạm đối với nhóm mặt hàng pin năng lượng mặt trời; 12 DN vi phạm đối với nhóm mặt hàng gỗ, đồ gỗ nội thất từ gỗ.
Cùng với đó, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phát hiện 2 DN thủy sản có hành vi khai sai xuất xứ hàng hóa. Đặc biệt, Cục còn phát hiện 1 DN không được Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ủy quyền cấp Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) nhưng vẫn tự phát hành C/O cho nhiều DN. Tổng cục Hải quan đang phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra - C03 (Bộ Công an) điều tra, làm rõ sai phạm.
Ông Nguyễn Tiến Lộc - Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) - cho biết: Qua kiểm tra sau thông quan và điều tra chống buôn lậu, bước đầu, lực lượng chức năng đã kịp thời ngăn chặn tình trạng lợi dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để thực hiện hành vi vi phạm xuất xứ hàng hóa Việt Nam, làm ảnh hưởng đến các cam kết của Việt Nam với các nước. Trong đó, các nhóm hàng XK sang Mỹ có kim ngạch XK tăng đột biến như: xe đạp, pin năng lượng mặt trời, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ cùng nhiều mặt hàng khác đã được kiểm soát. Đại diện Cơ quan Thương mại Mỹ tại Thái Lan đã gửi thư cảm ơn Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại hiệp định thương mại giữa hai nước.
Quy định về xuất xứ còn thiếu, chưa thống nhất
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ hàng hóa còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do các quy định pháp luật về lĩnh vực này còn thiếu, chưa thống nhất, rõ ràng. Ông Trần Mạnh Cường - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan - chỉ rõ, quy tắc xác định xuất xứ hàng hóa theo nguyên tắc CTC (chuyển đổi mã số) tại điểm a, khoản 2, Điều 6 Thông tư số 05/2018/TT-BTC quy định về xuất xứ hàng hóa còn mâu thuẫn với giải thích thuật ngữ tại khoản 9, Điều 3 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa (Nghị định 31); việc chưa có quy định cụ thể về tự chứng nhận xuất xứ gây khó khăn cho cơ quan hải quan trong quá trình kiểm tra, xác định vi phạm và kết luận vi phạm về hành vi tự chứng nhận xuất xứ…
Hiện tại, Bộ Công Thương chưa hướng dẫn về ghi nhãn hàng hóa XK và cách thức kê khai xuất xứ hàng hóa trong điều kiện hàng hóa XK không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam. Các văn bản quy phạm pháp luật về công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thống nhất…
Để công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ hàng hóa đạt hiệu quả cao hơn nữa, Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Tài chính cần bổ sung quy định cách tính thu lợi bất hợp pháp đối với DN hoạt động theo loại hình gia công do chủ thể của hàng hóa (đơn vị thuê gia công) thường ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng hành vi vi phạm xảy ra trong nước. Cách tính này hiện mới chỉ quy định đối với DN kinh doanh, sản xuất XK (chủ thể của hàng hóa vi phạm) tại Thông tư số 149/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Với Bộ Công Thương, cần có quy chế phối hợp cụ thể với Bộ Tài chính (cơ quan hải quan) trong thực hiện khoản 2, Điều 28 Nghị định 31 về kiểm tra, xác minh xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; đồng thời, hướng dẫn cụ thể về việc ghi nhãn hàng, khai báo xuất xứ hàng hóa XK trong trường hợp hàng hóa không đủ điều kiện hưởng xuất xứ Việt Nam. Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng cần hướng dẫn về tự chứng nhận xuất xứ và quy định cụ thể về phương pháp xác định xuất xứ, hành vi vi phạm tự chứng nhận xuất xứ để đảm bảo tính khả thi trong xử phạt và phòng ngừa gian lận…
MINH ANH