Ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng - mục tiêu tối thượng của ngành ngân hàng

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 14:05, 10/07/2020

(BKTO) - Bám sát mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, ngành ngân hàng đã và đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo kiểm soát, ổn định vĩ mô, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.



Ngành ngân hàng đã và đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: P.Tuân

Nỗ lực duy trì mục tiêu

Ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vốn là mục tiêu quan trọng mà ngành ngân hàng xác định từ nhiều năm nay với vai trò xương sống của nền kinh tế. Ở thời điểm này, khi mà nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mục tiêu ấy lại càng được đề cao. Điều này đã được minh chứng qua những con số.

6 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản ở mức 2,81%; tỷ giá diễn biến khá ổn định, duy trì trong biên độ 0,2 - 0,3%; dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay. Sự duy trì ổn định tỷ giá đã góp phần quan trọng vào việc ổn định lạm phát. “Đây cũng là yếu tố quan trọng để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm duy trì mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam và cũng là yếu tố để tạo lập niềm tin, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới” - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng từng nhấn mạnh tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây.

Cùng với đó, để hỗ trợ cho tăng trưởng, nửa đầu năm nay, NHNN đã 2 lần giảm lãi suất điều hành ở mức rất mạnh là 1,5%; đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận cũng như lương, thưởng để hạ lãi suất cho vay. Với việc ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01), NHNN đã tạo điều kiện cho các TCTD cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ; trong thời gian cơ cấu lại nợ, khách hàng vay vốn không phải trả nợ gốc và lãi đến hạn, được miễn giảm lãi và phí cũng như giảm lãi suất.

Đặc biệt, thời gian qua, rất nhiều Hội nghị kết nối ngân hàng - DN đã được ngành ngân hàng phối hợp với các địa phương tổ chức để lắng nghe ý kiến và tháo gỡ khó khăn trong vay vốn cho cộng đồng DN. Đến nay, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng gần 260.000 khách hàng, với dư nợ xấp xỉ 180.000 tỷ đồng; miễn giảm và hạ lãi suất cho khoảng 421.000 khách hàng, với dư nợ xấp xỉ 1,3 triệu tỷ đồng; cho vay mới khoảng 1,1 triệu tỷ đồng đối với gần 240.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 2,5%.

Tiếp tục mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng, ngay từ đầu tháng 7, NHNN đã chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của một loạt ngân hàng thương mại. Điều này sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng hướng tín dụng vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt công bố giảm thêm lãi suất huy động và cho vay. Đơn cử, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam công bố giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vừa có thêm đợt giảm lãi suất cho vay lần thứ 3 liên tiếp. Đây chính là yếu tố tích cực hỗ trợ nền kinh tế hồi phục hậu Covid-19.

Tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ,kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế

6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP là 1,81%, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Đây cũng là chỉ báo cho thấy, năm nay, tăng trưởng kinh tế không dễ để đạt được con số kỳ vọng là 5%. Như vậy, tăng trưởng hiện đang là vấn đề rất quan trọng của nước ta.

Trước thách thức này, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần thống nhất chủ trương, điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ, tạo động lực để kích tăng trưởng. Riêng đối với NHNN, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả hơn để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng phù hợp, tín dụng phải tăng ít nhất 10% trong năm nay, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lạm phát dưới 4%...

Chưa hết, nhằm thực thi hiệu quả Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, mới đây, Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất triển khai giải pháp thử nghiệm cho vay ngang hàng (P2P Lending) để hỗ trợ DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay, khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Để có thể thực hiện tốt các yêu cầu trên, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế, điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng các biện pháp cần thiết can thiệp thị trường nếu có các biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô.

Bên cạnh đó, với mục tiêu hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, NHNN cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD triệt để tiết giảm chi phí và lợi nhuận để hạ lãi suất cho vay cũng như đảm bảo an toàn, chất lượng hoạt động của hệ thống các TCTD. Tiếp thu ý kiến của cộng đồng DN và các địa phương, NHNN sẽ sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng gia hạn thời gian cơ cấu lại nợ cho đến cuối năm 2020 và các khoản nợ cho vay mới sau thời điểm Thủ tướng công bố dịch cũng được xem xét để cho phép cơ cấu lại. Đồng thời, NHNN sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các TCTD từ nay đến cuối năm.

Đặc biệt, người đứng đầu NHNN cam kết, trong trường hợp cần thiết theo chỉ đạo của Chính phủ, ngành ngân hàng sẽ thực hiện nhiều giải pháp mạnh hơn để tái cấp vốn cho những dự án công trình có tác động lan toả nhằm hỗ trợ cho các khu vực kinh tế trọng điểm cũng như hỗ trợ tăng trưởng từ nay đến cuối năm.

THÀNH ĐỨC